Ước tính, ô nhiễm không khí làm tứ giác Long Xuyên mất 121 triệu USD/năm
PGS. TS Bùi Tá Long (Phòng thí nghiệm Mô hình môi trường, ĐH Bách khoa TP.HCM) và cộng sự đã xây dựng một khung nghiên cứu kết hợp các mô hình và dữ liệu để đánh giá thiệt hại kinh tế lúa gạo do ô nhiễm PM2.5 ở vùng Tứ giác Long Xuyên.
Trong bài báo “Assessing impacts on rice production and quantifying economic cost losses with PM2.5 –based damage – A case of the Long Xuyen Quadrangle, Vietnam Mekong Delta” (Đánh giá tác động lên sản lượng lúa gạo và định lượng tổn thất kinh tế trên cơ sở thiệt hại do PM2.5 – Một trường hợp ở Tứ giác Long Xuyên, ĐBSCL), xuất bản trên tạp chí Computers and Electronics in Agriculture, PGS. TS Bùi Tá Long cho biết, Tứ giác Long Xuyên là vùng nông nghiệp quan trọng nhất của ĐBSCL, với An Giang chiếm 49,2%, theo sau là Kiên Giang 47,8%, Cần Thơ 3,1%. Hằng năm, vùng trồng lúa ở đây chiếm xấp xỉ 20% sản lượng lúa gạo, tuy nhiên lại chỉ chiếm 50 % xuất khẩu gạo của ĐBSCL.
Dẫu có nhiều nghiên cứu nói về tác động của biến đổi khí hậu, các sự kiện thời tiết cực đoan ảnh hưởng nhưng các dạng nguy cơ rủi ro khá, cụ thể là ô nhiễm bụi PM2.5 lại chưa được đánh giá, chưa phân biệt được vai trò ô nhiễm bụi lên vụ mùa và mối liên hệ giữa các mức phát thải bụi với sản lượng thu hoạch. Trên thế giới đã có một số nghiên cứu cho thấy sản lượng gạo tăng lên đáng kể từ 0,8% đến 2,6% khi nồng độ sol khí giảm từ 20% đến 100%.
Để tính toán cụ thể cho vùng Tứ giác Long Xuyên, hai nhà nghiên cứu đã xây dựng một khung nghiên cứu kết hợp WRF/CMAQ với mô hình hóa định lượng tác động của tổn thất mùa vụ do mất mát năng suất, hàm ước tính năng suất và định lượng tổn thất kinh tế để đánh giá thiệt hại kinh tế do PM2.5 với lúa gạo. Trên cơ sở dữ liệu nồng độ bụi PM2.5 thu thập từ tháng 12/2017 đến tháng 12/2018, đặc điểm lúa, tổng diện tích trồng lúa, sản lượng từng vụ…, họ đã tính toán ra các mức thiệt hại do giảm sản lượng lúa trong năm 2018 ở Tứ giác Long Xuyên.
Kết quả cho thấy phần lớn những ngày tháng 2/2018 có nồng bộ bụi PM2.5 cao nhất thời kỳ mùa khô và tháng 8/2018 có nồng độ bụi PM2.5 cao nhất thời kỳ mùa mưa – đây cũng là thời điểm nồng độ cao của năm. Mức nồng độ trung bình bụi PM2.5 vượt quá mức tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT với ngưỡng 50 μg/m3 và những vùng có nồng độ bụi cao nhất vùng Tứ giác Long Xuyên là Hòn Đất và Kiên Lương.
Khi đánh giá tác động của nồng độ bụi PM2.5 với ba vụ lúa trong năm 2018 (đông xuân, hè thu và thu đông) cùng vụ đông xuân 2019 Tứ giác Long Xuyên, các tác giả cho biết, thiệt hại ước tính là 2.728 tỉ đồng (tương đương 121 triệu USD), hay tương đương 1,47% tổng GRDP. Cụ thể, tổng số thiệt hại về năng suất lúa được ước tính là 15,729 tấn/ha, trong đó vụ đông xuân thiệt hại nhiều nhất với 9,034 tấn/ha, theo sau là vụ hè thu 3,282 tấn/ ha. Trong vụ đông xuân 2018, tổng thiệt hại cao nhất là Tân Hiệp, thấp nhất là Châu Đốc, còn vụ hè thu, mức thiệt hại cao nhất là Rạch Giá và thấp nhất là Long Xuyên. Với vụ thu đông và đông xuân năm 2019, mức thiệt hại cao nhất đều là Châu Thành.
Họ đề xuất một số khuyến nghị chính sách để làm giảm thiểu thiệt hại: 1) cần có chiến lược chuyển đổi xanh đối với các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hóa dầu, hóa chất, kim loại màu vì đây là những nguồn chính của ô nhiễm PM2.5; 2) với lĩnh vực năng lượng, cần áp dụng các công nghệ năng lượng tái tạo, chính quyền các cấp cần có trách nhiệm hỗ trợ tài chính và hỗ trợ về công nghệ để đầu tư và phát triển công nghệ xanh; 3) với lĩnh vực vận tải, cần thiết gia tăng những khuyến khích các loại xe sử dụng năng lượng mới thay thế năng lượng truyền thống và các cơ quan quản lý cần có những tiêu chuẩn chặt chẽ hơn đối với các phát thải từ giao thông, giới thiệu các quy định mới để khuyến khích giao thông xanh; 4) với các hộ gia đình, một giải pháp phù hợp là nâng cao hiệu quả đốt nhiên liệu truyền thống (củi, than, gas) vì hiệu suất đốt thấp và tạo ra lượng lớn phát thải do quá trình đốt không hoàn toàn; 5) với lĩnh vực nông nghiệp, một trong những tiền chất của PM2.5 là amonia (NH3) sau khi phản ứng với lưu huỳnh và acid nitric từ hoạt động chăn nuôi. Do đó biện pháp giảm amonia là giảm hàm lượng chất thô trong khẩu phần protein, lưu giữ hiệu quả chất thải chăn nuôi thông qua quá trình acid hóa, sử dụng rơm rạ hoặc màng nhân tạo để tối ưu hóa quá trình này.□
Bài đăng Tia Sáng số 23/2024