Tôn vinh các nhà sáng tạo vĩ đại
Nhân Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới 26/4, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) vừa phát đi thông điệp của Tổng giám đốc Francis Gurry với chủ đề “Tôn vinh các nhà sáng tạo vĩ đại”. Thông điệp viết:
Đây là cơ hội để mang lại những hiểu biết tường tận hơn về vai trò của sở hữu trí tuệ như là một cơ chế cân bằng giữa các lợi ích đối lập xung quanh đổi mới và sáng tạo văn hoá: các lợi ích của cá nhân nhà sáng tạo và lợi ích của toàn xã hội; lợi ích của nhà sản xuất và lợi ích của người tiêu dùng; lợi ích trong khuyến khích đổi mới và sáng tạo, và lợi ích trong việc chia sẻ lợi nhuận phát sinh từ đó.
Năm nay, chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới là tôn vinh “các nhà sáng tạo vĩ đại” – những người mà những đổi mới của họ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta. Ảnh hưởng của họ rất to lớn. Đôi khi, họ có thể thay đổi cách thức mà xã hội đang vận động.
26/4 được WIPO chọn làm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới từ năm 2001 đến nay. Hàng năm, nhân dịp này, Tổng giám đốc WIPO đều phát đi Thông điệp về một chủ đề xoay quanh hoạt động sáng tạo và đổi mới. |
Lấy nhà sáng chế người Trung Quốc tên là Cai Lun làm ví dụ. Ông đã đặt nền móng cho ngành sản xuất giấy – một công nghệ làm biến đổi mọi thứ, bởi vì nó cho phép lưu trữ kiến thức. Tiếp theo là sáng chế về khuôn in typo di động. Kiểu in này đã được áp dụng ở Châu Âu từ sáng chế máy in của Johannes Gutenberg, đến lượt cho phép phổ biến và dân chủ hoá kiến thức. Trong cuộc đời chính mình, chúng ta đã và đang chứng kiến sự chuyển dịch của thông tin sang định dạng số và nguồn năng lượng to lớn cho hoạt động sáng tạo được mang đến bởi Internet và sự phát triển của trang web. Vì điều đó chúng ta phải cảm ơn, trong số nhiều người, Tim Berners Lee.
Đằng sau nhiều những sáng tạo phi thường, có những câu chuyện về những con người phi thường. Vào thời mà chỉ có một số ít ỏi các nhà khoa học nữ, Marie Curie Sklodowdka đã phải đấu tranh để chứng tỏ bản thân là một nhà khoa học đúng nghĩa chứ không phải với vị trí là vợ của một nhà khoa học. Bà cũng đã đấu tranh như một người lao động nhập cư ở một cộng đồng khác. Lòng khát khao hiểu biết của bà đã dẫn tới những phát hiện có tính chất cơ bản nhờ đó bà đã được tặng 2 giải thưởng Nobel ở 2 ngành khoa học khác biệt nhau – vật lý và hoá học – người duy nhất từng đạt được thành công này.
Trong lĩnh vực nghệ thuật, sự sáng tạo xoay quanh các cách nhìn mới về sự vật. Một nghệ sỹ hoặc nhà sáng tác hoặc nhà văn xuất chúng có thể cho chúng ta thấy một cách nhìn khác, một cách nhìn mới về thế giới. Chẳng hạn, Bob Dylan đã nắm bắt được những làn điệu và thay đổi một số thể loại âm nhạc, đặc biệt là pha trộn giữa nhạc rock và nhạc dân gian. Hoặc về kiến trúc – Zaha Hadid hoặc Norman Foster – những người đã làm biến đổi hoàn toàn khung cảnh đô thị và làm đẹp cho nơi chúng ta đang sống theo những cách mới, trong khi đồng thời vẫn lưu tâm đến nhu cầu bảo tồn môi trường.
Chúng ta đang dựa vào sự đổi mới để tiến vào tương lai. Không có đổi mới chúng ta sẽ vẫn tiếp tục sống trong điều kiện như loài người đang sống hiện tại. Chẳng hạn trong lĩnh vực y tế, sáng chế hoặc đổi mới có giá trị tương đối nhỏ đối với xã hội trừ khi chúng có thể được sử dụng và chia sẻ. Đây chính là một tình huống khó xử trong hoạch định chính sách. Một mặt, chi phí sáng tạo trong y học hiện đại rất khổng lồ. Mặt khác, nhu cầu cảm thông và nhu cầu chia sẻ các sáng tạo hữu dụng cũng rất lớn.
Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải coi sở hữu trí tuệ như một cơ chế hữu hiệu để giải quyết những thách thức này.
Nhưng chúng ta cần phải hiểu sự cân bằng một cách chính xác và đó là lý do tại sao đối thoại về sở hữu trí tuệ là vô cùng quan trọng. Nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay, tôi đặc biệt khuyến khích các bạn trẻ tham gia vào các cuộc thảo luận, bởi vì theo định nghĩa, sở hữu trí tuệ là về những thay đổi, về những cái mới. Đó là cách tạo ra những thay đổi mà chúng ta muốn đạt được trong xã hội.