Vật liệu phóng xạ xuất hiện ở Biển Đông: Đến từ nguồn nào?

Những thông tin về sự xuất hiện vật liệu phóng xạ là Iodine-129 ở vùng biển phía Tây Phillipines trên Biển Đông đã làm dấy lên câu hỏi trong cộng đồng năng lượng nguyên tử: vật liệu Iodine-129 này đến từ đâu?

Vấn đề này được đề cập tới trong khuôn khổ phiên họp Mạng lưới các cơ quan pháp quy hạt nhân Đông Nam Á do Việt Nam làm chủ tịch vào cuối tháng 11/2020. Khi đó, TS Carlo Arcilla, Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Philippines (PNRI) báo cáo trực tuyến: phát hiện ra một dạng vật liệu phóng xạ tồn tại trong rạn san hô và nước biển ở biển Tây Philippines. Sau buổi họp, ông Arcilla đã trả lời qua điện thoại với BusinessMirror, một tờ báo của Philippines, là phóng xạ đó “không nguy hiểm nhưng có thể truy dấu được”, đồng thời cho rằng “Vấn đề là cái gì tạo ra vật liệu phóng xạ ở đó? Có các hoạt động hạt nhân trong khu vực này, hay ở Triều Tiên?” 1.

Thực ra, vật liệu phóng xạ iodine-129 mà TS Carlo Arcilla đề cập tới là kết quả của một nghiên cứu công bố vào tháng 11/2016 “Historical record of nuclear activities from 129I in corals from the northern hemisphere (Philippines)” (Ghi nhận lịch sử các hoạt động hạt nhân trong các rạn san hô từ bán cầu Bắc- Philippines) trên tạp chí Journal of Environmental Radioactivity của nhà xuất bản Elservier 2. Nhà nghiên cứu trẻ Angel T.BautistaVII của PNRI – tác giả liên hệ của bài báo này, đã thực hiện nghiên cứu trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại Khoa Kỹ thuật và quản lý hạt nhân, trường Đại học Tokyo.

Khi dùng kỹ thuật hạt nhân, phân tích các mẫu san hô lấy từ Baler và Parola trên máy khối phổ gia tốc AMS và quang phổ plasma ICP-MS đặt tại trường đại học Tokyo, Angel T.BautistaVII và cộng sự nhận thấy có sự tồn tại của iodine-129  – một trong những sản phẩm của phản ứng phân hạch hạt nhân như cesium-137 – trong mẫu san hô. “Tuy nhiên, chu kỳ bán rã của iodine-129 dài hơn nhiều so với cesium-137 bởi iodine-129 có thể tồn lưu trong môi trường 15,7 triệu năm trong khi chu kỳ bán rã của cesium-137 là vào khoảng 30 năm”, TS. Nguyễn Hào Quang, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), cho biết. Với chu kỳ bán rã này, có thể coi iodine-129 như đồng vị bền.

Kết quả phân tích trên các thiết bị AMS và ICP-MS cho thấy, đồng vị bền iodine-127 xuất hiện ở mức phần triệu (ppm) trong mẫu san hô được lấy từ hai vị trí quan trắc tại Parola (ở biển Đông) và Baler (ở phía Thái Bình Dương) với nồng độ từ 3,7 và 5,4 ppm. 

Tỷ số iodine-129/iodine-127 ở vị trí Parola có xu hướng giữ nguyên ở mức tăng cao sau năm 1986 trong khi tỷ số này ở vị trí Baler lại có xu hướng giảm.

Điểm lại các hoạt động hạt nhân trong khoảng thời gian đó, có thể đưa ra một số phỏng đoán: có thể những vật liệu này phát thải từ tự nhiên (trước những năm 1950), các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Mỹ, Liên bang Soviet, Pháp và Trung Quốc (1951 – 1976), từ quá trình tái xử lý nhiên liệu hạt nhân (1977 – 1996)… TS. Angel T.BautistaVII và cộng sự đề xuất sự xuất hiện của iodine-129 trên Biển Đông là trực tiếp từ khí quyển và thông qua các dòng chảy đại dương, trong đó mẫu ở Parola ghi nhận sau năm 1986 cao hơn hẳn so với ở Baler. Tuy nhiên, TS. Angel T.BautistaVII cũng chưa xác định được đâu là nguồn gây ra hiệu ứng này.

Nhận xét về phát hiện của TS. Angel T.BautistaVII và cộng sự, TS. Nguyễn Hào Quang cho rằng, đây là nỗ lực của các nhà khoa học Philippines trong việc ghi nhận tích lũy phóng xạ iodine-129  theo thời gian. Tuy nhiên, việc coi đây là kết quả từ hoạt động hạt nhân của con người tại khu vực này vẫn chưa thuyết phục và cần có nhiều bằng chứng hơn.

Hiện tại, một trong những công việc quan trọng của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam là thúc đẩy hướng nghiên cứu và quan trắc phóng xạ môi trường, cả về thiết bị và năng lực nghiên cứu. “Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ với 11 điểm ban đầu từ Móng Cái đến Đà Nẵng hiện đang hoạt động liên tục. Các thông tin ghi nhận liên tục 24/24 đều được truyền trực tiếp về Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (VINATOM) để lưu trữ và xử lý. Trong quá trình này, chúng tôi vẫn chưa phát hiện thấy bất cứ dị thường nào”, TS. Nguyễn Hào Quang nói.  

——

1. https://businessmirror.com.ph/2020/12/08/radioactive-material-in-wps-corals-water-baffles-experts/?fbclid=IwAR1ssyVXm1UeCOhEVjHq6BZOD2_RRvIBWFbL9wGOgYhcX3YSNqWL1TGBF9o

2.https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0265931X16302521#!

Tác giả

(Visited 53 times, 1 visits today)