Trao đổi kết quả nghiên cứu và ứng dụng KH&CN hạt nhân Việt Nam
Một sự kiện khoa học quan trọng  đối với cộng đồng năng lượng nguyên tử Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 7/8 tại thành phố Đà Nẵng, nhằm trao đổi các kết quả về nghiên cứu và ứng dụng KH&CN hạt nhân ở Việt Nam trong giai đoạn 2013-2015 và những mục tiêu, phương hướng, nội dung nghiên cứu - triển khai trong giai đoạn 2015-2017.
Tham gia hội nghị lần này có hơn 50 đại biểu nước ngoài là các nhà nghiên cứu đến từ các quốc gia có nền KH&CN hạt nhân tiên tiến như LB Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Thụy Điển, Slovakia, v.v… Họ sẽ cùng thảo luận với gần 250 đại biểu trong nước, bao gồm các cán bộ nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử thuộc các tổ chức KH&CN, giáo dục và đào tạo, các cán bộ quản lý thuộc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan trong cả nước cũng như các nghiên cứu sinh và sinh viên các trường đại học có tham gia đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân.
Hội nghị KH&CN hạt nhân là dịp tốt để những người làm khoa học trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử trong nước và quốc tế cùng gặp gỡ, trình bày kết quả nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội ở Việt Nam. Hội nghị cũng tạo cơ hội tốt để các nghiên cứu viên trẻ trong nước có cơ hội giao lưu và trao đổi trau dồi thêm kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng khác. Hội nghị sẽ góp phần tích cực triển khai Quy hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 957/QĐ -TTg ngày 24/6/2010 và chủ trương phát triển điện hạt nhân của Việt Nam.
Với sự cố gắng của Ban tổ chức, nhiều chuyên gia, người làm nghiên cứu các nước đã được mời đến tham dự. Yếu tố quốc tế được thể hiện rõ nét với sự tham gia của các đại biểu đến từ những quốc gia có nền KH&CN hạt nhân tiên tiến đã và đang tích cực tham gia vào việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam. Đặc biệt, tại hội nghị lần thứ 11 này, một buổi tọa đàm với chủ đề “An toàn điện hạt nhân: Khoa học, công nghệ, văn hóa và trường hợp Việt Nam” được tổ chức vào chiều ngày 6/8 với 10 bài tham luận của các GS, các nhà khoa học quốc tế từ nhiều nước. Những kinh nghiệm trong công tác tổ chức điều hành và những nội dung vượt tầm quốc gia của hội nghị đang được các nhà tổ chức đặt kỳ vọng, hội nghị sẽ được Bộ KH&CN xem xét, nâng cấp thành hội nghị khu vực hoặc quốc tế vào những lần diễn ra tiếp theo.
Qua việc tiến hành phản biện một cách nghiêm túc của các Hội đồng khoa học, hội nghị KH&CN hạt nhân toàn quốc lần thứ 11 đã chọn được 216 báo cáo, trong đó có 132 báo cáo được trình bày (Oral presentation) tại các tiểu ban chuyên môn và 74 báo cáo dán bảng (Posters). Ngoài các tiểu ban chuyên môn, hai phiên toàn thể của Hội nghị được tổ chức trong ngày 5/8 có 18 bài trình bày của các GS, nhà khoa học quốc tế và Việt Nam.
GS. TS. Mai Trọng Khoa (Bệnh viện Bạch Mai) sẽ trình bày báo cáo “Ứng dụng một số kỹ thuật hạt nhân trong chẩn đoán và điều trị ung thư” tại phiên họp toàn thể. Ảnh: Bệnh nhân đang được xạ trị trên máy gia tốc điều biến liều tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai.
Hội nghị có bảy tiểu ban chuyên môn họp vào ngày 6 và sáng ngày 7/8/2015 bao gồm: Tiểu ban A với chủ đề về Điện hạt nhân, Lò phản ứng và Đào tạo nguồn nhân lực; Tiểu ban B: Vật lý hạt nhân, Số liệu hạt nhân, Máy gia tốc và Phân tích hạt nhân; Tiểu ban C: Ghi đo bức xạ, An toàn bức xạ và Quan trắc môi trường; Tiểu ban D1: Ứng dụng công nghệ bức xạ, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp và các lĩnh vực khác; Tiểu ban D2: Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y tế; Tiểu ban D3: Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp; Tiểu ban E: Hóa học phóng xạ và Hóa học hạt nhân, Chu trình nhiên liệu, Công nghệ vật liệu hạt nhân và Quản lý chất thải phóng xạ.
Hội nghị KH&CN hạt nhân toàn quốc lần thứ 11 là một sự kiện khoa học quan trọng không chỉ đối với cộng đồng năng lượng nguyên tử Việt Nam mà còn có ý nghĩa lớn đối với thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử của đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, ứng dụng năng lượng nguyên tử và triển khai các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.