Tọa đàm ra mắt sách “Cõi đi về”

Làm thế nào để chúng ta định vị được mình giữa ngổn ngang và xô bồ của văn hóa hôm nay? Làm thế nào hóa giải được những khác biệt giữa những cái của “họ”, cái “bên ngoài”, cái của hôm nay với cái của ta”, cái “bên trong”, cái của quá khứ?

Thật khó để có ngay một câu trả lời bởi với văn hóa, không bao giờ có cái duy nhất đúng, cũng không thể có thứ vĩnh viễn nào thế. Vì vậy, không phải ai cũng có thể phân định rạch ròi được việc gìn giữ bản sắc văn hóa với “xây lô cốt” giữ hủ tục tồn tại, giữa hội nhập với học đòi, giữa tôn giáo tín ngưỡng với mê tín, giữa giải phóng con người cá nhân với thói ích kỷ cá nhân và sự xuôi dòng theo bản năng… Tất cả như ở giữa những đường ranh mỏng manh mà chỉ khẽ nhích qua lề là đã thuộc về một phạm vi khác. Có lẽ, chưa bao giờ chúng ta cảm thấy băn khoăn và hoang mang như thế khi nhìn vào thực tại văn hóa hôm nay.

Những nghĩ suy như thế về dòng chảy văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập đã được giáo sư Thái Kim Lan, một nhà nghiên cứu triết học ở ĐH Tổng hợp Ludwid Maximilian (Munchen, Đức), nghiền ngẫm trong thời gian đi đi về về giữa hai đất nước Việt Nam và Đức, giữa các miền văn hóa Đông – Tây, giữa Đạo Phật và Đạo Thiên Chúa… và gửi gắm đăng trên Tia Sáng, “một chốn đi về” thân thiết trong vòng hai chục năm qua. Những bài viết ấy đã được tập hợp và cô đúc trong hơn 300 trang sách “Cõi đi về”.

Trong buổi tọa đàm ra mắt “Cõi đi về”, nhà văn hóa Thái Kim Lan sẽ trao đổi với chúng ta những suy nghĩ của bà về văn hóa Việt Nam, việc gìn giữ truyền thống, quảng bá văn hóa…, với sự tham gia dẫn chuyện của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và họa sĩ Lê Thiết Cương.

Tọa đàm được tổ chức vào 14h30, ngày 16/4/2023 (Chủ nhật), tại cà phê Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
BTC

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)