Thách thức trong lập quy hoạch không gian chiến lược cho ĐBSCL

Chính quyền vẫn đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi sang phát triển bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, ĐH Cần Thơ, và các đồng nghiệp ĐH Northumbria, ĐH Southampton cho biết trong một nghiên cứu.

Sóc Trăng là một tỉnh đang đối diện với nhiều thách thức biến đổi khí hậu. Ảnh: Thu Quỳnh

Các đồng bằng châu thổ nhiệt đới như Amazon, sông Hằng -Ganges-Brahmaputra-Meghna, và ĐBSCL là những vùng nông nghiệp có đóng góp đáng kể với sinh kế địa phương, nền kinh tế quốc gia và an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, các đồng bằng này lại phải đối mặt với sức ép ngày một gia tăng của biến đổi khí hậu, việc xây dựng các đập thủy điện thượng nguồn và sự phát triển kinh tế nhanh chóng. Nhiều đồng bằng đang bị lún, xói mòn do biển xâm thực, nước biển dâng, xâm nhập mặn dẫn đến nguy cơ rủi ro cho an ninh lương thực vùng, quốc gia và toàn cầu. ĐBSCL không nằm ngoài bối cảnh đó.

Hiện tại đang có những nỗ lực chính sách để hình thành các khung thể chế, quy hoạch chiến lược cho  sự phát triển bền vững dài hạn cho các đồng bằng. Vì vậy các nhà nghiên cứu xem xét các quy hoạch chiến lược trong bối cảnh nhiều thách thức và khám phá cách chúng vận hành ở ĐBSCL. 

Để hiểu cách các quy hoạch không gian vận hành trong một môi trường nhiều cấp quản lý, họ đã tập trung vào hai điểm: 1) tập trung vào tình trạng môi trường với mục tiêu ‘đem chính quyền trở lại’ với quản lý môi trường; 2) khám phá các quy hoạch không gian chiến lược không đơn thuần là công cụ quản lý mà để tái hiện không gian. Việc kết hợp hai góc nhìn giúp họ hiểu sâu hơn cách các cấp chính quyền nỗ lực quản lý những chuyển đổi bền vững bằng các quyết sách mới thúc đẩy hợp tác giữa các tỉnh (theo chiều ngang) và giữa trung ương với địa phương (theo chiều dọc).

Trọng tâm khung chính sách là các quyết định quan trọng trong bối cảnh xây dựng kế hoạch chiến lược ĐBSCL, bắt đầu với Kế hoạch ĐBSCL năm 2013 đến Kế hoạch tổng thể ĐBSCL năm 2022, qua đó định vị đồng bằng này trong một cấu trúc đa tầng. Từ đó, bức tranh về mối quan hệ trung ương-địa phương hiện lên với mục tiêu của trung ương là thúc đẩy các tỉnh ĐBSCL hướng tới hợp tác nhiều hơn và thúc đẩy sự đồng thuận giữa các bên chủ chốt về định hướng phát triển. 

Từ Kế hoạch ĐBSCL năm 2013 đến Kế hoạch tổng thể ĐBSCL năm 2022 cho thấy nỗ lực của trung ương nhằm tăng cường quản lý đối với quy hoạch khu vực thông qua việc áp dụng các quy trình quy hoạch mới, các thể chế mới và xây dựng năng lực dưới hình thức đào tạo và tài chính. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, dẫu trung ương vẫn là tác nhân chính cho chuyển đổi bền vững nhưng cần phải có sự tham gia của địa phương để có được bền vững. Muốn làm được điều này, cần hiệu chỉnh lại các mối quan hệ trung ương-địa phương, cho phép sự tham gia nhiều hơn của địa phương trong hoạch định chính sách và xây dựng năng lực. Đồng thời, những đổi mới này cũng nhằm tăng cường giám sát của trung ương, điển hình là việc thành lập Hội đồng điều phối khu vực với ngân sách do trung ương quyết định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa các địa phương. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phụ thuộc vào nguồn lực theo chiều dọc. 

Việc tạo ra sự đồng thuận giữa các bên theo cả chiều ngang và chiều dọc cho phép thực hiện tầm nhìn quy hoạch không gian trong một hệ thống đa tầng. Tuy vậy, sự đồng thuận của các bên liên quan vẫn không đủ bởi những người trả lời phỏng vấn trong nghiên cứu đều thống nhất: cách tiếp cận chiến lược mới đối với ĐBSCL cần đi kèm với đào tạo, hỗ trợ, trao quyền và sự hướng dẫn thực hiện. Bởi theo kinh nghiệm, các kế hoạch ở Việt Nam cần phải đi kèm với hướng dẫn chi tiết để giảm thiểu sự không chắc chắn trong quá trình thực hiện. Mặc dù các tỉnh ngày càng có nhiều quyền quyết định hơn trong triển khai chính sách nhưng sự không chắc chắn về các điều khoản mới khiến việc thực hiện chính sách ở địa phương trở nên khó khăn. Nếu không giải quyết được điều này sẽ dẫn đến sự rủi ro đáng kể cho tính bền vững trong tương lai của ĐBSCL.

Kết quả nghiên cứu được nêu trong bài báo “How to promote sustainability? The challenge of strategic spatial planning in the Vietnamese Mekong Delta”, xuất bản trên Journal of Environmental Policy & Planning.

Bài đăng Tia Sáng số 3/2025

Tác giả

(Visited 48 times, 1 visits today)