Thừa Thiên-Huế muốn trở thành một trung tâm KH&CN

Đề án “Xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN của cả nước” vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt ngày 13/05.

Đán xác định, đến năm 2020, KH&CN có vai trò chủ đạo tạo bước đột phá cho kinh tế của tỉnh. Để đạt mục tiêu trên, tổng đầu tư xã hội cho hoạt động KH&CN chiếm 1,5% GDP trên địa bàn vào năm 2015 và trên 2% GDP vào năm 2020. Đến năm 2020, tỷ lệ cán bộ KH&CN đạt 11-12/10.000 dân; chỉ số đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp TFP trong GDP đạt trên 35%.

Một số lĩnh vực KH&CN sẽ được ưu tiên lựa chọn để phát triển tại Thừa Thiên-Huế. Đối với khoa học xã hội và nhân văn, tập trung nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể Huế, lịch sử và văn hóa cung đình, văn hóa dân gian của vùng đất cố đô; phát triển dịch vụ giáo dục, dịch vụ tài chính, dịch vụ y tế chuyên sâu; mỹ thuật và âm nhạc truyền thống của Việt Nam.

Lĩnh vực khoa học tự nhiên tập trung góp phần giải quyết những vấn đề trước mắt và lâu dài của tỉnh như bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; nghiên cứu quản lý và khai thác có hiệu quả các tài nguyên biển, đầm phá, cảnh quan du lịch…

Lĩnh vực khoa học kỹ thuật sẽ phát triển công nghệ ưu tiên như công nghệ sinh học, công nghệ gene trong chẩn đoán, giám định, điều trị các loại bệnh.

Cụ thể hóa định hướng trên, Thừa Thiên-Huế có 36 chương trình, đề án, dự án ưu tiên xây dựng và phát triển KH&CN từ nay đến năm 2020. Trong đó đáng chú ý là Đề án thành lập Khu Công nghệ cao Thừa Thiên-Huế; Viện Nghiên cứu Bảo tồn Di sản Huế, Viện Nghiên cứu Hán-Nôm, Viện Nghiên cứu Văn hóa Huế, Thư viện Hoàng gia, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển; Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung và các trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật với tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)