UNICEF: Việt Nam trong top 10 quốc gia có trẻ em bị ảnh hưởng thiên tai
Theo “Children Displaced in a Changing Climate, một phân tích mới của UNICEF" trung bình mỗi ngày thế giới có khoảng 20.000 trẻ em mất chỗ ở do các thảm họa liên quan tới khí hậu. Đây là phân tích toàn cầu đầu tiên về số trẻ mất chỗ ở do lũ lụt, bão, hạn hán và cháy rừng từ năm 2016 – 2021, và đưa ra các dự đoán cho 30 năm tiếp theo.
Cụ thể, phân tích cho biết, trong quãng thời gian sáu năm nêu trên, hơn 43,1 triệu trẻ em ở 44 quốc gia đã phải sơ tán do các thảm họa liên quan tới khí hậu – tương đương khoảng 20.000 trẻ mất chỗ ở mỗi ngày. Trong số đó, 40,9 triệu trẻ em, tương đương 95%, được sơ tán trong các sự kiện lũ lụt và bão – một phần nhờ dự báo tốt hơn và hoạt động sơ tán được ưu tiên hơn. Còn lại 1,3 triệu trẻ em phải di dời chỗ ở do hạn hán, và 810.000 trẻ em – do cháy rừng.
Đông Nam Á và Thái Bình Dương chiếm gần một nửa số trẻ em phải sơ tán của toàn cầu với khoảng 19 triệu em (do lũ lụt: hơn 12 triệu, và do bão: hơn 6 triệu). Việt Nam, cùng với các quốc gia khác trong khu vực như Trung Quốc, Philippines và Indonesia, thuộc top 10 nước ghi nhận con số tuyệt đối về trẻ em phải sơ tán cao nhất, bởi các nước này có thời tiết khắc nghiệt, số trẻ em đông, đồng thời có nhiều tiến bộ về năng lực cảnh báo sớm và sơ tán.
Từ năm 2016 – 2021, khoảng 930.000 trẻ em ở Việt Nam phải sơ tán do các thảm họa như lũ lụt, bão và hạn hán. “Từng trận thiên tai ập tới Việt Nam hết lần này tới lần khác là bằng chứng khẳng định trẻ em phải đối mặt nhiều với tác động từ khủng hoảng khí hậu, không chỉ về vấn đề sức khỏe mà mọi khía cạnh phát triển của trẻ đều bị ảnh hưởng. Khi Việt Nam đang thực hiện bước chuyển đổi sang năng lượng xanh, điều quan trọng là phải tăng cường nỗ lực và nguồn lực để lập ra các cộng đồng chống chọi với khí hậu trên khắp đất nước”, đại diện của UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers cho biết.
Dù thời gian ngắn hay kéo dài, việc sơ tán có thể làm tăng rủi ro đối với trẻ em: ly tán cha mẹ hay người chăm sóc, có nguy cơ bị bóc lột, buôn bán và lạm dụng. Thiên tai còn cản trở việc học tập, tiếp cận y tế, nước sạch và vệ sinh, khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, mắc bệnh và không được tiêm chủng đầy đủ.
Sử dụng mô hình do Trung tâm Giám sát Di dời chỗ ở Nội địa phát triển, phân tích của UNICEF dự đoán, trong 30 năm tiếp theo, các trận lũ sông có tiềm năng khiến gần 96 triệu trẻ em mất chỗ ở; còn các trận lốc xoáy và lũ do bão lần lượt có khả năng khiến 10,3 triệu và 7,2 triệu trẻ em mất chỗ ở. Với các sự kiện thời tiết bất thường ngày càng xảy ra thường xuyên hơn và khắc nghiệt hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu, các con số thực tế chắc chắn sẽ còn tăng lên.
Do đó, UNICEF kêu gọi các chính phủ, nhà tài trợ, đối tác phát triển và khu vực tư nhân thực hiện các hành động sau để bảo vệ trẻ em và thiếu niên trước nguy cơ di tản trong tương lai:
Đảm bảo các dịch vụ quan trọng với trẻ (giáo dục, y tế, dinh dưỡng, các dịch vụ bảo trợ xã hội và bảo vệ trẻ em) sẽ phản ứng nhanh nhạy, linh động và toàn diện, bao gồm cả những trường hợp không còn nhà để về.
Chuẩn bị sẵn sàng cho các em cách sống trong một thế giới biến động khí hậu bằng cách cải thiện khả năng thích ứng và tính kiên trì, đồng thời cho phép trẻ em tham gia vào việc tìm kiếm giải pháp toàn diện.
Ưu tiên trẻ em và thiếu niên – gồm cả những em phải di cư – trong thiên tai và hành động chống biến đổi khí hậu, tài chính, chính sách nhân đạo và phát triển, các khoản đầu tư để chuẩn bị cho một tương lai đang xảy ra.□
Phương Anh
Nguồn: https://www.unicef.org/vietnam/press-releases/weather-related-disasters-led-431-million-displacements-children-over-six-years