Thi đua cần mở đường cho đổi mới sáng tạo

Phát biểu tại Hội nghị Thi đua yêu nước Bộ KH&CN sáng 3/10, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, trong giai đoạn thi đua tiếp theo 2016-2020, Bộ KH&CN cần phát động những phong trào thi đua với tiêu chí cụ thể hơn, tập trung vào vấn đề có tính chất mở đường cho phát triển KH&CN, mở đường cho đổi mới sáng tạo.

Đại hội thi đua yêu nước Bộ KH&CN lần thứ IV diễn ra sáng 3/10. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đã tới dự.

Tại đại hội, thay mặt lãnh đạo Bộ KH&CN, Thứ trưởng Trần Việt Thanh đã tóm lược những hoạt động và kết quả đạt được từ các phong trào thi đua yêu nước của Bộ. Được tổ chức với nhiều nội dung phong phú và thiết thực, các phong trào này đã phát huy được tinh thần sáng tạo của đội ngũ cán bộ công nhân viên, hoàn thành tốt các nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực được giao như nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu cấp quốc gia, thúc đẩy việc ứng dụng năng lượng nguyên tử, đảm bảo an toàn bức xạ hạt nhân, góp phần xây dựng nông thôn mới, đưa KH&CN về nông thôn… Đặc biệt, trong công tác quản lý khoa học, Bộ KH&CN đã tích cực thực hiện việc tháo gỡ các vướng mắc trong cơ chế tài chính, qua đó giảm thiểu các gánh nặng hành chính cho nhà nghiên cứu, mở ra nhiều cơ hội đi về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong cộng đồng khoa học và doanh nghiệp.

Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ đã chọn được năm cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được phong tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc: ông Đào Tiến Khoa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cơ bản và tính toán (Viện KH&KT hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam); ông Vũ Khánh Xuân, Viện trường Viện Đo lường Việt Nam (Tổng cục Đo lường chất lượng); ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Cục Đo lường chất lượng; ông Nguyễn Nhị Điền, Phó Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam; bà Nguyễn Nữ Hoài Vi, Trưởng phòng Phòng Kiểm soát hạt nhân (Cục An toàn bức xạ hạt nhân).

Từ thực tiễn công tác thi đua khen thưởng giai đoạn 2011-2015, Bộ KH&CN đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó quan trọng là việc tổ chức phong trào thi đau phải xuất phát từ thực tiễn, gắn với nhiệm vụ chính trị của Bộ và từng đơn vị; xác định rõ mục tiêu, nội dung thi đua, từ đó cụ thể hóa thành kế hoạch và giải pháp thục hiện nhằm đảm bảo cho phong trào thi đua đạt hiệu quả cao và mang lại lợi ích thiết thực.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan ghi nhận những kết quả đã đạt được trong phong trào thi đua của Bộ KH&CN, đồng thời khẳng định, trong bối cảnh điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp, quy mô và trình độ phát triển kinh tế xã hội Việt Nam còn thấp nhưng trình độ nghiên cứu và sản phẩm KH&CN Việt Nam trong một số lĩnh vực đã tiếp cận được tiêu chuẩn của khu vực và thế giới. Nhiều ứng dụng KH&CN đã góp phần rõ rệt thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng của các ngành, các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, giữ vững quốc phòng và an ninh quốc gia.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc cho các cá nhân tiêu biểu của Bộ KH&CN.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch nước cũng nêu lên về những vấn đề tồn tại trong sản xuất, ứng dụng KH&CN và khoảng cách phát triển KH&CN giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới còn lớn. Phó Chủ tịch nước cho rằng, một trong những nguyên nhân là do chúng ta chưa tập trung cao độ cho việc nghiên cứu KH&CN, khả năng ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất còn thấp. Để vượt qua khó khăn này cần phải có sự đột phá về tư duy về KH&CN ở tất cả các cấp, các ngành chứ không chỉ riêng Bộ KH&CN. Trong giai đoạn thi đua tiếp theo 2016-2020, Bộ KH&CN cần phát động những phong trào thi đua với tiêu chí cụ thể hơn, tập trung vào vấn đề có tính chất mở đường cho phát triển KH&CN, mở đường cho đổi mới sáng tạo.

Phó Chủ tịch nước phân tích, các phong trào thi đua của Bộ KH&CN đều nhằm mục đích có nhiều sáng kiến, sáng tạo để rút ngắn khoảng cách từ nghiên cứu đến ứng dụng, tăng cường thương mại hóa kết quả nghiên cứu, mở rọng thông tin về các thành tựu KH&CN, thông báo kết quả nghiên cứu trong đời sống kinh tế xã hội… Bộ KH&CN cũng cần khơi thêm nguồn lực cho KH&CN thông qua việc huy động các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học, thực hiện thành công chính sách liên kết bốn nhà (nhà nước, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà nông), qua đó gắn KH&CN với công tác sản xuất, kinh doanh, gia tăng hàm lượng KH&CN trong sản phẩm để làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế trên thị trường thế giới.

 

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)