Tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển sản phẩm chủ lực vùng Nam Bộ

Ngày 18/9, tại TP Cần Thơ, hội thảo “Giới thiệu tiến bộ kỹ thuật nổi bật phục vụ phát triển sản phẩm chủ lực vùng Nam Bộ” được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức nhằm thông tin về các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch…

Nổi bật vẫn là kết quả nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi. Viện Lúa ĐBSCL đã “phóng thích” 140 loại giống lúa; Viện Cây ăn quả Miền Nam đưa vào sản xuất 12 giống mới, 8 loại gốc ghép; Lĩnh vực chăn nuôi: nổi bật với kết quả tạo đàn cá tra chọn giống có tốc độ tăng trưởng nhanh, rút ngắn thời gian nuôi 20%, giúp người nuôi quay nhanh vòng vốn; tạo quần thể cá rô phi đỏ tăng trưởng nhanh, màu sắc đẹp, chịu mặn tốt; đàn tôm càng xanh tăng trưởng nhanh, kích cỡ loại 1 cao hơn, tạo được quy trình sản xuất tôm sú gia hóa sạch bệnh trong điều kiện nhân tạo, xây dựng được quy trình sản xuất collagen từ da cá tra bằng công nghệ enzyme để sử dụng trong ngành mỹ phẩm và thực phẩm; nghiên cứu đề xuất cánh đồng lớn trong hệ thống nuôi trồng thủy sản, trong đó nghiên cứu chế độ “canh tác bỏ vụ”, cho đất nghỉ một số vụ, hạn chế suy thoái và tích tụ mầm bệnh…

Ngành lâm nghiệp có 154 giống mới của các loài cây trồng chủ lực có năng suất cao chịu được thời tiết khắc nghiệt, phát huy tốt vai trò rừng sản xuất và phòng hộ, lựa chọn loại cây, giải pháp trồng cây trên cát và vùng bãi bồi bảo vệ đê biển, các hoạt động cơ giới hóa để nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng chính, lúa, mía, đậu, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp…

Các tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong quy trình sản xuất lúa đã giúp giảm được 37,7% chi phí phân bón, giảm 30% lượng nước tưới, năng suất lúa tăng 21%… nhưng đầu ra rất bấp bênh gần như triệt tiêu những nỗ lực.

“Các sản phẩm ngành nông nghiệp ở Nam Bộ, đặc biệt là vùng ĐBSCL luôn giữ vai trò chủ lực, chiếm tỷ trọng cao trong GDP cả nước nhưng người làm ra hàng hóa chủ lực này vẫn nghèo. Nhiều loại giống có ưu thế cao, nhưng vẫn chưa có giống lúa nào đột phá làm nên thương hiệu quốc gia,” Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu chia sẻ băn khoăn cùng hội nghị.

Một chủ đề nóng gần đây là: lúa gạo. Sự khác biệt giữa lúa thơm, lúa chất lượng cao và lúa thường không có ý nghĩa khi thương lái mua các loại gạo và tùy nghi định giá bằng cách trộn lẫn nhiều thứ. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nói: Khi xuất khẩu khó khăn người ta hay đỗ lỗi do giống, chất lượng giống. Theo tôi, vấn đề phẩm cấp hạt gao, việc thiết kế hệ thống nhận diện để đạt tới thương hiệu quốc gia cần chiến lược rõ ràng và lâu dài. Lâu nay hoạt động xuất khẩu theo ba hướng (gạo thơm, gạo chất lượng cao, gạo chất lượng trung bình thấp) nhưng chưa xác định tập trung đi theo hướng nào? Ông Bảnh mong muốn doanh nghiệp tìm hiểu thị trường và nên đặt hàng người làm nghiên cứu. Theo ông, mối quan hệ này, xưa nay rất lỏng lẻo.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)