Tính dễ bị tổn thương và khó phục hồi của nông dân ĐBSCL trong hạn hán 

Biến đổi khí hậu đang được dự báo sẽ làm gia tăng hạn hán, qua đó làm trầm trọng thêm tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Vậy sự kết hợp giữa hai yếu tố này sẽ tác động trực tiếp như thế nào đến sự tồn tại của nông dân ĐBSCL, những người chủ yếu có sinh kế phụ thuộc vào trồng lúa?


M. A. van Aalst và các cộng sự ở trường Kinh doanh và Kinh tế, ĐH Vrije Amsterdam, đã đặt câu hỏi này vào cả vùng ĐBSCL và xem xét mức độ tổn thương ở các mức quy mô khác nhau, cả cấp quận, cấp xã và cấp hộ gia đình.

Giải thích vì sao lại chọn ĐBSCL, các nhà nghiên cứu cho rằng đây là điểm nóng về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và môi trường. Trong cả thập kỷ qua, vùng này đã trải qua những thay đổi môi trường ở tốc độ nhanh và chậm, như nước biển dâng, lũ lụt, xâm nhập mặn và hạn hán trong khi nguồn sống của 75% cư dân phụ thuộc vào nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp chiếm vị thế chủ đạo của ĐBSCL là lúa, vốn dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Họ tập trung vào giai đoạn 2015–2016, khi cả đồng bằng phải gánh chịu đợt hạn hán khốc liệt nhất trong lịch sử, đồng thời còn phải trong cảnh dòng chảy từ thượng nguồn xuống thấp hơn 65 đến 70% so với trung bình hằng năm. 

Sử dụng các mô hình tính toán, họ phát hiện ra mức độ dễ bị tổn thương ở cấp độ huyện và xã có những điểm khác biệt. Ở cấp huyện mặc dù có mối liên hệ giữa nghèo đói và thất thu vụ mùa nhưng không có chỉ dấu trực tiếp giữa sự phơi nhiễm xâm nhập mặn với nghèo đói, mặc dù thông thường xâm nhập mặn sẽ góp phần làm giảm năng suất thu hoạch với xấp xỉ 21%. 

Ở cấp xã, mối liên hệ này thể hiện tương đối rõ nét. Các xã nghèo hơn và bị xâm nhập mặn nhiều hơn đều phải hứng chịu cảnh bị mất mát mùa vụ ở mức cao trong cùng năm. Trên thực tế thì để thích ứng với sự thay đổi của môi trường, những người nông dân có thể mua một số giống lúa có khả năng chịu hạn và chịu mặn hoặc thay đổi thời điểm canh tác. Tuy nhiên với những nơi có nhiều hộ nghèo thì việc xoay chuyển tình thế theo cách này cũng bị giới hạn vì thiếu vốn, điều này dẫn đến hệ quả là khả năng mất mùa do xâm nhập mặn sẽ cao hơn ở những xã nghèo hơn, mặc dù tất cả đều đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn tương tự như nhau. Do đó, các cộng đồng nghèo sẽ có mức độ tổn thương do tác động trực tiếp của môi trường cao hơn, điều vẫn còn chưa thể hiện rõ ở cấp huyện.

Các mô hình cũng cho thấy, những xã có tỉ lệ người nghèo cao hơn sẽ dễ bị tác động của môi trường nhiều hơn so với những xã có tỉ lệ người nghèo thấp hơn. Hạn hán và xâm nhập mặn có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng và tình trạng này như một hệ quả tiêu cực của xâm nhập mặn. 

Ở cấp hộ gia đình, các hộ sống trong khu vực nghèo sẽ phải đối mặt với khả năng mất mùa cao hơn. Mối quan hệ này chứng tỏ là hiệu ứng này thậm chí còn mạnh hơn ở những nơi chịu xâm nhập mặn cao, chỉ dấu là những hộ sống ở khu vực thịnh vượng hơn đều có năng lực thích ứng tốt hơn. Các mô hình cũng cho thấy mức độ rủi ro cao hơn ở cấp hộ gia đình có liên quan đáng kể với mức độ giáo dục thấp hơn, tài sản thấp hơn và quy mô canh tác nhỏ hơn. Tỉ lệ sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón cao hơn cũng có liên quan đến khả năng mất mùa thấp hơn, qua đó xác nhận mức độ rủi ro cao với hộ không có nhiều điều kiện sử dụng công nghệ mới và ít vốn. Tỉ lệ các hộ không trả được các khoản vốn vay do mất mùa cũng cho thấy các hộ này bị tổn thương nhiều hơn do không đủ nguồn lực để chống chịu… Vì vậy các điều kiện kinh tế xã hội của các hộ sẽ có thể làm gia tăng hoặc giảm nhẹ tác động của xâm nhập mặn.

Kết quả được họ trình bày trong công bố “Vulnerability and Resilience to Drought and Saltwater Intrusion of Rice Farming Households in the Mekong Delta, Vietnam” (Tính dễ bị tổn thương và sức chống chịu với hạn hán và xâm nhập mặn của các hộ nông dân trồng lúa ở ĐBSCL), xuất bản trên tạp chí Economics of Disasters and Climate Change.

Tác giả

(Visited 245 times, 1 visits today)