Trồng rau từ đá

Trồng rau từ đá, một ý tưởng thoạt nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng lại giúp quá trình trồng trọt tiêu thụ ít nhiệt, nước, với sản lượng thu hoạch tăng gấp nhiều lần. Những viên đá này có đặc tính gì đặc biệt?

Trong một trang trại ở Đà Lạt, chị Phạm Thị Hường đang chăm sóc những loại rau củ xanh tốt mọc lên từ những cột trụ màu trắng. Năm 2019, khi đại dịch xảy đến khiến giá cả hàng hóa biến động, chị Hường đã rời bỏ công việc trồng cà phê “vất vả và không ổn định” để gia nhập Orlar, một công ty trồng trọt theo mô hình trang trại thẳng đứng.

“Tôi đã rất ngạc nhiên, đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến cách trồng như vậy,” chị Hường chia sẻ với Nikkei Asia. “Tôi nghĩ, chúng ta còn có thể phát triển xa hơn với công nghệ này,” chị nói thêm và lưu ý thêm một điểm cộng nữa – từ góc nhìn của một người đã nhiều năm gắn bó với nông nghiệp – cách thức trồng trọt của Orlar sử dụng ít hóa chất, phân bón hơn nhiều so với cách thức trồng trọt truyền thống.
Sự ngạc nhiên của chị Hương không chỉ đến từ cách trồng rau thành cột thẳng đứng trải thành hàng dài đều tăm tắp – một mô hình còn ít gặp trong nước – mà còn vì “bí mật” công nghệ làm nên sự khác biệt của Orlar so với những startup nông nghiệp thông minh khác: những viên đá ẩn mình bên trong các cổ trụ màu trắng được xếp chồng lên nhau.
Thật khó tin khi từ những viên đá, các loài hoa trái lần lượt sinh trưởng. Chúng được gọi là Orlarock, do TS. Lyndal Hugo (Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Orlar) sáng tạo ra, với ba đặc tính cốt lõi: tích nhiệt, giữ nước và ái lực với vi sinh vật.
Loại đá “bí mật” này được hình thành từ hỗn hợp với kích thước phù hợp nhằm tối ưu hóa độ dẫn thủy lực (tốc độ nước có thể di chuyển xuyên qua một môi trường trung gian có tính thấm), khả năng thoát hơi nước và trao đổi khí. Chưa hết, các chuyên gia sẽ bổ sung vào đá hàng nghìn tỷ vi khuẩn, từ 81 loài khác nhau, với mục đích tạo thành màng sinh học.
Những vi khuẩn này cực kỳ đắt đỏ. Vậy chắc hẳn giá thành sẽ bị đôn lên rất nhiều? Ngược lại, các chuyên gia đã tiến hành những thử nghiệm để đảm bảo Orlarock không phải là môi trường lý tưởng để ‘nuôi dưỡng’ các vi khuẩn có hại. “Ngay cả khi chúng tôi thử nghiệm đưa vi khuẩn E.coli và Salmonella vào bên trong vật liệu của mình, chúng cũng không thể ‘sống sót’”, bà Hugo tự tin chia sẻ. Điều này đồng nghĩa với việc các nhân viên trang trại sẽ không phải thay đá sau mỗi vụ mùa, mà có thể tái sử dụng chúng liên tục; vi khuẩn trong đá sẽ tiếp tục nhiệm vụ của mình mà không cần phải mua mới – một phương án tiết kiệm. Vi khuẩn đồng thời cũng giúp phân hủy lớp rễ cây cũ thành chất dinh dưỡng chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo.
Cách thức trồng theo chiều dọc giúp hoa quả không bị dập nát, ngăn ngừa úng nước. Hệ thống sẽ nhỏ từ từ từng giọt nước vào cột trắng, Orlarock tại mỗi tầng sẽ chỉ giữ một lượng nước đủ để cây sinh trưởng. Các lỗ thông hơi được thiết kế đặc biệt cho phép thoát khí tối đa. Với phân bón, các chuyên gia của Orlar nhập khẩu phân bón của Úc, chứa hỗn hợp các hợp chất hữu cơ như chất chiết xuất từ ​​rong biển, axit humic và fulvic, axit amin và enzym.
Với những yếu tố độc đáo đó, từ các ô của cột trắng, rau diếp, cà chua, dâu tây, rau thơm, và đặc biệt là hoa ăn được, lần lượt mọc lên dù không cần nhiều nước, ánh sáng và phân bón. Từ trang trại ở Đà Lạt, những nông sản này lần lượt được chuyển đến từ các nhà hàng cao cấp cho đến các cửa hàng thực phẩm sạch ở Đà Lạt, TP.HCM, Đà Nẵng v.v. “Chúng tôi thêm hoa ăn được vào cả món ngọt và mặn để thêm màu sắc và tạo ra sự tươi mới”, ông Eric Fettke, Giám đốc Ẩm thực, InterContinental Saigon, mô tả đó là những bông hoa “lớn nhất, tươi nhất và độc đáo nhất trên thị trường”.
Đóng góp vào nền nông nghiệp bền vững
Hành trình để đưa những nguyên liệu tươi ngon đến nhường vậy lên bàn ăn của những nhà hàng lớn, với TS. Lyndal Hugo, là hành trình của những điều bất ngờ.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nơi các thành viên đều là thợ khai thác than tại Thung lũng Hunter (New South Wales, Úc), bà nhận bằng tiến sĩ hoá học môi trường tại Đại học Sydney và học bổng sau tiến sĩ về dư lượng thuốc trừ sâu trong chuỗi thực phẩm Đông Nam Á. Sau đó, bà đảm nhận công việc kế toán môi trường cho các công ty nông nghiệp lớn ở Úc và Trung Quốc. Những dữ kiện tưởng chừng rời rạc trong cuộc đời TS. Hugo hóa ra lại giao nhau vào khoảnh khắc khi bà tìm thấy một tảng đá đặc biệt – khởi nguồn của Orlarock (Cho đến hiện tại, loại đá này vẫn còn là một bí mật).
Với vốn hiểu biết về khai thác mỏ và nông nghiệp, bà đã nhận ra tảng đá thoạt trông bình thường này có những đặc tính độc đáo, thúc đẩy sự tương tác của vi khuẩn và bề mặt rắn thông qua các thí nghiệm vi sinh và hóa học phức tạp. Nó sẽ là “ngôi nhà cho vi khuẩn”, như cách bà ví von trên tờ The Sydney Morning Herald, và rồi nó sẽ dẫn đến những ý tưởng đầy hứa hẹn có thể “giảm thiểu nhu cầu về hóa chất, năng lượng, nước và đất”.
Trên thực tế, hầu hết các trang trại trong nhà hiện nay – như trang trại thẳng đứng và nhà kính – đều tiêu thụ một nguồn năng lượng khổng lồ. Trong một nghiên cứu vào năm ngoái, các nhà khoa học thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore đã chỉ ra một trang trại trồng dâu tây theo mô hình thẳng đứng tại Nga tiêu hao nhiều điện hơn 3.000% so với một trang trại trồng dâu tây truyền thống của Chile. Điều này khá dễ hiểu bởi nông nghiệp trong nhà thường đòi hỏi đầu vào năng lượng rất lớn để kiểm soát nhiệt độ và mức chiếu sáng. Theo TS. Hugo, loại đá mà công ty bà sử dụng hoạt động giống như pin nhiệt, có thể lưu trữ nhiệt và giảm thiểu nhu cầu sử dụng nguồn điện bên ngoài.
TS. Hugo và người bạn của mình, bà Amanda Cornelissen, đã quyết định trích phần quỹ hưu trí của mình để chuyển đến Việt Nam phát triển mô hình này – một quyết định gây kinh ngạc. “Tôi biết rằng Việt Nam và các quốc gia đang phát triển khác có nhu cầu lớn về thực phẩm sạch. Chúng tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn ở nơi khác, nhưng chúng tôi không thể tạo ra những giá trị lâu dài giống như chúng tôi đang có ở đây”, TS. Hugo giải thích.
Sau khi cả hai chuyển đến Việt Nam vào năm 2017, họ đã xây dựng trang trại đầu tiên của mình tại Cẩm Mỹ (Đồng Nai), nhưng rồi sau đó họ đã chuyển địa điểm đến một con đồi gần thành phố Đà Lạt, cách đó hơn 200 km. Công ty đã bổ sung thêm 4000 cột trụ trắng và bắt đầu bán sản phẩm của mình. Những cột trụ trồng rau quả liên tục tăng lên, công ty cũng hoàn thành quá trình xây dựng trang trại thứ tư.
Orlar sử dụng năng lượng điện ít hơn tới 99,995% so với các đối thủ cạnh tranh trong cùng phân khúc nông nghiệp thẳng đứng, có kiểm soát hoặc trong nhà – theo số liệu của công ty. Lượng nước được sử dụng cũng rất ít so với phương pháp thủy canh. “Mọi người thường nghĩ rằng nên nuôi vi sinh vật trong nước”, TS. Hugo cho biết, “nhưng chúng tôi đã chứng minh rằng chúng tôi có thể nuôi vi khuẩn trên vật liệu đá. Chúng tôi đã phát minh ra một hệ thống trồng trọt mới thay đổi những hạn chế trong lĩnh vực nông nghiệp”. Bên cạnh đó, để giảm thiểu sử dụng nhựa, công ty cũng thiết kế cột trụ trồng rau quả từ nhựa tái chế với độ bền 15 năm – và có thể tiếp tục được tái chế sau đó.
Không chỉ đạt hiệu quả về năng lượng, công ty Orlar cũng tính toán rằng 1,1 ha, nếu chỉ trồng rau diếp, sẽ thu được 335.280 kg sản phẩm mỗi năm. Con số này gần gấp tám lần số lượng từ một trang trại với diện tích lớn. Orlar hiện đang hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận quốc tế và các cơ quan tại Việt Nam để xây dựng những trang trại thí điểm, với mục tiêu tìm ra giải pháp cho nhiều vấn đề môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ năm 2019, công ty đã lọt vào mắt xanh đầu tư của Chính phủ Úc, Chương trình Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD) và một số nhà đầu tư khác. “Đôi khi, có những ý tưởng đi trước thời đại”, ông Chris Hadzilias, một nhà đầu tư của Orlar cho biết. “Công nghệ có thể tuyệt vời, nhưng thị trường vẫn chưa sẵn sàng – đó là điều mà Orlar đã trải qua trong những ngày đầu thành lập. Họ đã phát triển mô hình kinh doanh từ con số không tại Việt Nam bằng cách sử dụng công nghệ mà nhiều người cho là kỳ dị. Và bây giờ là thời điểm thích hợp [để đầu tư]”, thị trường đã sẵn sàng.
Nguyễn Long

Tác giả

(Visited 17 times, 1 visits today)