Tác động của tình trạng di cư vì biến đổi khí hậu ở An Giang 

ĐBSCL từ lâu đã được xem là “điểm nóng” về biến đổi khí hậu, hàng triệu nông dân nơi đây đã được dự đoán sẽ di cư đến các khu vực đô thị trước tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước.

Bản đồ dự báo xâm nhập mặn ĐBSCL năm 2020.

Để hiểu rõ tác động của các yếu tố môi trường khắc nghiệt đối với các hộ gia đình di cư và không di cư, cũng như những hộ gia đình với các mức thu nhập khác nhau, ThS. Trần Văn Hiếu (Khoa Nông nghiệp và Tài nguyên Thiên nhiên, Đại học An Giang, ĐHQG-HCM), TS. Đặng Thị Thanh Quỳnh (Viện Biến đổi Khí hậu, Đại học An Giang, ĐHQG-HCM) và các đồng nghiệp đã tiến hành khảo sát hai xã Lê Trì và Bình Phú ở tỉnh An Giang – một tỉnh không giáp biển nằm ở ĐBSCL. 

Nhóm nghiên cứu đã chọn ngẫu nhiên các hộ gia đình để tiến hành cuộc khảo sát. Thông qua hồ sơ thống kê của xã về các nhóm thu nhập, họ chia các hộ gia đình thành ba nhóm dựa trên mức thu nhập là thấp, trung bình và cao. Đối với mỗi mức thu nhập, các nhà khoa học chọn khoảng 15 – 20 hộ gia đình và tiếp cận từng hộ gia đình.

Bảng câu hỏi gồm bốn phần với các nội dung: chiến lược sinh kế khác nhau của người được hỏi và các thành viên trong gia đình họ; các vấn đề liên quan đến khí hậu, đặc biệt là hạn hán năm 2015–2016 và 2019–2020, ảnh hưởng đến sinh kế, tài sản và tài sản liên quan đến nông nghiệp như thế nào; thang đo Likert 5 điểm với các nhận định nhằm tìm hiểu suy nghĩ của người trả lời về các thảm họa liên quan đến khí hậu, chiến lược thích ứng, di cư, đánh giá rủi ro và tác động của COVID-19 đối với sinh kế của họ; bảng câu hỏi khảo sát nền tảng kinh tế xã hội của người trả lời.

Vấn đề nan giải nhất trong 10 năm qua ở Bình Phú là lượng mưa thất thường (42%), lũ lụt (32%) và hạn hán nghiêm trọng (21%), điều này ảnh hưởng đến sản lượng và năng suất nông nghiệp của người dân. Đối với xã Lê Trì, vấn đề khó giải quyết nhất là nắng nóng (35%), lượng mưa khó lường (27%) và hạn hán (24%) bởi các kiểu thời tiết và lượng mưa bất thường ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi theo mùa ở địa phương. Tại Bình Phú, người dân phàn nàn rằng các loại cây trồng như mít Thái, cà chua, xoài và chanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hiện tượng thời tiết khó lường. Việc thiếu lũ cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của những người được hỏi ở Bình Phú: Những người tham gia thảo luận nhóm cho biết, trữ lượng cá đã giảm nghiêm trọng do thiếu lũ vào năm 2020. 

Hầu hết những người được hỏi đều đồng ý rằng hạn hán và các đợt mưa khó lường ngày càng tồi tệ hơn trong 10 năm qua. Dẫu vậy, hầu hết những người được hỏi đã không điều chỉnh các biện pháp nông nghiệp của họ, không trồng các giống chịu mặn, không chuyển sang nuôi trồng thủy sản, chuyển sang nuôi tôm, trồng lúa ba vụ, các hoạt động sinh kế phi nông nghiệp v.v. Tổng cộng, 37% số người được hỏi dự đoán tình trạng hạn hán sẽ trở nên trầm trọng hơn trong 10 năm tới; tuy nhiên, chỉ có 4% số người được hỏi, chủ yếu là hộ nghèo, coi di cư ra nước ngoài như một biện pháp đối phó với các tác nhân gây căng thẳng về khí hậu. Hiện tại, đã có 76,7%, 14,0% và 4,65% thành viên hộ gia đình di cư chuyển đến Bình Dương, TP.HCM và Long Xuyên. 

Hộ gia đình hiện có người di cư thường nảy ra tranh cãi về việc liệu các thành viên trong gia đình có di cư lâu dài hay sẽ quay trở lại xã. Tình trạng thiếu việc làm ở thành phố do COVID-19, giúp đỡ gia đình việc đồng áng, hoặc có cơ hội việc làm mới ở xã là một số lý do cơ bản khiến các thành viên hộ gia đình di cư sẽ quay trở lại xã. Nhìn chung, “nghiên cứu cho thấy tình trạng di cư không giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và cũng không ảnh hưởng đến chiến lược thích ứng của các nông hộ nhỏ ở tỉnh An Giang”, nhóm nghiên cứu cho biết, “mặc dù các yếu tố môi trường, dù do biến đổi khí hậu hay do con người gây ra, đã ảnh hưởng đến sinh kế của những người dân trong nghiên cứu của chúng tôi”. 

Nhóm nghiên cứu đã công bố những kết quả này trên tạp chí Humanities and Social Sciences Communications.

Tác giả

(Visited 187 times, 1 visits today)