Tình trạng đất đai manh mún ảnh hưởng đến an ninh lương thực
Việc tìm hiểu tình trạng đất đai manh mún ảnh hưởng như thế nào tới an ninh lương thực có ý nghĩa quan trọng đối với việc thiết kế các chính sách liên quan.
Ảnh minh họa: Cánh đồng lúa bậc thang gần một làng Dao Đỏ ngoại ô Sapa, Lào Cai. Ảnh: World Bank. Giấy phép mở CC-NC-ND-2.0.
Trong bài báo “The impact of land fragmentation on food security in the North Central Coast, Vietnam” do hai tác giả đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội là TS. Trần Quang Tuyến, Khoa Quốc tế và TS. Vũ Văn Hưởng (Trường Đại học Kinh tế) mới công bố trên Tạp chí Asia & the Pacific Policy Studies (đồng xuất bản bởi nhà xuất bản Wiley và Đại học Quốc gia Úc1) cho thấy tình trạng manh mún đất đai ảnh hưởng nhiều hơn tới an ninh lương thực của người dân tộc thiểu số các vùng nghèo nhất ở duyên hải Bắc Trung Bộ.
Thông qua bộ dữ liệu khảo sát 2.500 hộ gia đình 6 tỉnh Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa, Nghệ Anh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, sử dụng các mô hình kinh tế lượng vi mô, nhóm nghiên cứu đã đánh giá tác động của tình trạng đất đai manh mún. Trong nghiên cứu này, mức độ an ninh lương thực của các hộ gia đình được đo bằng hai chỉ số: đo lường sự thiếu hụt thực phẩm trong 12 tháng trước đó; đo lường sự thiếu hụt thực phẩm giàu protein trong khẩu phần ăn của các hộ gia đình trong 7 ngày gần nhất.
Kết quả cho thấy các hộ gia đình dân tộc thiểu số có đất đai manh mún sẽ có nguy cơ mất an ninh lương thực. Cứ gia tăng 10% mức độ manh mún của đất đai thì sẽ làm tăng khả năng thiếu lương thực trong năm lên 9% và số ngày trong tuần thiếu các bữa găn giàu protein là 0.094 ngày. Nếu trong 12 tháng gần nhất, chỉ có khoảng 26% hộ gia đình người Kinh/Hoa bị thiếu đói thì tỉ lệ này ở người dân tộc thiểu số là 51%. Trung bình số ngày không có thức ăn giàu protein của người dân tộc thiểu số cao hơn gấp đôi so với người Kinh/Hoa (3,67 so với 1,53 ngày).
Giải thích về điều này, theo TS Trần Quang Tuyến, dân tộc Kinh có năng lực thích ứng tốt hơn giúp họ vượt qua được khó khăn trong việc tự đáp ứng nhu cầu lương thực. Hơn nữa, người dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn nghèo và vùng sâu sẽ rất khó có khả năng chuyển đổi sinh kế sang các hoạt động phi nông nghiệp. Do vậy, nhóm các hộ dân tộc thiểu số bị tác động tiêu cực nhiều hơn từ nguồn lực tự nhiên là đất nông nghiệp bị manh mún.
Nhóm tác giả cũng cho biết tác động chính của đất đai manh mún tới an ninh lương thực ở khía cạnh chất lượng đất. Có mối tương quan lớn giữa mức độ manh mún đất đai và chất lượng đất. Đất đai manh mún sẽ làm giảm chất lượng đất, từ đó làm giảm hiệu quả sản xuất nông nghiệp và dẫn tới nguy cơ thiếu đói cao hơn.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy các hộ gia đình có các thành viên được học hành tốt hơn và làm công việc tự do phi nông nghiệp (chủ yếu là người Kinh/Hoa) cũng sẽ đảm bảo an ninh lương thực tốt hơn.
Từ các phát hiện nghiên cứu, hai tác giả đề xuất các hàm ý chính sách như giảm thiểu mức độ manh mún đất đai sẽ giúp các hộ nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, từ đó tự đáp ứng tốt hơn nhu cầu lương thực và thực phẩm. Đặc biệt, các chính sách trợ giúp lương thực nên ưu tiên trực tiếp cho các hộ thiểu số ở các vùng nghèo này. Cùng với đó, gia tăng tiếp cận giáo dục và cơ hội phi nông nghiệp cũng là chiến lược lâu dài và căn bản để nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhóm dân tộc thiểu số.
—
1 Tạp chí trong danh mục ISI (SSCI) và xếp hạng Q1 theo phân loại của SCImago (Scopus).