Thông tin tình hình sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I Nhật Bản (từ ngày 17/4 đến khoảng 15:00 ngày 18/4/2011)

Bộ Khoa học và Công nghệ trân trọng thông báo Báo cáo của Tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 của Bộ Khoa học và Công nghệ từ ngày 17/4 đến khoảng 15:00 ngày 18/4/2011.

1. TÌNH HÌNH Ở KHU VỰC NHÀ MÁY

Ngày 17/4, TEPCO bắt đầu sử dụng người máy điều khiển từ xa để kiểm tra bên trong tòa nhà lò của Tổ máy số 3.

Ảnh: Người máy Packbot đang làm việc bên trong tòa nhà lò của Tổ máy số 3 (Nguồn: TEPCO)

Ngày 17/4 TEPCO cho biết có thể kiểm soát được tình hình tại nhà máy Fukushima I trong vòng từ 6-9 tháng với các công việc cụ thể như sau:

+ Đổ nước vào bên trong lớp bảo vệ bê tông cốt thép của tổ máy số 1 và 3 đủ để ngập các thanh nhiên liệu trong lò phản ứng.

+ Lắp đặt các bộ trao đổi nhiệt để giải nhiệt cho lò phản ứng và đưa chúng tới trạng thái ngừng hoạt động an toàn trong vòng từ 3 đến 6 tháng.

+ Lắp đặt các hệ thống che phủ khổng lồ với các màng lọc đặc biệt để bao bọc các tòa nhà lò nhằm ngăn chặn sự phát tán phóng xạ ra môi trường.

+ Mở rộng việc quan trắc và tẩy xạ nhà cửa, đất đai khu vực sơ tán trong vòng từ 3 đến 6 tháng.

\Sau trận động đất 4,8 độ xảy ra lúc 0:56 ngày 17/4 giờ Nhật Bản tại tỉnh Niiagata, TEPCO cho biết không có sự bất thường nào ở nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki- Kariwa.

2. TÌNH HÌNH PHÓNG XẠ MÔI TRƯỜNG TẠI NHẬT BẢN

TEPCO cho biết mức độ phóng xạ trong nước biển gần cổng lấy nước của Tổ máy số 2 đã tăng trở lại. Cụ thể: I-131 tăng từ mức gấp 1.100 lần giới hạn cho phép ngày 14/4 lên gấp 6.500 lần giới hạn cho phép ngày 15/4; Cs-137 cũng tăng lên mức gấp 1.400 lần giới hạn cho phép.

Suất liều gamma đo lúc 10:00 ngày 18/4 giờ Nhật Bản tại sân bay Narita (cách nhà máy 193 km) là 0,113 µSv/h; tại sân bay Haneda (cách nhà máy 236 km) là 0,082 µSv/h, tương đương giá trị phông tự nhiên.

Mức độ phóng xạ tại một số tỉnh, thành phố Nhật Bản ngày 17/4 xin xem chi tiết tại Phụ lục.

3. TÌNH HÌNH PHÁT TÁN PHÓNG XẠ VÀO MÔI TRƯỜNG

Các trạm quan trắc của CTBTO tại Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận được I-131 và Cs-137 ở mức độ rất thấp (cỡ vài đến vài chục µBq/m3).

Tại Việt Nam:

Kết quả quan trắc của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho thấy mức độ đồng vị phóng xạ nhân tạo thường gặp trong những ngày qua đã giảm nhiều, ở mức rất thấp không gây hại cho sức khỏe con người và môi trường.

Các giá trị đo tại trạm quan trắc Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) cho thấy không có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày 18/4/2011 so với các ngày trước.

(Số liệu cụ thể xem tại Phụ lục).

* * *

Tổ Công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục theo dõi và cung cấp thông tin kịp thời.

PHỤ LỤC
                                                                      Nguồn:  Bộ Khoa học và Công nghệ

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)