Thư Tòa soạn

Bạn đọc kính mến! Năm 2013 nền kinh tế và xã hội đã có một số thành tựu đáng khích lệ trong đó quan trọng là nền kinh tế đã bắt đầu có bước khởi sắc, lạm phát được kiểm soát, mức tăng trưởng đã bắt đầu cao hơn năm trước. Nhưng bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta vẫn còn trăn trở trước những vấn đề cấp bách có tác động trực tiếp tới chất lượng tăng trưởng như sự lãng phí hàng chục nghìn tỷ đồng của các dự án đầu tư công và hoạt động kém hiệu quả của các tập đoàn Nhà nước; hay những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, sự an nguy hằng ngày của người dân như nguy cơ lụt lội, lũ cuốn bất ngờ do các nhà máy thủy điện, chất lượng và an toàn thực phẩm, chất lượng vắc-xin cho trẻ sơ sinh, v.v.

Tất cả những vấn đề tưởng chừng không liên quan tới nhau trên đây đều xuất phát từ một thực tế là trên nhiều lĩnh vực quản lý của Nhà nước từ phê duyệt các quy hoạch phát triển, nghiệm thu các công trình, dự án, tới công tác kiểm định chất lượng hàng hóa, thiết bị, v.v, công tác tham mưu, thẩm định và phản biện chưa được coi trọng hoặc được chưa tiến hành một cách đầy đủ, thiếu các căn cứ, cơ sở khoa học chuẩn mực.

Có nhiều nguyên nhân của tình trạng trên, nhưng trước hết là khoa học và công nghệ chưa được coi trọng đúng mức, không ít đánh giá, phản biện của các chuyên gia khoa học chưa được các nhà quản lý lắng nghe; chất và lượng đội ngũ các nhà khoa học chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đời sống, một bộ phận thiếu năng lực, trình độ, hoặc đạo đức khoa học, khiến ý nghĩa và chất lượng khoa học của các đề tài nghiên cứu không đủ điều kiện để tạo thành căn cứ, cơ sở khoa học minh bạch, đáng tin cậy cho các quyết sách của các nhà quản lý và xã hội.

Để góp phần khắc phục những tồn tại cho sự phát triển bền vững kể trên, năm 2014 và thời kỳ tới, các nhà lãnh đạo và quản lý cần coi trọng đúng mức hơn vai trò thiết yếu của tri thức khoa học; các quyết sách quan trọng của đất nước phải được dựa trên những căn cứ khoa học đầy đủ, trung thực, đáng tin cậy; tiếng nói tâm huyết của các nhà khoa uy tín cần được lắng nghe; trọng trách tham mưu và phản biện được giao phó cho những chuyên gia có đầy đủ năng lực chuyên môn và đạo đức khoa học.

Tuy nhiên, để có động lực hiện thực hóa những điều mong muốn trên đây thì trách nhiệm giải trình phải được làm rõ và tuân thủ nghiêm ngặt. Nhà quản lý phải giải trình và nhận trách nhiệm cho việc đưa ra quyết sách sai lầm do không dựa trên các luận cứ khoa học cung cấp bởi những chuyên gia phù hợp về năng lực và đạo đức khoa học; đồng thời nhà khoa học phải giải trình và nhận trách nhiệm cho việc đưa ra những luận cứ khoa học không chính xác, thiếu cơ sở, hoặc sai lệch so với chuẩn mực đạo đức khoa học. Có như vậy thì các nhà quản lý mới có ý thức trọng dụng các nhà khoa học đích thực giúp mình đưa ra những quyết định đúng đắn đồng thời những quyết sách quan trọng của Nhà nước được dựa trên căn cứ khoa học vững chắc.

Vì vậy, cùng với những nỗ lực đổi mới hoạt động KHCN theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI và những quy định trong Luật KH&CN sửa đổi, chúng ta mong rằng thể chế quản lý của Nhà nước sẽ sớm được cải cách theo xu hướng nâng cao trách nhiệm giải trình một cách thực chất và xuyên suốt – một trong những yếu tố quyết định để cộng đồng khoa học có thể góp phần hữu hiệu giải quyết nhiều vấn đề cấp bách đang tồn tại trong thực tiễn đời sống trước mắt.

Bạn đọc kính mến,

Nhân dịp năm mới Giáp Ngọ 2014, chúng tôi xin chia sẻ với quý độc giả mong ước đất nước ta sẽ có những đổi mới mạnh mẽ hơn, đạt nhiều thành tựu trong giai đoạn tới.

Trân trọng chúc quý độc giả một năm mới nhiều sức khỏe, niềm vui, và thành công.

                Tia Sáng

tiasang.com.vn sẽ tạm dừng cập nhật trong thời gian nghỉ Tết, kể từ ngày 28/01. Website sẽ được cập nhật trở lại vào ngày 05/02, tức mùng 6 Tết Giáp Ngọ. Trân trọng cảm ơn quý độc giả và các cộng tác viên đã nhiệt tình ủng hộ chúng tôi suốt một năm qua.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)