Tọa đàm “Đứt gãy trong tiếng Việt: Những di sản bị đánh mất”

Vì sao chúng ta đã có rất nhiều từ điển nhưng vẫn có nhiều cách viết được coi là chính thống trước nay trong chính tả ở Việt Nam lại có chỗ không chính xác, hợp lý và nhất quán? Tại sao việc xây dựng từ điển để chuẩn hóa chính tả tiếng Việt trong nhiều năm qua là việc khó ngoài tầm tay?


Hình ảnh về phong trào Bình dân học vụ 

Viết sai lỗi chính tả là một hiện tượng rất phổ biến, không chỉ trong cuộc sống hằng ngày mà cả trong các văn bản chính thức. Căn nguyên của việc này, không chỉ đến từ sự chủ quan của người viết tiếng Việt mà còn là do thiếu một quy ước hoàn thiện về chính tả. Nếu nhìn vào nhiều văn bản chữ quốc ngữ, kể cả từ điển tiếng Việt trước nay, chúng ta có thể thấy sự tồn tại của những lối viết song trùng kiểu “giấu diếm – giấu giếm”, “dông tố – giông tố”, “lí lẽ – lý lẽ”, “trối trăn – trối trăng”, “Các Mác – Karl Marx”…

Bất kể vì lý do gì thì sự chưa hoàn thiện về hệ thống ký tự, sự thiếu định hướng trong việc tiếp nhận ngôn ngữ nước ngoài và nhất là sự khiếm khuyết trong hiểu biết về tiếng Việt vẫn là những tồn tại chưa được giải quyết trong hoạt động văn tự bằng chữ quốc ngữ ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc, nên mong muốn chuẩn hóa chính tả tiếng Việt trong rất nhiều năm qua luôn luôn là một việc ngoài tầm tay.

Trong ba yếu tố kể trên, yếu tố quan trọng nhất là sự khiếm khuyết trong sự hiểu biết tiếng Việt, dẫn đến hệ quả trực tiếp là sự mai một và tiêu biến những giá trị văn hóa và lịch sử gắn với ngôn ngữ tiếng Việt. Lịch sử phát triển và giao lưu tiếp biến văn hóa mang lại cho chúng ta từ cổ, từ địa phương, từ Việt Hán, thành ngữ tục ngữ, từ Hoa Hán du nhập theo con đường khẩu ngữ, từ nước ngoài… lưu giữ nhiều vết tích về văn hóa lịch sử, còn ít được giới thiệu một cách hệ thống, chính xác. Chưa kể, chúng ta lại không may khi vấp phải những đứt gãy từ thời Pháp thuộc. Việc bài trừ Hán học của chính quyền thuộc địa đã làm suy thoái năng lực hiểu biết và sử dụng chữ Hán trên phạm vi toàn xã hội, nên mảng từ Việt Hán vẫn là một bộ phận máu thịt của tiếng Việt dần dần bị viết sai, hiểu sai và dùng sai trong các văn bản chữ quốc ngữ Latin.

Tại buổi tọa đàm về “Đứt gãy trong tiếng Việt: Những di sản bị đánh mất”, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh sẽ phân tích những khoảng trống và khó khăn trong việc chuẩn hóa chính tả tiếng Việt hiện nay.

Tọa đàm được tổ chức vào 14h30, ngày 25/3/2023 (thứ bảy), tại cà phê Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Quý vị quan tâm vui lòng đăng ký tham dự tọa đàm tại đường link: https://bit.ly/Toa_dam_Dut_gay_trong_TiengViet

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)