TP.HCM: Tăng tỉ lệ nhập viện vì tăng nồng độ ô nhiễm bụi PM2.5 trong không khí

Nghiên cứu về mối liên hệ giữa các loại bệnh và sự gia tăng nồng độ bụi, đặc biệt là chứng rối loạn tâm thần và hành vi (MBDs), là một trong những chủ đề được quan tâm nhưng lại ẩn chứa nhiều thách thức. Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế ở trường ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Mahidol, Chulalongkorn (Thái Lan) và ĐH Sức khỏe và thịnh vượng (Nhật Bản) đã bước đầu chứng minh dựa trên cơ sở dữ liệu thu thập ở TP.HCM.

Tình trạng mây mù quang hóa diễn ra vào trung tuần tháng 9/2019 tại TP.HCM. Ảnh: laodong.com.vn

Đó là bài báo “Fine particulate matter and daily hospitalizations for mental and behavioral disorders: A time-series study in Ho Chi Minh City, Vietnam” (Các hạt bụi mịn và việc nhập viện hằng ngày do sự rối loạn sức khỏe tâm thần và hành vi: Một nghiên cứu theo chuỗi thời gian ở TP.HCM, Việt Nam) được xuất bản trên tạp chí Environmental Research của NXB Elservier.

Thông thường, các nghiên cứu về ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần thông qua một chuỗi phản hồi, bắt đầu từ stress oxy hóa hệ thống và vùng, dẫn đến viêm nhiễm, ảnh hưởng đến mạng lưới cytokine khiến kích hoạt sự trầm cảm, căng thẳng, rối loạn nhận thức. Dẫu phần lớn các nghiên cứu đã đánh giá đến ảnh hưởng của ô nhiễm không khí vào các dạng rối loạn tâm thần và hành vi như trầm cảm, căng thẳng và tự tử thì vẫn còn ít nghiên cứu tìm hiểu về mối liên hệ giữa nồng độ bụi PM2.5 và các rối loạn này. Ngay cả nhiều nghiên cứu quốc tế vẫn còn bị giới hạn ở bằng chứng dịch tễ.

Tại Việt Nam, đã có một số nghiên cứu ban đầu về mối liên hệ giữa sự phơi nhiễm bụi PM2.5 với một số bệnh về đường hô hấp và tim mạch, “tuy nhiên vẫn còn thiếu nghiên cứu về mối quan hệ nhân quả như vậy ở việc phơi nhiễm bụi với các bệnh MBDs”, nhà nghiên cứu Đỗ Thị Hoài Thương (Bệnh viện Y dược TP.HCM) và cộng sự cho biết và nhấn mạnh đến mục tiêu “khám phá hệ quả của sự phơi nhiễm bụi PM2.5 với tình trạng nhập viện vì MBDs ở TP.HCM, một thành phố có diện tích lớn nhất, đông dân cư nhất và có nồng độ ô nhiễm bụi PM2.5 cao ở Việt Nam”.

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, họ đã sử dụng dữ liệu nhập viện hằng ngày của cư dân TP.HCM vào Bệnh viện Tâm thần TP.HCM từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/12/2020. Trong số 12.948 ca ghi nhận nhập viện, họ đã sàng lọc được 9.986 ca có dữ liệu phù hợp để có những phân tích sâu hơn.

Bên cạnh đó, họ cũng lấy dữ liệu nồng độ bụi PM2.5 tại trạm quan trắc Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM và dữ liệu thời tiết từ Cục Quản lí Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA). Trong khoảng thời gian nghiên cứu, nhiệt độ và độ ẩm trung bình hằng ngày khá cao, lần lượt là 21,8oC và 76,5% còn nồng độ bụi PM2.5 trung bình là 26,3μgm3; 83,7% tổng số ngày nghiên cứu có nồng độ bụi PM2.5 vượt quá mức quy chuẩn chất lượng không khí của WHO. Nồng độ PM2.5 tăng cao theo chu kì vào khoảng thời gian đầu năm và cuối năm, tương đương với mùa khô.

Sử dụng mô hình hồi quy Poisson có hiệu chỉnh để xem xét mối liên quan giữa nồng độ bụi với số ca nhập viện và mô hình tuyến tính có độ trễ để xem xét tác động trễ giữa nồng độ bụi với số ca nhập viện, họ nhận thấy, với 9.986 ca chọn lọc do rối loạn tâm thần và hành vi thì trung bình mỗi ngày có 6,8 ca nhập viện, nhiều nhất là 29 ca. Số bệnh nhân nhập viện vào mùa khô cao hơn mùa mưa. Vào đầu năm 2017, số ca nhập viện do rối loạn tâm thần và hành vi tăng cao đột biến khiến cho số ca nhập viện trung bình mỗi ngày cao nhất vào năm 2017 với 7,5 ca. Nhìn chung, số ca nhập viện mỗi ngày có xu hướng tỷ lệ thuận với nồng độ PM2.5 trung bình/ngày và cứ tăng 10μg/m3 nồng độ bụi thì làm tăng trung bình 2,96% số ca nhập viện, trong đó làm tăng 5% số ca nữ nhập viện.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận một số giới hạn của nghiên cứu, đó là việc thu thập số liệu ô nhiễm từ ở một trạm duy nhất không mang tính đại diện cho thành phố cũng như theo khu vực địa lý nhỏ hơn nên chỉ số PM2.5 có thể không đại diện cho tổng số phơi nhiễm của từng người. Mặt khác, PM2.5 chỉ là một trong những yếu tố góp phần làm gia tăng số ca MBDs nhập viện trong khi còn có các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần như di truyền hoặc kinh tế xã hội, lối sống… Vì vậy cần có những nghiên cứu sâu hơn trong tương lai về vấn đề này. □ 

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)