Trị liệu tâm lý bằng Phật pháp: Cơ sở khoa học nào?

Mấy năm gần đây, các khóa học thiền, tu tập chuyên biệt kiểu Phật Giáo mọc lên như nấm ở Việt Nam và nhiều người tham gia cho rằng đó không chỉ là một trải nghiệm mới mẻ mà còn là một cách để tìm sự thanh thản cho tâm hồn.


Thực ra, việc ứng dụng các phương pháp từ truyền thống Phật Giáo như trên, gọi là phương pháp chánh niệm trong các liệu pháp tâm lý đã diễn ra từ cuối những năm 70, xuất phát từ GS. Kabat-Zin, Đại học Y Massachussetts. Về sau, phương pháp chánh niệm không chỉ giới hạn trong lĩnh vực điều trị tâm lý mà đã ảnh hưởng rộng rãi trong cả  y khoa, lãnh đạo kinh doanh, huấn luyện cảnh sát và đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Nếu như trong năm 1982, chỉ có một bài nghiên cứu về ứng dụng của phương pháp chánh niệm thì năm vừa qua, đã có hơn 800 công bố về vấn đề này trên toàn nước Mỹ.

Nhưng ở Việt Nam, liệu các khóa thiền và tu tập liệu đã đủ để coi là một cách thức trị liệu tâm lý? Cơ sở khoa học của những khóa này nằm ở đâu? Làm thế nào để chúng ta đánh giá các khóa học này mà có thể nhiều trong số đó chỉ mở ra theo trào lưu?

Buổi nói chuyện “Phật giáo, Tâm lý học và Khoa học Thần kinh” của TS. Lê Nguyên Phương không chỉ cung cấp cho người đọc những kiến thức cơ bản về tính khoa học của các phương pháp chánh niệm, còn nói về những ứng dụng của Phật Pháp trong nhiều Liệu pháp tâm lý anh quan sát được ở Mỹ và các nước Châu Âu. Người tham dự cũng sẽ có dịp thực tập một số phương pháp căn bản của các liệu pháp này.  

Buổi nói chuyện “Phật giáo, Tâm lý học và Khoa học Thần kinh” do Tia Sáng tổ chức, là một hoạt động thường xuyên nhằm đem khoa học, nghệ thuật đến với đại chúng.

Thời gian: 2h30, Chiều ngày 11/5 (thứ bảy)

Địa điểm: Cafe Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng.

Vào cửa tự do (vui lòng đăng ký trước qua hòm thư [email protected] hoặc inbox trên fanpage https://www.facebook.com/TIASANGMagazine/ để chúng tôi tiện đón tiếp).


Ảnh do TS. Lê Nguyên Phương cung cấp

 

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương nhận bằng Thạc sĩ Tâm lý Giáo dục và chứng chỉ hành nghề Tâm lý Học đường tại Đại học California State Long Beach (CSULB) và bằng Tiến sĩ Lãnh đạo Giáo dục chuyên ngành Tâm lý Giáo dục tại University of Southern California (USC). Tiến sĩ cũng đã hoàn tất chứng chỉ thực hành điều trị tâm lý bằng liệu pháp Chánh niệm Nhận thức [Mindfulness-Based Cognitive Therapy] và chứng chỉ cao cấp liệu pháp Thân nghiệm [Somatic Experiencing]. Hiện nay, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương là Chuyên gia Tâm lý Học đường của Học khu Long Beach và giảng viên của chương trình cao học bộ môn Tâm lý Học đường tại Đại học Chapman.
Năm 2011, Tiến sĩ Lê Nguyên Phương đã vinh dự là người đầu tiên nhận giải Chuyên gia Thực hành Tâm lý Học đường Quốc tế Kiệt xuất [Outstanding International School Psychology Practice] của tổ chức International School Psychology Association (ISPA) (tham khảo http://www.ispaweb.org/about-ispa/ispaawards/ và http://www.ispaweb.org/about-ispa/ispaawards/the-ispa-award-for-outstanding-internationalschool-psychology-practice/ )
Ông có xuất bản hai tập sách “Dạy con trong hoang mang” năm 2017 và 2018, hướng dẫn các bậc cha mẹ “chuyển hóa chính mình”, “hòa giải” với những quá khứ và tổn thương của mình để dạy con hiệu quả, nhẹ nhàng hơn. Riêng tập I đã in tới 12000 bản chỉ trong 5 tháng ra mắt.

Tác giả

(Visited 42 times, 1 visits today)