Tọa đàm “Giữ lại một di sản tưởng chừng không thể cứu vãn?”

Một trong những vấn đề nan giải nhất của công tác trùng tu di tích văn hóa, lịch sử, tôn giáo hiện nay ở Việt Nam là hạ giải hay không hạ giải? Liệu sau khi trùng tu có làm biến dạng, biến di tích hàng trăm năm tuổi thành “baby mới sinh”, như đã xảy ra ở khá nhiều công trình?


Mái đình Trần Đăng sau khi được trùng tu. Ảnh: Lý Trực Dũng. 

Không chỉ các nhà chuyên môn, các nhà quản lý mà đông đảo người dân trong cả nước rất bức xúc khi không ít di tích văn hóa, lịch sử gần đây bị xâm hại, biến dạng sau khi trùng tu, tôn tạo, như Chùa Trăm gian ở huyện Chương Mỹ (2013), Chùa Hương (2015), Chùa Khúc Thủy, Thanh Oai (2017)…bôi sơn đỏ loét. Nhiều hạng mục ở đền Phù Đổng bị sơn thếp tùy tiện (2017), hay thậm chí biến mất như đình Lương Xá có 300 tuổi ở Huyện Ứng Hòa mới đây. Vừa qua, dư luận xã hội cũng hết sức quan tâm đến số phận của nhà thờ Bùi Chu khi có tin nhà thờ đã bị xuống cấp nặng và vì lý do an toàn nên phải đại tu tháo dỡ xây mới. Rồi ngày 10/5/2019 Giáo phận Bùi Chu công bố hoãn “hạ giải” nhà thờ nhà thờ Bùi Chu.

Hạ giải hay không hạ giải? Đưa ra quyết định, trong nhiều trường hợp là cô cùng khó khăn, phức tạp, bởi nó cần phải có quá trình khảo sát vô cùng vô cùng tỉ mỉ, cẩn trọng có nghiệp vụ, có sự cân nhắc kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật của người am hiểu chuyên môn và cả sự hiểu biết về văn hóa, lịch sử và với sự đồng thuận của chủ thể của di sản. 

Do vậy, câu chuyện trùng tu một di sản kiến trúc thuần Việt – đình làng Trần Đăng 400 – 500 tuổi nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa vô giá bao gồm đình, giếng nước, cổng làng, tháp chuông và chùa Trần Đăng ở xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa (Hà Tây – nay thuộc về Hà Nội) của KTS Lý Trực Dũng cho thấy một bài học kinh nghiệm quý báu trong quyết định trùng tu di sản mà ở đó, đôi khi việc xê xích từng centimet trong trùng tu cấu trúc di sản, cũng ảnh hưởng tới số mệnh di sản. 

Đỉnh điểm của câu chuyện trùng tu đình Trần Đăng là cách đây 10 năm, nhóm trùng tu của KTS Lý Trực Dũng đã thay thế một câu đầu nằm ngay đầu hồi của đình dài hơn 4 m, nặng gần một tấn. Nếu phải hạ giải thì toàn bộ đầu đao với linh vật bằng gốm đen và gạch nóc hoa chanh cũng bằng gốm, có niên đại khoảng 300 năm tuyệt đẹp vô cùng quý giá này sẽ bị phá hủy và giá trị lịch sử và văn hóa của Đình Trần Đăng sẽ giảm sút, xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng nếu không hạ giải, chẳng may xảy ra sự cố – mái đình đổ sụp – người ta cho rằng đổ mái đình sẽ ảnh hưởng đến mệnh của làng, thì phải giải quyết ra sao? Bản thân nhiều người dân làng Trần Đăng và các làng lân cận, trong đó có các bậc cao niên và những người làm mộc lâu năm khẳng định, để thay câu đầu mục nát này với hư hại nghiêm trọng ở phần kết cấu chịu lực ngay đầu hồi của đình, thì bắt buộc phải hạ giải ít nhất một nửa mái đình!

Đơn vị thi công của KTS Lý Trực Dũng đã giải quyết mâu thuẫn này ra sao? Từ việc tổ chức khảo sát công trình, tìm phương án kỹ thuật tối ưu giữa những nhà chuyên môn cho tới tương tác và thảo luận với người dân làng Trần Đăng – chủ thể của di sản? Băn khoăn, trăn trở, khảo sát rồi họp bàn, rồi lại khảo sát, trước khi nhóm chuyên gia lập phương án tỉ mỉ để đi đến quyết định thay câu đầu này mà không phải hạ giải.

Trong cuộc tọa đàm “Trùng tu đình Trần Đăng: Giữ lại một di sản tưởng chừng không thể cứu vãn?”, chúng ta sẽ cùng nghe KTS Lý Trực Dũng phân tích và lý giải cho những câu hỏi trên trong việc bảo vệ di sản đình Trần Đăng, qua đó cung cấp một kinh nghiệm hữu ích điển hình cho công tác bảo tồn di sản các công trình tôn giáo khác hiện nay. 

Tại cuộc tọa đàm, các cử tọa cũng sẽ được nghe nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, những nhà chuyên môn đến nay vẫn bền bỉ với công cuộc bảo tồn di sản, phân tích khái quát về những nguyên tắc có tính căn cốt trong bảo tồn di sản, cũng như những vấn đề còn bỏ ngỏ. 

Tọa đàm diễn ra vào 14h30 (thứ bảy), ngày 22/6/2019.

Địa điểm: Cafe Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội. 

Vào cửa tự do. 

Tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động đưa khoa học, nghệ thuật đến với công chúng, do Tia Sáng tổ chứ

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)