Tăng cường giao thông công cộng sẽ làm giảm nguy cơ ô nhiễm và tai nạn giao thông
Việc tăng cường hệ thống giao thông công cộng sẽ không chỉ làm giảm tình trạng ô nhiễm không khí mà còn góp phần giảm thiểu số trường hợp tai nạn giao thông ở các thành phố lớn.
Ở năm thành phố lớn, nhu cầu đi lại tăng trung bình 2,5 % trong khi tốc độ tăng trưởng dân số khoảng 1,9%. Nguồn: TTXVN.
Đó là một trong những kết quả rút ra từ công bố “A comparative study on travel mode share, emission, and safety in five Vietnamese Cities” (Một nghiên cứu so sánh về sự chia sẻ phương thức di chuyển, phát thải và sự an toàn ở năm thành phố Việt Nam) trên tạp chí International Journal of Intelligent Transportation Systems Research.
Từ lâu, người ta vẫn hiểu là việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng sẽ góp phần làm giảm lượng phát thải các chất gây ô nhiễm vào không khí cũng như số trường hợp tai nạn giao thông. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu ở Việt Nam làm rõ lợi ích này của việc chuyển đổi phương tiện giao thông từ cá nhân sang công cộng. Do đó, TS. An Minh Ngọc (trường Đại học Giao thông Vận tải) và cộng sự đã phân tích dữ liệu giao thông từ các sở Giao thông vận tải của năm thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng để làm rõ mối quan hệ đó.
Ở Việt Nam, xe máy là sự lựa chọn hàng đầu trong giao thông bởi tính cơ động, thuận tiện. Vì vậy, vào năm 2020, người Việt Nam sở hữu trên 65 triệu xe máy trong khi vào năm 1990, con số này mới chỉ là 1,2 triệu. Sau ba thập kỷ, số lượng xe ô tô riêng của tăng từ 60.000 chiếc lên 2,2 triệu. Đi kèm với sự tăng trưởng này là các rủi ro tai nạn giao thông và tiêu thụ xăng dầu. Trong vòng hai thập kỷ từ 1990 đến 2010, số tai nạn giao thông ở Việt Nam tăng hơn năm lần, còn lượng xăng tiêu thụ trong giao thông tăng 8,8 % hằng năm.
Dựa trên số liệu hiện có, các tác giả đã phân tích nhu cầu đi lại bằng xe đạp, xe máy, xe buýt của người dân năm thành phố này giai đoạn 2014-2020, đặc điểm hành vi giao thông, so sánh nó với tốc độ tăng trưởng dân số… Trước hết, họ nhận thấy nhu cầu đi lại tăng trung bình 2,5 % trong khi tốc độ tăng trưởng dân số khoảng 1,9%; 85 đến 87% các thành viên trong gia đình chở nhau bằng xe máy đi làm; số lần đi xe buýt giảm từ 3,6% vào năm 2014 xuống còn 2,7% năm 2020; tỷ lệ cùng sử dụng một loại phương tiện giao thông ở Hà Nội giảm từ 10,3% vào năm 2014 xuống 8,6% vào năm 2020 còn TP.HCM còn 4,7%.
Về tổng lượng phát thải ô nhiễm, Hà Nội và TP.HCM dẫn đầu: ở Hà Nội, xe máy chiếm 53% tổng lượng phát thải, đóng góp 63,3% phát thải bụi PM2.5, 83,5% phát thải NOx; ở TP.HCM, xe máy chiếm 68% phát thải, 70,4% bụi PM2.5, 84,7 % phát thải NOx.
Về an toàn giao thông, năm thành phố lớn này đều có nhiều tai nạn giao thông, ví dụ vào năm 2019, có gần 1.400 trường hợp trong số gần 7.600 trường hợp tử vong trên toàn quốc. Theo dữ liệu, phần lớn nguy cơ tai nạn dẫn đến nguy cơ tử vong đều là người sử dụng xe máy. Tỉ lệ gia tăng tai nạn trên đường tăng lên 68% vào năm 2019 trong khi năm 2014 là 47%.
Dựa trên ước tính tăng trưởng dân số và nhu cầu đi lại, các nhà nghiên cứu đã đưa ra các kịch bản sẽ đến vào năm 2030 và 2040, trong đó nhấn mạnh đến các yếu tố phương tiện đi lại, hành vi di chuyển, mức độ phát thải và nguy cơ tai nạn giao thông. Trên cơ sở đó, họ nhận thấy việc cải thiện giao thông công cộng sẽ làm giảm phát thải ô nhiễm tới 21,11% vào năm 2030 tại Hà Nội cũng như 12,5% ở Hải Phòng, 17,37% ở Đà Nẵng, 9,75% tại TP.HCM, 15,21% ở Cần Thơ; đồng thời giảm tai nạn giao thông tới 49,6% tại Hà Nội, 43,8% tại Hải Phòng, 18,7 ở Cần Thơ, 19,8% tại Đà Nẵng và 26,3% ở TP.HCM.
Do đó, nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy lợi ích thực sự về nhiều mặt khi các thành phố, dù ở những bối cảnh phát triển khác nhau, dành nguồn lực đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng. Những phát hiện này cũng đem lại những gợi ý quan trọng cho chính sách giao thông và lên kế hoạch vận tải công cộng cho các thành phố có tỉ lệ xe máy cao. Mặt khác, việc tìm hiểu hành vi của người sử dụng phương tiện cá nhân và công cộng sẽ đóng vai trò quan trọng đối với việc lập kế hoạch phát triển các mạng lưới giao thông công cộng trong tương lai.