Thư Tòa soạn
Bạn đọc Tia Sáng thân mến,
Đất nước đang đứng trước một công cuộc đổi mới, nơi phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được coi là “điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất” cho sự phát triển giàu mạnh, hùng cường trong “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, như Nghị quyết 57 – NQ/TW đã xác định.
Trong bối cảnh đó, số báo Tết Tia Sáng năm nay dành phần lớn nội dung cho các bài viết giúp sáng tỏ vai trò con người, yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của công cuộc đổi mới lần này.
Nhìn lại công cuộc đổi mới lần thứ nhất cách đây gần bốn thập kỷ, sự chuyển đổi khỏi mô hình kinh tế tập trung đã cởi trói và tạo động lực giúp con người phát huy hiệu quả những nguồn lực thô sơ sẵn có, từng bước vượt qua giai đoạn nghèo đói và lạc hậu để đạt được những thành tựu to lớn mà lịch sử đã ghi nhận.
Công cuộc đổi mới lần thứ hai sẽ không kém phần thách thức, nếu không muốn nói là khó khăn hơn khi các nguồn lực thô nay đã được khai thác tới hạn và thu nhập đầu người đã đạt ngưỡng trung bình thấp, số đông trong xã hội không còn động lực cấp bách thoát khỏi nghèo đói như trước đây.
Để vươn mình thoát khỏi ngưỡng thu nhập trung bình, con người của công cuộc đổi mới lần hai sẽ cần chủ yếu dựa trên tài nguyên tri thức, với những phẩm chất và động lực tiến bộ mới.
Họ sẽ là những con người tỉnh thức, biết tư duy một cách độc lập và tự do để có tư tưởng thấu đáo, khách quan, và có trách nhiệm như gợi mở của GS. Pierre Darriulat. Trên nền tảng tư duy độc lập, con người mới dám vượt qua những khuôn mẫu và định kiến lạc hậu, “dám nhìn khác, nghĩ khác và hành động khác để vươn lên mạnh mẽ” (TS. Nguyễn Sĩ Dũng). Họ bồi đắp cho mình “tri thức, ý tưởng sáng tạo, và khả năng kết nối”, những tài nguyên vô hình tạo nên sức mạnh thực sự dẫn tới sự thịnh vượng của một quốc gia (Bộ trưởng Lê Minh Hoan).
Trong thời đại mới, trí thông minh nhân tạo (AI) và những thành tựu công nghệ mới không thay thế được năng lực học tập, kiến tạo tri thức và giá trị văn hóa của con người. AI là công cụ giúp cá nhân hóa và hỗ trợ học tập suốt đời, nhưng không thể thay thế được các thiên chức quan trọng của người thầy (TS. Đỗ Thị Ngọc Quyên). AI thậm chí có thể biết nghiên cứu nhưng sẽ không thay thế nhà nghiên cứu mà sẽ trở thành phụ tá đắc lực của họ (GS. Nguyễn Tiến Dũng).
Bởi vậy, yếu tố con người là không thể thay thế. Việc đào tạo một đội ngũ lớn nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu tất yếu và cấp bách mà công cuộc đổi mới đất nước đang đặt ra. Chúng ta rất cần các nhà khoa học và chuyên gia trên những lĩnh vực trực quan dễ thấy như nhân lực số (GS. Hồ Tú Bảo) và cả những lĩnh vực xã hội và nhân văn vốn ít được ghi nhận hơn, đơn cử như Hán Nôm (PGS. Trần Trọng Dương). Đó đều là những mắt xích quan trọng của công cuộc kiến tạo đất nước, song hành giữa hiện đại hóa và kiến tạo, bảo tồn những giá trị văn hóa tinh hoa.
Trong công cuộc đổi mới lần hai dựa trên tài nguyên tri thức cần nhiều những nhà khoa học dấn thân như GS. Vũ Thị Thu Hà (Thanh Nhàn). Họ là nền tảng để “xây dựng năng lực nội sinh, tức khả năng tự phát triển và làm chủ công nghệ của quốc gia”, giúp nền kinh tế có được “sức mạnh cạnh tranh dựa trên công nghệ tự phát triển” (GS. Hồ Tú Bảo). Họ cần được tạo điều kiện để gắn kết hơn nữa với các nhân tố và nguồn lực cần thiết khác trong một hệ sinh thái bền vững cho đổi mới và sáng tạo.
Nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025, chúng tôi kính chúc quý bạn đọc nhiều sức khỏe và niềm hy vọng, cùng say mê, tâm huyết và sáng tạo đóng góp cho sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước.□
Ban biên tập Tia Sáng
Bài đăng Tia Sáng số 1+2/2025