Vi nhựa trong trầm tích mặt ở cửa sông Ba Lạt

Cần thiết phải quan trắc mức độ ô nhiễm vi nhựa trong các loài thủy hải sản được nuôi trồng tại Việt Nam, đó là đề xuất của các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, ĐH Điện lực, ĐH Sư phạm Hà Nội sau khi thực hiện nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm vi nhựa tại cửa Ba Lạt, một trong bốn cửa sông của hệ thống sông Hồng.

Hoạt động khai thác thủy hải sản ở khu vực gần cửa sông Ba Lạt. Ảnh: laodong.com.vn

Ô nhiễm nhựa, trong đó có vi nhựa, là một trong những nguy cơ và thách thức của môi trường, kinh tế và xã hội toàn cầu. Người ta thấy vi nhựa trong những môi trường khác nhau như nước, trầm tích, đất, không khí và động vật, đặc biệt là những điểm nóng ô nhiễm khắp châu Á. Vi nhựa có thể tác động đến các loài thủy hải sản và sau đó là sức khỏe con người qua chuỗi thức ăn. Tại Việt Nam, gần đây vi nhựa là một chủ đề được nhiều nhà khoa học quan tâm, với nhiều nghiên cứu chủ yếu hướng vào hai môi trường nước và trầm tích. Qua đó, đã tìm thấy vi nhựa trên sông Sài Gòn, sông Đáy (một nhánh trong hệ thống sông Hồng), trong trầm tích các hồ ao Hà Nội cũng như trong hồ ao, ven biển khu vực lân cận.

Trong nghiên cứu này, PGS. TS. Lê Thị Phương Quỳnh (Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và cộng sự đã tập trung vào cửa sông Ba Lạt, nơi sông Hồng đổ ra vịnh Bắc Bộ giữa Giao Thủy (Nam Định) và Tiền Hải (Thái Bình). Hằng năm, Ba Lạt trải qua hai mùa là mùa mưa (tháng 5 đến tháng 10) và mùa khô (tháng 11 đến tháng 4 sang năm). Nhóm nghiên cứu lấy mẫu vào mùa khô tháng 11 và 12/2020 và mùa mưa tháng 8 và 9/2020 và chuyển về phòng thí nghiệm ngay trong ngày. Tại đó, các mẫu được xử lý, phân tích bằng kính hiển vi điện tử Olympus, FT-IR, phần mềm phân tích hình ảnh OLYMPUS  Stream, phần mềm phân tích phổ siMPle…

Kết quả cho thấy, lượng vi nhựa trong các mẫu trầm tích có ít nhất 800 hạt/kg (trầm tích khô), trong đó lượng vi nhựa trong mùa khô cao hơn mùa mưa nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng “các số liệu thống kê chưa cho thấy sự khác biệt đáng kể theo mùa”. Dẫu vậy, dưới kính hiển vi điện tử, họ đã quan sát được những thông tin hết sức phong phú về vi nhựa. Về hình dạng, các hạt vi nhựa trong trầm tích bề mặt chủ yếu là dạng sợi và mảnh, trong đó 94% là dạng sợi. Kích thước các vi nhựa dạng sợi phần lớn là trong phạm vi dưới  500  μm (chiếm 69%) còn màu sắc tập trung nhiều nhất ở ba màu xanh lam 36%), trắng 21% và đỏ 11%. Về thành phần, họ ghi nhận được năm dạng polymer là polypropylene (PP) – một loại nhựa nhiệt dẻo có độ cứng, dai và kết tinh và là thành phần chủ yếu trong các sản phẩm đồ gia dụng từ nhà bếp, phòng khách, không gian ngoài trời…; polyethylene  (PE) – một nhựa nhiệt dẻo khác được sử dụng rất phổ biến để làm ra các sản phẩm như ống nhựa, mút cứng, túi nhựa…; polyurethane (PU) – một loại polymer chuyên dùng để sản xuất bọt, vecni, lớp phủ, chất kết dính, các loại sợi như spandex…;   polyamide  (PA) – loại polymer tổng hợp có độ bền cao thường được sử dụng trong dệt may, công nghiệp ô tô, thảm, đồ dùng nhà bếp và quần áo thể thao…; polystyrene (PS) – nhựa nhiệt dẻo dùng để chế tạo vỏ thiết bị điện tử, điều hòa không khí, văn phòng phẩm, hộp xốp, đồ chơi lắp ráp, cốc sử dụng một lần, vật liệu cách nhiệt…

Các nhà nghiên cứu cho rằng, hệ thống sông Hồng có thể là nơi tập hợp nhiều loại vi nhựa từ các khu công nghiệp (mặc dù các nhà máy đều có hệ thống xử lý nước thải nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn vi nhựa); các làng nghề thủ công (dệt, nhuộm vải, tái chế đồ nhựa…); dùng thuốc trừ sâu, phân bón vô cơ trong trồng trọt…

Do có nhiều sinh vật sống trong trầm tích và có thể đi vào chuỗi thức ăn thông qua các loài thủy hải sản được nuôi trồng ở quanh cửa sông Ba Lạt, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh vào sự cần thiết quan trắc vi nhựa trong các loài thủy hải sản ở đây và cần có biện pháp để giới hạn vi nhựa phát thải vào môi trường.

Kết quả nghiên cứu được nêu trong “Microplastics  in  the  Surface  Sediment  of  the  main  Red  River Estuary” (Vi nhựa trong trầm tích mặt ở cửa sông chính của sông Hồng), xuất bản trên Vietnam Journal of Earth Sciences – một trong bảy tạp chí của Việt Nam lọt vào danh sách Emerging Sources Citation Index (ESCI) của Web of Science cũng như được chỉ mục vào nhiều hệ thống khác như GeoRef (Viện Khoa học địa chất Mỹ); NPI (Nauy), Scilit (Thụy Sĩ), Copernicus International; ASEAN Citation Index (ACI)…, kể từ năm 2020.□ 

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)