Ước tính hệ số phát thải từ hoạt động đốt rơm rạ ở Hà Nội
Theo kết quả nghiên cứu mới “Emission factors of selected air pollutants from rice straw burning in Hanoi, Vietnam” (Các hệ số phát thải của các chất ô nhiễm không khí có chọn lọc từ đốt rơm rạ ở Hà Nội, Việt Nam) trên tạp chí Air Quality Atmosphere & Health, các nhà nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản đã ước tính được lượng đóng góp của hoạt động đốt rơm rạ vào bầu không khí Hà Nội.
Đốt rơm rạ ở Hà nội. nguồn: Dantri.
Việt Nam là một trong những quốc gia có sản lượng lúa gạo hàng đầu thế giới. Kết quả là sau mỗi mùa gặt, sau mỗi mùa thu hoạch, các vùng trồng lúa ở Việt Nam thường dư thừa một lượng lớn rơm rạ và thường phải đốt bỏ ngay ngoài ruộng đồng mà không có giải pháp nào xử lý một cách triệt để. Đó cũng là điều mà nhiều quốc gia nông nghiệp trồng lúa khác tại châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines… cũng gặp phải trong nhiều năm.
Hiện tại chúng ta đều biết rằng, việc đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng không khí bởi nó sẽ phát thải vào môi trường một lượng lớn carbon đen, khí thải… Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Việt Nam chưa thể định lượng được cụ thể ảnh hưởng của mỗi đợt đốt rơm rạ đó lên chất lượng không khí và các nhà quản lý cũng chưa thể có được con số kiểm kê chính xác về sự đóng góp ô nhiễm vào không khí của hoạt động đốt rơm rạ. Nguyên nhân là dù từ trước đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về tác động của việc đốt rơm rạ nhưng phần nhiều đều có sai số nhất định do phụ thuộc vào hệ số phát thải của nước ngoài. Thông thường, mỗi quốc gia với những điều kiện gieo trồng, khí hậu, giống lúa khác nhau… nên hệ số phát thải từ đốt rơm rạ đều khác nhau nên việc kế thừa khó đem lại kết quả chính xác.
Với nỗ lực đi tìm một hệ số phát thải từ rơm rạ của Việt Nam, TS. Phạm Châu Thùy (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và các cộng sự tại ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Tài nguyên và Môi trường, ĐH Kanazawa và ĐH Nagasaki Nhật Bản đã đi tìm một hệ số phát thải từ đốt rơm rạ của Hà Nội. Để làm được điều này, họ đã tiến hành thực nghiệm tại 14 cánh đồng ở Gia Lâm và Hoài Đức cũng như các thực nghiệm tại phòng thí nghiệm của Viện KH&CN Môi trường, ĐH Bách khoa HN trong năm 2016–2018 để tìm hiểu các chất thải sinh ra từ đốt rơm rạ như các khí CO, CO2, SO2, NO, NO2, bụi PM2.5, các hợp chất hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs) trong các hạt bụi này.
Kết quả phân tích từ các mẫu thu thập được cho thấy, hệ số phát thải từ đốt rơm rạ của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng và khác biệt với hệ số của nhiều quốc gia nông nghiệp. Trong số này, đáng chú ý là hệ số phát thải bụi PM2.5 và hệ số phát thải khí SO2 trong thực nghiệm ngoài cánh đồng ở nghiên cứu này cao hơn so với các giá trị tương tự ở Thái Lan và Trung Quốc. Tuy nhiên, hệ số phát thải khí CO và CO2 đều ở mức tương đương hoặc thấp hơn. Dữ liệu về các hệ số phát thải khí CO và CO2 này cũng tương đồng với dữ liệu đã có.
Riêng hệ số phát thải bụi PM2.5 và phát thải khí SO2 trong nghiên cứu này cao hơn so với hệ số tương tự ở Thái Lan và Trung Quốc. Các tác giả cũng lưu ý, hệ số này cũng có tính biến thiên do ảnh hưởng với những nhân tố khác nhau như độ ẩm của rơm rạ, tốc độ gió, hướng gió, độ ẩm bề mặt đất, đặc biệt của sinh khối, thời gian đốt trong ngày (rơm rạ khô hơn vào buổi chiều) và điều kiện khí tượng.
Trên cơ sở này, các tác giả ước tính, việc đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng phát thải một lượng 369,6 Gg với CO2, 13.7 Gg với CO, 0,67 Gg với SO2, 0,35 Gg với NO2, 10,8 Gg với PM2.5, và 32 Mg với 10 loại PAHs có trong các hạt bụi trong bầu khí quyển Hà Nội. Các kết quả này rất có ích trong việc tích hợp quản lý chất lượng không khí ở cấp độ trung ương và địa phương.
Đây là một trong những kết quả từ đề tài “Nghiên cứu dựng hệ số phát thải từ hoạt động đốt rơm rạ để ứng dụng vào kiểm kê phát thải và đánh giá tác động lên chất lượng không khí tại thành phố Hà Nội” (TS. Phạm Châu Thùy làm chủ nhiệm) do Quỹ NAFOSTED tài trợ.