Tư duy hệ thống trong khoa học quản lý và thực tiễn quản lý

Cuốn sách Tư duy hệ thống (Nxb KHXH, 2005) chủ yếu đề cập đến một khung mẫu tư duy hệ thống đối với các hoạt động quản lý và kinh doanh. Trong nửa đầu cuốn sách, tác giả trình bày những vấn đề cơ bản của tư duy hệ thống, bao gồm:

Triết học hệ thống (Phần I), tác giả điểm qua tiến trình ứng dụng quan điểm hệ thống và khoa học hệ thống trong các vấn đề quản lý và kinh doanh, các bước chuyển dịch khung mẫu tư duy hệ thống từ thế hệ thứ nhất đến thế hệ thứ ba, được đặc trưng bởi các giai đoạn của các cách nhìn cơ giới, cách nhìn sinh học và cách nhìn văn hóa – xã hội, nhìn nhận hệ thống tương ứng như các hệ máy móc (không trí tuệ), các hệ đơn trí tuệ và các hệ đa trí tuệ. Tương ứng với các chuyển dịch cách nhìn đó, nhận thức về luật chơi và xác định bài toán quản lý cũng có những chuyển dịch, từ chỗ tập trung vào việc tìm các phương án tối ưu, tiên đoán tương lai để điều khiển hành vi của hệ thống, đến chỗ chấp nhận luật chơi của hệ thống là cạnh tranh giữa các tác tử có năng lực cạnh tranh và thích nghi, hệ thống có thể rơi vào những tình thế hỗn độn và phức tạp, tương lai là không thể tiên đoán được, và do vậy, quản lý chủ yếu là dàn xếp các mối tương tác, sáng tạo và lựa chọn các giải pháp thích nghi để tiếp tục tồn tại và phát triển, chứ không phải là tập trung vào việc tiên đoán một tương lai chắc chắn hoặc lựa chọn một mục tiêu tốt đẹp nhất và hướng tới đó. Các lý thuyết hệ thống (Phần II), tác giả đã giới thiệu năm nguyên lý nói về năm đặc tính cơ bản của các hệ thống phức tạp là: tính mở, tính có chủ đích, tính đa chiều, tính hợp trội, và tính phản trực cảm. Cả năm đặc tính đó đều rất quan trọng, nhưng đáng chú ý nhất là tính hợp trội của các hệ thống phức tạp, đặc tính này đã được biết đến từ lâu dưới mệnh đề quen thuộc “một hệ thống là lớn hơn tổng gộp của các thành phần tạo nên nó”; hợp trội thông qua các tương tác đa dạng của cạnh tranh, hiệp tác và thích nghi đang được nhiều nhà khoa học hệ thống nghiên cứu như là một cơ chế chủ chốt của các quá trình tiến hoá và phát triển trong hầu hết các lĩnh vực của tự nhiên, vật chất, sự sống, trí tuệ, kinh tế và xã hội.

Để tập trung vào các hệ thống kinh tế – xã hội, tác giả cho rằng các yếu tố cùng góp phần tạo dựng tương lai cần được tìm trong sự tương tác của năm thứ nguyên sau đây: Sản sinh và phân phối phúc lợi, sản sinh và truyền bá chân lý, sáng tạo và phổ biến vẻ đẹp, hình thành và thể chế hóa các giá trị để điều chỉnh quan hệ người – người, và tính chính đáng và trách nhiệm của quyền lực. Năm thứ nguyên đó tương ứng với năm lĩnh vực chính của xã hội: kinh tế, khoa học, mỹ học, đạo đức và chính trị. Tác giả cho rằng khi xem xét sự phát triển của một hệ thống kinh tế – xã hội, cũng như khi thiết kế một tiến trình kinh doanh, cần phải quan tâm đến cả năm thứ nguyên đó, không coi nhẹ cái nào. Đó cũng là lý do của tên gọi mô hình văn hóa – xã hội mà tác giả sử dụng cho các mô hình của hệ thống trong khuôn mẫu tư duy về quản lý và kinh doanh hiện nay.

Jamshid Gharajedaghi vừa là nhà khoa học quản lý, vừa là nhà quản lý có tài. Ông khởi nghiệp tại công ty Trung tâm thương mại thế giới của hãng IBM với chức danh Kỹ sư hệ thống cao cấp, hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Viện Quản lý tương tác Interact tại Hoa Kỳ; đồng thời nhiều năm làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Busch và Phó giáo sư môn Khoa học hệ thống tại Trường Wharton, Đại học Pennsylvania.

Tác giả đã dùng một tiêu đề khá lạ lùng cho phần Phương pháp luận hệ thống: Logic của sự điên rồ! (Phần III). Sau khi đã trình bày những ý tưởng triết lý và lý thuyết về hệ thống, phần này giới thiệu những điều cơ bản về phương pháp tư duy khi nghiên cứu hệ thống và thiết kế các giải pháp đối với các hệ thống quản lý và kinh doanh hiện đại. Logic của các phương pháp mới này là “điên rồ” vì nhiều khi nó xa lạ với cái logic quen thuộc của các phương pháp duy lý truyền thống. Nếu phương pháp nghiên cứu theo khung mẫu tư duy thuộc thế hệ thứ nhất thường gắn liền việc xác định bài toán với việc thiết kế lời giải, thì theo khung mẫu mới của tư duy hệ thống, phương pháp nghiên cứu đòi hỏi tách hai việc đó với nhau, khi xác định mô hình của bài toán, tức mô hình hệ thống, theo cách nhìn toàn thể, cần tập trung phát hiện được đầy đủ các tương tác, các chủ đích của từng bộ phận, v.v.., chưa thể xác định được hành vi của các bộ phận cũng như của hệ thống để mà thiết kế các giải pháp, vả chăng khó mà có ngay từ đầu một giải pháp toàn thể, giải pháp chỉ có thể được hình thành một cách tức thời tùy theo diễn biến thực tế của hệ thống qua sự vận động của các năng lực đổi mới, sáng tạo và thích nghi. Trong việc nghiên cứu hệ thống, không chỉ vận dụng các mô hình quen thuộc, các phương trình toán học, các tri thức định lượng, mà cần khai thác đầy đủ các mặt thông tin, tri thức và sự thấu hiểu (understanding) đối với đối tượng, bằng các lý luận duy lý và cả bằng trực giác và cảm thụ; trong thiết kế giải pháp, không nên tuyệt đối hóa các lập luận logic hình thức và các phương pháp định lượng, cần nhớ rằng “thế giới này không phải được vận hành bởi những người đúng, mà bởi những người có khả năng thuyết phục người khác rằng mình đúng”, một tình thế xung đột không nhất thiết chỉ được giải quyết bởi một giải pháp “ai thắng ai”, mà có thể tìm các giải pháp khác kiểu thắng/thắng, nghĩa là mọi bên đều thắng. Độc giả có thể tán thành hoặc phản bác nhiều ý tưởng đề xuất của tác giả, nhưng tôi hy vọng là nhiều ý tưởng khá đa dạng và phong phú trong cuốn sách sẽ gợi được cho chúng ta niềm cảm hứng dẫn đến nhiều suy tư mới mẻ và bổ ích. Khác với nhiều cuốn sách nhập môn về Khoa học hệ thống, trong cuốn sách này, tác giả đã dành hẳn một nửa sau cho phần Thực hành hệ thống (Phần IV) để trình bày những ứng dụng cụ thể các phần lý thuyết nói trên vào việc nghiên cứu và thiết kế một số dự án mà bản thân tác giả đã tham gia và có một vai trò tư vấn chủ chốt. Đó là các dự án về: Phát triển dân tộc Oneida, Hệ thống chăm sóc sức khỏe Butterworth, công ty Marriott, Hệ thống kinh doanh năng lượng Commonwealth, và công ty Carrier Corporation. Việc lựa chọn các dự án trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã giới thiệu với chúng ta một khối lượng nội dung và các kinh nghiệm phong phú và rất đa dạng trong việc thực hành những nguyên lý, lý thuyết và phương pháp luận của cùng một khung mẫu tư duy hệ thống trong thực tiễn vô cùng sinh động của cuộc sống thực tế. Từ hiểu biết lý luận cơ bản đến nhận thức thực tiễn là một quá trình sáng tạo vô cùng sinh động, với tư duy hệ thống ta hiểu rằng cứ mỗi bước đi vào thực tiễn là một bước đi vào vùng đất mới chưa có sẵn bản đồ, người thám hiểm phải tự vạch đường mà đi, hành trang chỉ là đôi mắt mới của một khung mẫu tư duy mới. Tôi tin rằng đọc kỹ phần Thực hành hệ thống này, chúng ta sẽ được rèn luyện sáng hơn đôi mắt mới của tư duy hệ thống để thêm vững vàng đi vào miền hỗn độn, phức tạp của rất nhiều những vấn đề thực tế mà chúng ta sẽ gặp phải.

Như vậy cuốn sách là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn và là một cuốn sách rất nên đọc. Bản thân tác giả là tấm gương của sự kết hợp này.

Phan Đình Diệu

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)