Tương lai cây sắn ở Việt Nam và châu Á

Công trình “Cassava breeding and agronomy in Asia: 50 years of history and future directions” (Trồng trọt và khoa học cây sắn ở châu Á: 50 năm lịch sử và những định hướng tương lai) của các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế trên Breeding Science, một tạp chí mở có bình duyệt của Hội Giống cây trồng Nhật Bản, đã nhấn mạnh vào sự gia tăng diện tích trồng, chiến lược phát triển giống, sự đa dạng của các giống sắn...


Người trồng lo ngại bệnh khảm lá sắn. Nguồn: Hiệp hội Sắn Việt Nam.

Dù chỉ một phần khảo sát của nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam nhưng kết quả nghiên cứu lại rất quan trọng với chiến lược phát triển cây sắn nước ta. Với tổng diện tích trồng gần 160.000 ha, sắn từ chỗ là cây lương thực đã trở thành một trong những loại cây công nghiệp, đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD/năm và liên quan tới cuộc sống của 1,2 triệu nông dân, theo số liệu năm 2018 Hiệp hội Sắn Việt Nam.

Công trình nghiên cứu này đã bao quát toàn bộ quá trình du nhập và phát triển cây sắn tại Việt Nam. Được trồng đầu tiên trên qui mô lớn ở Việt Nam từ năm 1975, đến giai đoạn 1991-1992, Việt Nam đã có 270 địa điểm trồng sắn ở 43 tỉnh với 128 giống khác nhau, trong đó Tây Ninh được coi là thủ phủ cây sắn, không chỉ ở diện tích trồng mà còn năng suất cao với 30 tấn/ha và tập trung tới 60 cơ sở chế biến tinh bột sắn. Với sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) và một số quốc gia khác, Việt Nam đã lai giống và tuyển chọn được 19 giống mới trong 20 năm trở lại đây bằng phương pháp thụ phấn và tạo giống đột biến. Hai giống do nước ngoài chọn tạo là KM94 và KM419 đang chiếm ưu thế tại Việt Nam khi lần lượt được trồng trên 45% và 30% tổng diện tích, phần diện tích còn lại do Việt Nam phát triển. Toàn bộ cơ sở dữ liệu di truyền về 55 dòng sắn tuyển chọn từ CIAT đã được Phòng thí nghiệm quốc tế chọn giống phân tử sắn  (ILCMB) – cơ sở nghiên cứu chung của Viện Di truyền nông nghiệp AGI và CIAT từ năm 2012, lưu trữ. Hiện các nhà nghiên cứu đang đánh giá 55 dòng sắn này ở nhiều vùng sinh thái khác nhau của Việt Nam nhằm kiểm tra độ thích ứng của nó với các điều kiện ngoại cảnh. Điều này rất quan trọng khi sắn dễ bị mắc các bệnh điển hình như chổi rồng, bệnh khảm lá… làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng khi thu hoạch.  

Tuy nhiên, một trong những chủ đề nghiên cứu chính về cây sắn tại Việt Nam vẫn là việc tìm hiểu về khả năng bón phân thích hợp với đất trồng sắn, cụ thể là việc duy trì độ phì của đất, trồng xen canh… Các thí nghiệm được thực hiện dài hạn và ngắn hạn cho thấy, nếu chỉ cần năng suất 3 tấn/ha thì không phải bón phân nhưng muốn tăng lên 20 tấn/ha thì cần lượng phân bón NPK tỷ lệ 2: 1: 2. Việc lạm dụng phân bón hóa học khiến hầu hết các loại đất trồng sắn khác nhau đều rơi vào cảnh bị thoái hóa và để cải thiện độ phì của đất, người nông dân hiện chỉ có thể áp dụng việc trồng xen canh và luân canh ngô, lạc, đậu đỗ. Không chỉ tăng độ phì và giảm sự xói mòn đất, việc trồng xen canh cũng có thể giúp tăng thu nhập của người nông dân trồng sắn – chủ yếu là những hộ thu nhập thấp.

Về lâu dài, sắn vẫn là loài cây mang tính chiến lược của châu Á cũng như Việt Nam, khi sắn trở thành nguồn nguyên liệu thiết yếu trong chế biến công nghiệp, thức ăn gia súc và lương thực thực phẩm… Việc trồng sắn cũng có lợi khi đây là loại cây có khả năng thích ứng rất tốt với điều kiện môi trường. Để có thể cung cấp những giống sắn có khả năng kháng bệnh hoặc có chất lượng củ tốt hơn cho người trồng, cần áp dụng những công nghệ tiên tiến trong chọn tạo giống. Đây cũng là một trong những hướng đi của lĩnh vực nghiên cứu cây sắn. Các tác giả cho biết thêm, việc ứng dụng công nghệ viễn thám, khoa học dữ liệu… sẽ làm tăng giá trị của sắn trên thị trường quốc tế. 

Kết quả nghiên cứu không chỉ đem lại dữ liệu quý về cây sắn mà còn cho thấy một dải rất rộng về những sản phẩm mới có khả năng đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng. Do đó, cần phải có chiến lược phát triển hợp lý để đảm bảo cung cấp sản phẩm cho thị trường quốc tế và đảm bảo thu nhập cho nông hộ nhỏ ở Việt Nam cũng như châu Á. 

 

Tác giả

(Visited 24 times, 1 visits today)