TRIẾT HỌC – Cuộc truy tìm ý nghĩa của tự do và ngôn từ (Đọc Tư duy tự do của Phan Huy Đường, NXB Đà Nẵng)

Khó có thể chối cãi, ngôn ngữ là một trong những vấn đề xuất hiện ở tiền cảnh của đời sống văn hóa hiện đại. Ngôn từ là cái làm nên tính người. Nó là sản phẩm của con người. Nó quyết định cách con người nhìn, thụ cảm và lý giải thế giới. Nó vừa có tính xã hội, vừa có tính lịch sử và vì có tính lịch sử nên nó cũng có một chu trình sinh thành và già cỗi.

1. Trong mối quan hệ giữa con người và thế giới, người ta tiếp nhận thế giới xuyên qua trung gian mờ đục của ngôn từ . Kinh thánh nói: Khởi thủy là Lời. Con người trở thành Người thông qua ngôn từ. Nhưng ngôn từ, đến lượt nó không tránh khỏi nguy cơ của sự tha hóa, của sự cạn kiệt ý nghĩa và khi đó, nó quay trở lại cầm tù chính con người. Một phần đời sống của chúng ta hiện lên như là những diễn ngôn. Nhưng cũng hiếm có một thời đại nào mà diễn ngôn bị phản bội như ở thời hiện đại của nhân loại. Tôi nhớ đến một đoạn tiểu luận mà A. Camus viết trong những năm 1950: “(…) một xã hội đặt nền tảng trên những ký hiệu, ngay trong tinh túy của nó, là một xã hội giả tạo, trong đó chân thân của con người đã bị mê hoặc. Đến như thế người ta không lấy làm lạ khi xã hội đó đưa lên hàng tôn giáo một nền luân lý gồm những nguyên tắc quyết đáp khi nó viết chữ Tự do bình đẳng trước các khám đường một cách dễ dàng như trên những thánh đường tài chính(…)” . Trong một diễn ngôn mang cảm hứng Mác xít rất đậm nét như trên, có thể cảm nhận thấy linh cảm của Camus về sự sụp đổ và sự “mất giá” của ngôn từ trong thế giới hiện đại. Và tình hình không phải chỉ dừng ở những năm 50 của thế kỷ trước. Cho đến thế kỷ này, người ta cũng vẫn đang chứng kiến những cái mà Camus gọi thẳng tên là “sự đánh đĩ ngôn từ”: người ta nhân danh “chống khủng bố” để tiến hành khủng bố, nhân danh bảo vệ tự do để xâm phạm nhân quyền và nhân danh bảo vệ nền dân chủ để làm đảo chính quân sự… Đời sống văn hóa ở Việt Nam, không ít thì nhiều, cũng bị cuốn vào những vấn đề chung của thế giới. Quan sát những “hiện tượng” của đời sống văn hóa Việt Nam gần đây, có thể thấy cội nguồn của không ít “hiện tượng” là ở ngôn ngữ. Tôi muốn nói đến những phản ứng của giới phê bình và không ít bạn đọc với những thể nghiệm nghệ thuật mang mầu sắc hiện đại và hậu hiện đại của một số tác giả trẻ ở miền Nam (các nhà thơ nữ ở TP. Hồ Chí Minh và tập thơ Dự báo phi thời tiết). Có lẽ đằng sau những diễn ngôn về sự “suy đồi”, “phóng túng” hay “xa lạ với thuần phong mỹ tục”… mà nhiều nhà phê bình dành cho họ che dấu một phản ứng của một thế giới ngôn từ chống lại một thế giới ngôn từ. Người ta nói rất nhiều về sự “lệch pha” giữa giới phê bình và giới sáng tác. Phải chăng sau sự “lệch pha” ấy che dấu sự cầm tù của ngôn từ. Một kinh nghiệm nghề nghiệp nhỏ mang tính cá nhân. Khi các sinh viên năm thứ ba và năm thứ tư đến gặp tôi để làm luận thường niên hoặc luận tốt nghiệp, các em thường có khuynh hướng chọn các tác giả như Thạch Lam, Nam Cao, Bùi Hiển, Nhất Linh,… nghĩa là các tác giả thuộc chuẩn trước 1945. Các em có thể khá dễ dàng mở rộng diện trường nghiên cứu ra những tác giả như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tố Hữu sau Cách mạng hay những tác giả mang mầu sắc “duy cảm” như các nhà văn nữ viết văn sau 1986. Nhưng các em thường “trơ” trước Trần Dần, Lê Đạt, hay những tác giả như Nguyễn Quang Thiều hay Nguyễn Bình Phương. Ngược lại, khi tôi thử làm một đối thoại nhỏ về một tác giả mà đa phần (tôi chắc phải đến gần 90%) các em đều say mê là Thạch Lam, với một truyện ngắn mà các em hết sức quen thuộc – Hai đứa trẻ – điều đầu tiên mà các em bật ra bao giờ cũng là một chuỗi diễn ngôn liên quan đến cái tăm tối, u tối sau đó là bần cùng, bế tắc, mòn mỏi… Cái gì diễn ra bên trong các em? Phải chăng mỹ cảm của các bạn trẻ này được nhào nặn nên bởi một thế giới ngôn từ gồm những cực như thơ mộng, mơ mộng, lãng mạn, ngọt ngào, bần cùng, tối tăm, u tối, bế tắc, anh hùng, vĩ đại… Họ nhìn và cảm thế giới qua ngôn từ đó và họ bị chính thế giới ngôn ngữ đó cầm tù. Tình thế của họ tương tự như những nhà thơ Việt Nam những thập niên 20, 30 của thế kỷ XX, những người ở trước thềm Thơ mới như Trần Tuấn Khải hay Tản Đà. Họ là những kẻ đã cảm nhận thấy sự ra đời của một thế giới mới nhưng thế giới ngôn từ làm cho họ bất lực trong việc mô tả thế giới ấy. Tôi nghĩ ở đầu thế kỷ XXI, người Việt Nam đang ở trong một tình thế giống như cha ông chúng ta đầu thế kỷ XX. Không phải là vô lý khi mà đây đó, những tiếng nói về nhu cầu dịch thuật vang lên nhiều đến thế. Một thế giới ngôn từ đang khao khát sự đổi mới, những diễn ngôn đang đòi tái cấu trúc!
 

2. Trong một tình thế như vậy, tôi đã đọc Tư duy tự do của Phan Huy Đường. Cuốn sách mang lại một khoái cảm đặc biệt về ngôn từ. Tương tự như cảm giác được gặp một kẻ xa lạ mà quen thuộc. Bắt đầu từ những cái gạch ngang trong những từ ghép. Có hai lý do của cảm giác này. Thứ nhất, đó là tình trạng chung của văn chương di dân ngoài biên giới Việt. Di dân trước hết là một lưu đầy về ngôn từ. Người viết bị tách khỏi môi trường ngôn ngữ mẹ đẻ, anh ta mang theo trong ký ức ngôn từ của khoảnh khắc rời bỏ Tổ quốc và giống như một thứ “đồng hồ chết” anh ta viết bằng cái ngôn ngữ của khoảnh khắc rời bỏ đó. Ngôn từ luôn phát triển. Nhưng đó là một sự phát triển khác với sự phát triển trong môi trường quốc nội. Ở đây, tôi chỉ nói lên một hiện tượng, không bàn đến hơn kém. Nhưng điều thứ hai, quan trọng hơn, và cũng đáng trân trọng hơn: tác giả là một người có ý thức về sự tạo dựng một thế giới ngôn từ của riêng mình. Viết triết học, với ông, trước hết là tạo dựng một ngôn từ triết học mang dấu ấn cá nhân. Ông ý thức rất rõ rằng “trong triết học(…), không một khái niệm nào không đáng nghi ngờ! Không một khái niệm nào có định nghĩa chung cho mọi triết gia vì không một khái niệm triết nào có thể chứng minh được bằng thử nghiệm. Khái niệm triết chỉ có định nghĩa và có ý nghĩa trong môi trường của một hệ suy luận triết học” và “muốn hiểu một khái niệm, một câu văn trong một tác phẩm triết, ta phải có sẵn trong đầu môi trường suy luận trong đó nó có nghĩa”. Cũng cần phải nhắc tới một thực tế. Trong nguyên tác Tư duy tự do được viết bằng tiếng Pháp, được xuất bản ở Pháp và sau đó được chính tác giả dịch sang tiếng Việt. Điều đó, tự bản thân nó đã có ý nghĩa trong việc làm giàu ngôn từ triết học của tiếng Việt. Một trong những hứng thú đặc biệt khi đọc cuốn sách là dõi theo những cước chú (footnote). Đó có thể là những suy tư bên lề lan man như một ngẫu hứng nhạc jazz, có thể là một mỉa mai nào đó hay nhiều khi là những ghi chú về một lối dịch. Và qua cái cách mà tác giả tự dịch chính mình, ông đem đến cho chúng ta những hiểu biết nhiều khi mới mẻ và thú vị về những điều đã bị tự động hóa đến mức trở thành chai cứng trong đời sống ngôn từ của chúng ta. Tôi đánh giá cao cách Phan Huy Đường dịch khái niệm “transcendant” và “intuition transcendantale” trong triết học Kant. Những khái niệm này thường được hiểu như là “siêu việt”, “siêu nghiệm” và “trực giác siêu nghiệm”. Tác giả đề xuất một định danh khác: “linh cảm biệt lập”. Ông hiểu cái “transcendant” của Kant là biệt lập nghĩa là “tự nó, không lệ thuộc bất cứ gì ngoài nó”.  Theo tôi, cách hiểu đó là chính xác. Hay cách ông diễn đạt một trong ba quy luật quan trọng của phép biện chứng, quy luật mà chúng ta vẫn định danh là “quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập”. Tác giả sử dụng một lối diễn đạt khác: “quy luật liên thể của các cực đối lập”. Lối diễn dịch đó là hữu lý. Còn rất nhiều những ví dụ khác về ngôn từ trong cuốn sách của Phan Huy Đường. Nó làm cho việc đọc cuốn sách trở thành một cuộc phiêu lưu ngôn từ đầy hấp dẫn.
3. Cuốn sách của Phan Huy Đường được chia làm ba phần: Những quan hệ cơ bản của con người với thế giới;  Nền tảng của những ý tưởng;  Những nền tảng của kiến thức.
Phần thứ nhất của công trình giống như một nền tảng cho những suy tư ở hai phần tiếp theo. Tất cả những gì được viết cho phần này không phải là quá mới, tuy vậy, nếu thiếu nó, khó có thể có được sự tiếp cận đầy đủ những phần tiếp sau. Trọng tâm của phần này là vạch ra tính ba chiều kích (tridimensionnel) của tồn tại người (nghĩa là trong nó, đồng thời là con người vật thể, con người sinh vật và con người văn hóa, tính tổng hòa của nó không chỉ là sự tổng hòa những quan hệ xã hội mà còn là tính tổng hòa của chính những chiều kích này trong một thực thể); sự rạn nứt khoa học luận trong tư tưởng của Descartes; sự què quặt mang tính định mệnh của ngôn ngữ… Nếu như coi toàn bộ cuốn sách là một bài toán thì phần đầu tiên có vai trò như một hệ tiên đề mà bắt buộc, người ta phải nắm để giải bài toán đó. Phần thứ hai là một cuộc đối thoại với những tư tưởng làm nền tảng của tư duy Âu Tây hiện đại (Descartes, Kant, Hegel, Sartre,…) và đặc biệt là Marx và Engels, những người được coi là đặt nền tảng cho một nhân sinh quan mới. Những trang viết hay nhất, theo cái nhìn chủ quan của tôi, có lẽ là những trang viết về Sartre, “triết gia của tự do” và những trang có giá trị nhất là những trang về tư duy biện chứng của Marx và Engels, xuất phát từ 11 luận đề chống Feuerbach. Trên cơ sở những cuộc đối thoại của phần hai, cuộc phiêu lưu tri thức tiếp tục với sự truy tầm ý nghĩa đích thực những kiến thức nền tảng của con người hiện đại từ tiềm thức, cống rãnh của văn hóa; khoa học nhân văn, con nguời xẻ thành linh kiện;… đến chính trị, nghệ thuật làm người; nghệ thuật, bập bẹ làm người và văn chương, máu thịt của ngôn từ. Trong phần này, những phần đáng đọc nhất là những phần truy vấn ý nghĩa của nghệ thuật và văn chương, dẫu cảm hứng dấn thân chịu ảnh hưởng của Sartre là rõ nét.
4. Với một cái nhìn lướt qua như trên, có thể thấy Tư duy tự do là một tác phẩm mang mầu sắc Mác xít rất đậm nét. Nói theo chính ngôn từ của tác giả, ông là người “nhận nợ” từ Marx và Engels. Điều đáng trân trọng là sự tiếp nhận tư tưởng từ Marx và Engels của Phan Huy Đường là hoàn toàn phi giáo điều. Đặt trong lịch trình tư tưởng Châu Âu từ thế kỷ XVII, từ “sự rạn nứt khoa học luận” của Descartes, tác giả chỉ ra tính cách mạng trong phép biện chứng Mác xít thể hiện trong việc đặt lại vấn đề về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức bằng cách thay thế nhị nguyên luận biệt lập vật chất – tư duy của Descartes bằng cách đưa vào giữa vật chất và ý thức những quá trình sống của con người – nghĩa là đặt một gạch nối giữa chủ thể tư duy và thế giới. Ông cũng nhận ra trong những bản văn được viết từ rất sớm của Marx và Engels linh thức thiên tài về con người với tư cách là một thực thể ba chiều kích (vật chất, sống, văn hóa). Từ xuất phát điểm đó, tác giả đề xuất một cách hiểu khác về ba quy luật nền tảng của phép biện chứng Mác xít (quy luật lượng biến thành chất, phủ định của phủ định và liên thể của các mặt đối lập). Thay vì nhìn những quy luật này thuần túy mang tính bản thể luận (nghĩa là thuần túy mô tả sự vận động của thế giới hiện thực), ông tìm cách thống nhất chúng, coi chúng như “một thể thống nhất, đồng tự hiện thực trong mọi quan hệ giữa con người với thế giới, với chính mình”. Theo cách nhìn đó, quy luật lượng biến thành chất được nhìn như là quy luật phản ánh mối quan hệ giữa những biến đổi của thế giới vật chất và sự cảm nhận của con người (sự biến đổi của thế giới vật lý, đến một mốc nào đó, sẽ khiến một sinh vật cảm nhận nó một cách hoàn toàn khác về chất). Cũng như vậy, sự phủ định cần được hiểu như là quá trình chuyển hóa qua những chu trình của sự sống biến những hiện tượng của thế giới hiện thực trở thành những kinh nghiệm sống mang tính cá thể và từ đó, phủ định của phủ định chính là khâu cuối cùng chuyển hóa những kinh nghiệm sống đó thành những kinh nghiệm văn hóa. Không những thế, ông còn đẩy tiếp suy luận của mình khi cho rằng gốc của những “phạm trù đối lập” cần phải được tìm trong chính đặc điểm tư duy con người. Sự diễn dịch như trên ba quy luật của phép biện chứng có thể cho phép xây dựng một hình dung về mối quan hệ giữa con người và thế giới như một “tổng thể động”, như một “hành động vật chất có nhục cảm và tư duy của con người (người viết nhấn mạnh)” nó cho phép tạo ra những mệnh đề hết sức lý thú chẳng hạn như khi tác giả nhận định: “Điều ta gọi là chất không là thuộc tính của vật chất cũng không phải là một thuộc tính của sinh vật – trong óc làm gì có mầu xanh! – nó biểu đạt một loại quan hệ giữa một sinh vật với vật chất”. Điều độc đáo và sáng tạo của cách diễn dịch này là nó đặt lại vấn đề về vai trò của con người trong mối quan hệ với thế giới, tránh một hình dung mang tính quyết định luận nghiệt ngã về mối quan hệ giữa con người và thế giới, điều mà không ít diễn dịch Mác xít giáo điều có thể sa vào.
5. Trong cuốn sách của mình, Phan Huy Đường đưa ra một hình dung về tự do: “Ở bất cứ chiều kích nào trong thân phận làm người, phủ định văn hóa đã khiến mình nên người là phủ định chính mình để sáng tạo… chính mình! Qua hành động và trong ngôn ngữ. Điều ấy gọi là tự do. Vì nó có khả năng tự phủ định toàn diện, con người thực sự tự do khi dám phủ định chính mình, dám biến hành động ấy thành tác phẩm hay thành lời nói. Xuất phát từ phủ định và phủ định của phủ định để nên người, nó biết phủ định nhân giới cũ ở nó để sáng tạo nhân giới mới ở nó và xuyên qua ngôn ngữ, ở mọi người, ở mình”. Trong ý nghĩa đó, cuốn sách của ông xứng đáng với tên gọi của nó. Nó là ngôn từ triết của chính ông. Nó là cuộc đối thoại với những triết gia mà ông “nhận nợ”, những triết gia “của riêng ông” (tất nhiên, nếu ở địa vị tôi, cái danh sách những nhà tư tưởng lớn nuôi dưỡng tư duy hiện đại sẽ phải thêm vài người như E. Husserl, như một vài nhà cấu trúc luận, như một số triết gia về ngôn ngữ). Nó là cách “đọc” Marx và Engels của riêng ông. Đọc cuốn sách của ông, có thể tìm thấy một sự quyến rũ của thế giới ngôn từ và một lời mời gọi suy tư đầy tinh thần dấn thân Mác xít. Với một cuốn sách triết, tôi nghĩ, thế cũng là đủ.

Lương Xuân Hà

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)