Thiếu nhận thức về tầm quan trọng của nguồn gen

Ngày 3/12 tại Hà Nội, Bộ KH&CN đã chủ trì tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động KH&CN về quỹ gen giai đoạn 2001-2013, với sự tham gia của đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương, cùng đại diện nhiều viện nghiên cứu và nhà khoa học.

 Nghiên cứu và bảo tồn nguồn gen là vấn đề gắn với nhiều lợi ích kinh tế, xã hội, cùng các giá trị về sinh thái, môi trường. Từ năm 1987, Việt Nam đã có Chương trình bảo tồn nguồn gen quốc gia do Ủy ban KH&KT Nhà nước thực hiện. Đến năm 1997, Bộ KH&CN&MT đã có quy chế quản lý và bảo tồn nguồn gen thực vật, động vật và vi sinh vật. Từ khoảng 10 năm nay, Nhà nước đã xây dựng khung pháp lý tương đối đầy đủ, với nhiều bộ luật về quản lý tài nguyên thiên nhiên liên quan tới vấn đề bảo tồn nguồn gen như Luật Thủy sản (2003), Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004), Luật bảo vệ môi trường (2005), Luật Tài nguyên nước (2012), và đặc biệt là Luật Đa dạng sinh học (2008).
Hiện nay, nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen được phân công cho nhiều Bộ, ngành, như Bộ NN&PTNT phụ trách bảo tồn nguồn gen thực vật phục vụ cho mục tiêu lương thực và nông nghiệp, nguồn gen vật nuôi, vi sinh vật, nguồn gen cây rừng, cây chống chịu, cây cao su, nguồn gen thủy sản nước ngọt, v.v; Bộ Y tế bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc, vi sinh vật y học; Bộ Công thương phụ trách bảo tồn nguồn gen vi sinh vật công nghiệp thực phẩm và nguồn gen cây công nghiệp, v.v.
Tuy nhiên, nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ trên còn rất hạn chế. Theo Báo cáo của Bộ KH&CN, từ những năm 2009 tới 2011, tổng kinh phí hằng năm giao cho các Bộ ngành thực hiện nhiệm vụ về quỹ gen chỉ khoảng 20 tỷ đồng, từ năm 2012 đến nay mới đạt xấp xỉ 35 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí còn hạn hẹp như vậy, công tác bảo tồn nguồn gen ở Việt Nam chủ yếu là bảo tồn tại chỗ (in-situ conservation) trong điều kiện tự nhiên nơi phát sinh nguồn gen.
Tính đến nay, Việt Nam đã bảo tồn được khoảng 28 nghìn gen cây trồng nông nghiệp, 2000 giống cây lâm nghiệp, 2998 gen cây thuốc, 18 gen vật nuôi, 2999 gen thủy sản, và 21270 chủng vi sinh vật. Tuy nhiên, hoạt động đánh giá chuyên sâu về di truyền, tính chống chịu và chất lượng nguồn gen còn khá ít, tới nay mới đánh giá được 300 nguồn gen cây nông nghiệp, 451 nguồn gen cây lâm nghiệp, 200 loài gen dược liệu (đánh giá đa dạng di truyền), 6 giống vật nuôi (đánh giá đa dạng di truyền), 17 loài thủy sản, và rất ít các nguồn gen vi sinh vật.
Hội nghị lần này đã chỉ ra nhiều mặt hạn chế trong công tác bảo tồn gen. Cụ thể như các hạn chế về chưa xác định thứ tự ưu tiên trong bảo tồn gen, mức độ xói mòn nguồn gen trong tự nhiên và trong sản xuất, bảo quản còn cao, thiếu các nghiên cứu cơ bản để cải tiến phương pháp lưu giữ và bảo tồn, tiến trình mô tả đánh giá và nghiên cứu khai thác sử dụng còn nhiều khiếm khuyết, thiếu nguồn nhân lực KH&CN và kinh phí cho công tác quỹ gen.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân – Bộ KH&CN, nguyên nhân cơ bản của những mặt hạn chế kể trên, chính là vấn đề hạn chế nhận thức của con người, đặc biệt là các nhà quản lý, về giá trị và lợi ích của công tác bảo tồn nguồn gen. Phát biểu tại Hội nghị, một số chuyên gia cho rằng để nâng cao nhận thức của các nhà quản lý và xã hội về tầm quan trọng của công tác bảo tồn gen, Nhà nước và các nhà khoa học cần tiến hành những đánh giá đầy đủ về mức độ suy giảm nguồn gen từ trước đến nay, bên cạnh đó là những nghiên cứu chỉ ra giá trị cụ thể thực sự của các nguồn gen quý của Việt Nam.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)