Ươm tạo Doanh nghiệp KH&CN: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam
Ngày 06/08 tại Hà Nội, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN đã tổ chức hội thảo "Ươm tạo Doanh nghiệp KH&CN trong các trường đại học, viện nghiên cứu, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam", với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực ươm tạo doanh nghiệp công nghệ.
Diễn giả Zafrir Asaf, Trưởng phòng Kinh tế và Thương mại của Đại sứ quán Israel tại Hà Nội cho rằng “Việt Nam không có lựa chọn nào khác” ngoài tích cực đưa ra những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Ông chia sẻ về kinh nghiệm của Israel, với sự chú trọng cùng những chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp trong nước đổi mới sáng tạo – ví dụ như Nhà nước chủ động tham gia vào sự hình thành những quỹ đầu tư mạo hiểm – kể từ đầu thập kỷ 1990 Israel đã phát triển vượt bậc, tới năm 2009 đạt giá trị GDP cao hơn so với dự kiến lũy tiến theo xu hướng tăng trưởng trước đó tới 25 tỷ USD, tức 10% GDP.
Để đồng tiền đầu tư hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp đạt hiệu quả và sự minh bạch cao, ông Asaf nhấn mạnh rằng Nhà nước không nên trực tiếp đứng ra lựa chọn các doanh nghiệp được nhận tài trợ (“winners”) mà nên giao nguồn lực của mình cho một tổ chức trung gian độc lập. Chuyên gia Rajen Dorairaj, Giám đốc khu vực Công ty MDeC từ Malaysia, cũng đồng tình với quan điểm này. Công ty MDeC của ông là một đơn vị trung gian hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện ở Malaysia. Chính phủ Malaysia dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này một dự án hỗ trợ đặc biệt, có tên gọi Siêu Hành lang Đa phương tiện (Multimedia Super Corridor) viết tắt là MSC, do MDeC trực tiếp chịu trách nhiệm triển khai. Đây thực chất là một đặc khu kinh tế lý tưởng với nhiều chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ như hỗ trợ về tài chính, các dịch vụ tiện ích, hỗ trợ nâng cao năng lực, hỗ trợ tiếp cận thị trường thế giới.
Dự án MSC được bắt đầu từ năm 1996, tới nay đã phát triển tới giai đoạn thứ 3, là một dự án quy mô lớn, đòi hỏi sự tập trung đầu tư toàn diện của Nhà nước. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có thể học tập và triển khai những mô hình vườn ươm nhỏ hơn, ví dụ như vườn ươm Darabin của Úc, được Tổng giám đốc là Bob Waite trực tiếp giới thiệu tại hội thảo lần này. Với những vườn ươm như Darabin, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ đầu tư ban đầu, cấp đất và một số cơ sở hạ tầng, và chỉ trong một thời gian ngắn vườn ươm sẽ tự vận hành và nuôi sống chính mình.
Các mô hình vườn ươm đa dạng được giới thiệu tại hội thảo sẽ là kinh nghiệm hữu ích cho các nhà quản lý Việt Nam trong phát triển các vườn ươm doanh nghiệp công nghệ. Các chuyên gia quốc tế tại hội thảo đều bày tỏ mong muốn được hợp tác nhiều hơn nữa với các cơ quan, tổ chức của Việt Nam, nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, bí quyết cụ thể, giúp phát triển các vườn ươm công nghệ, nơi có thể là đầu mối triển khai những dự án hợp tác về kinh tế và ứng dụng chuyển giao công nghệ giữa các quốc gia liên quan với Việt Nam.