Thu hút nhân lực KH&CN trình độ cao
Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN được Bộ KH&CN giao xây dựng Đề án “Đào tạo, thu hút, sử dụng nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao giai đoạn 2012 - 2020”. Các đối tượng được giới hạn trong Đề án là đội ngũ lãnh đạo KH&CN.
Mỗi năm đào tạo 300 cán bộ khoa học và công nghệ trình độ tiến sỹ trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên; tuyển chọn và cử 120 tiến sỹ tham gia chương trình nghiên cứu sau tiến sỹ ở trong và ngoài nước; đào tạo 150 nhà khoa học trẻ thông qua thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng để tạo nguồn phát triển nhân lực và khoa học và công nghệ trình độ cao.
Đến năm 2020 hình thành 25 viện nghiên cứu tiên tiến, trung tâm nghiên cứu xuất sắc theo chuẩn mực quốc tế trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên do các nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam ở trong nước hoặc nước ngoài giữ vị trí lãnh đạo khoa học.
Xây dựng được cơ chế, chính sách đặc biệt khuyến khích các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học đầu đàn, tổng công trình sư và kỹ sư trưởng phát huy năng lực sáng tạo phục vụ phát triển đất nước.
Các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án được thiết kế tập trung vào việc sử dụng và tạo mọi điều kiện tối đa để các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học đầu đàn, tổng công trình sư và kỹ sư trưởng phát huy năng lực sáng tạo; chú trọng tới việc đào tạo các lực lượng kế cận, tạo nguồn phát triển; tận dụng cơ hội hội nhập quốc tế để thu hút đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao ở nước ngoài về tham gia nghiên cứu và đào tạo ở Việt Nam.
Hiện nay, số nhân lực KH&CN Việt Nam ước tính là 60.500 người, trong đó tiến sỹ là 5.293 người, thạc sỹ là 11.081 người, tốt nghiệp đại học là 28.689 người, trình độ khác là 15.480 người.
Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, hiện nay cách hiểu về nhân lực KH&CN trình độ cao ở nước ta rất khác nhau. Có Bộ, ngành, địa phương cho rằng nhân lực KH&CN trình độ cao là đối tượng có trình độ từ tiến sĩ trở lên, nhưng cũng có không ít Bộ, ngành, địa phương lại cho rằng nhân lực KH&CN trình độ cao là những đối tượng có trình độ từ thạc sĩ, thậm chí từ đại học trở lên.
Trên thế giới, nhân lực KH&CN trình độ cao thường được gắn với bằng cấp, thông thường từ tiến sỹ trở lên. Tuy nhiên, trong chính sách đãi ngộ nhân lực KH&CN trình độ cao, các nước thường phân biệt nhân lực KH&CN trình độ cao thành các cấp khác nhau và tập trung vào một số nhóm đối tượng đặc biệt. Ví dụ như nhà khoa học đầu đàn, đầu ngành, tổng công trình sư.