Thử nghiệm muỗi mang vi khuẩn kháng bệnh sốt xuất huyết ở Việt Nam

Một nhóm các nhà khoa học Việt Nam và thế giới đang triển khai thí nghiệm nhân giống loại muỗi có khả năng kháng bệnh sốt xuất huyết, một trong những căn bệnh truyền nhiễm qua muỗi vẫn chưa có thuốc chữa.

 



Nhà nghiên cứu kiểm tra một con muỗi trong phòng thí nghiệm ở Viện Nha Trang ngày 21/8. Nguồn:  AFP-JIJI.



Ý tưởng nghiên cứu xuất phát từ các nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Muỗi Thế giới (WMP) khi tiên phong ứng dụng phương pháp thả những con muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) đực và cái đã được cho nhiễm vi khuẩn kháng bệnh Wolbachia ra môi trường tự nhiên. Trong vài tuần, những con muỗi con mang Wolbachia – vi khuẩn trung gian làm “gẫy” chu trình lây nhiễm, khiến chúng sẽ khó truyền bệnh khi trưởng thành, không chỉ riêng bệnh sốt xuất huyết mà còn cả Zika, Chikungunya và sốt vàng. Sau thí nghiệm lần đầu tiên ở miền Bắc nước Úc, phương pháp này đã được thử nghiệm ở 9 quốc gia tiếp theo trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam, nơi mà những kết quả ban đầu được đánh giá là rất khả quan.

Nhóm nghiên cứu Việt Nam, chủ yếu là các nhà nghiên cứu ở Viện Pasteur Nha Trang, đã thả ra môi trường khoảng nửa triệu con muỗi mang vi khuẩn Wolbachia ở xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang, nơi từng bùng phát dịch sốt xuất huyết ở miền Nam vào năm 2018. Từ khi thử nghiệm được tiến hành, số ca mắc sốt xuất huyết ở Vĩnh Lương đã giảm tới 86% so với các địa điểm gần đó. Công Thị Thu, một bà mẹ có hai đứa con bị mắc sốt xuất huyết vào năm 2016 cho biết, chị cảm thấy an toàn so với trước tới 70 – 80%.

“Chúng tôi đã nhận thấy giảm đáng kể tình trạng sốt xuất huyết sau khi áp dụng phương pháp này”, ông Nguyễn Bình Nguyên – điều phối viên dự án của WMP ở Nha Trang cho biết. 

Theo số liệu thống kê của Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới, ở Đông Nam Á, số ca bệnh đã tăng mạnh trong năm nay với gần 670. 000 người mắc và hơn 1.800 người tử vong. Các chuyên gia nhận định đây là đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất trong nhiều năm qua. 

Nguyên nhân chủ yếu là sự lây lan của các chủng bệnh sốt xuất huyết mới trong các nhóm người không có khả năng miễn dịch cùng với một số điều kiện ngoại cảnh khác như thời tiết ấm lên, tốc độ đô thị hóa nhanh, xu thế gia tăng mạnh trong du lịch và giao thương quốc tế… “Tất cả đã tạo nên những điều kiện hoàn hảo cho một đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết”, bà Rachel Lowe – trợ lý giáo sư ở trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London cho biết.

Thậm chí việc sử dụng tràn lan các sản phẩm nhựa như chậu cây và thùng chứa nước cũng góp phần tạo môi trường hoàn hảo cho sự sinh sôi của muỗi.

Hiện tại WMP là một trong số ít tổ chức của thế giới tìm cách thay thế các loại muỗi cũ bằng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia nhằm chống lại căn bệnh sốt xuất huyết ước tính lây lan cho gần 100 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Được phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1920 trong ở những con muỗi sống dưới hệ thống thoát nước trường Y tế Công cộng Đại học Harvard, Wolbachia gần như vẫn bị bỏ qua cho đến tận những năm 1970, khi các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng chúng có thể được sử dụng để ngăn chặn sự lây lan của bệnh từ côn trùng. Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã tiến hành các thí nghiệm để tìm cách diệt trừ bệnh sốt xuất huyết bằng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia và đạt được nhiều thành công khác nhau.

Việc tiến hành thử nghiệm ở Nha Trang và Bắc Australia cho thấy những dấu hiệu rất tích cực trong phương pháp này. Hiện tại họ đang chờ đợi kết quả thử nghiệm từ Indonesia vào năm tới. Tuy nhiên, các chuyên gia Việt Nam và WMP đều thống nhất với nhau, sẽ cần thực hiện nhiều nghiên cứu sâu hơn để cho thấy cách tiếp cận này là phù hợp để ngăn chặn bệnh dịch sốt xuất huyết. Nhận xét về kết quả ban đầu ở Australia và Việt Nam, TS. Raman Velayudhan, điều phối viên chương trình kiểm soát toàn cầu của WHO về sốt xuất huyết nói, “cách tiếp cận từ dưới lên để nhằm đảm bảo nó có khả năng giảm trừ bệnh dịch nguy hiểm này”. □

Mỹ Hạnh lược dịch

Nguồn: https://www.japantimes.co.jp/news/2019/09/13/asia-pacific/science-health-asia-pacific/dengue-vietnam-mosquitoes-resistant/#.XZLxX0YzaUm

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)