VIASM sơ kết hai năm hoạt động

Ngày 24/8, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) đã tổ chức hội thảo sơ kết hai năm hoạt động.

Đến dự có trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban điều hành Chương trình trọng điểm Quốc gia về phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020 Trần Quang Quý cùng đông đảo các cán bộ nghiên cứu đã và đang làm việc tại Viện, các nhà toán học lão thành, đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức và đơn vị đã hợp tác với Viện thời gian qua.


Khẳng định vai trò tạo môi trường học thuật đặc biệt


GS Lê Tuấn Hoa, Giám đốc điều hành VIASM, cho biết, sau hai năm hoạt động, VIASM đã khẳng định được vai trò và vị thế quan trọng của mình trong việc tạo môi trường học thuật đặc biệt cho các nhà khoa học, các giảng viên đại học thực hiện những ý tưởng, đề tài nghiên cứu toán học xuất sắc, hỗ trợ công tác đào tạo nhân tài, các hoạt động đào tạo đỉnh cao về Toán học.

VIASM đã đón hàng chục nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới đến làm việc, nhận 137 cán bộ nghiên cứu đến làm việc, trong đó có 40 nhà toán học là người nước ngoài hoặc người Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Đã có 21 công trình được công bố chính thức trên các tạp chí toán học quốc tế có uy tín và 69 công trình công bố dưới dạng tiền ấn phẩm có sự tài trợ toàn bộ hoặc một phần từ Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học.

“Hoạt động của Viện đều được các nhà toán học thế giới đánh giá cao. Nhiều người đã tự đăng ký đến Viện làm việc, và nhiều trường ở nước ngoài cũng bày tỏ mong muốn gửi khoảng 20 – 30 học sinh sang học”, GS Hoa cho hay.

VIASM cũng tổ chức được 17 khóa đào tạo ngắn hạn, các trường hè, trường xuân, bài giảng đại chúng đã được triển khai với số lượng hàng nghìn học viên mà đại đa số là sinh viên, nghiên cứu sinh đã tham dự.

Đặc biệt, VIASM đã tổ chức tám hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế về các chuyên ngành, lĩnh vực của toán học. Bên cạnh đó, VIASM còn tích cực hỗ trợ Ban điều hành Chương trình Toán trong việc triển khai các hoạt động của Chương trình như xét thưởng công trình toán học, cấp học bổng cho học sinh và sinh viên giỏi ngành toán, tổ chức các lớp bồi dưỡng học sinh và giáo viên THPT chuyên toán.

Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: Với hoạt động đa dạng, có điểm đột phá, VIASM đã trở thành địa chỉ hấp dẫn không chỉ đối với các nhà khoa học Việt Nam mà cả các nhà khoa học quốc tế. Từ những kết quả bước đầu này, Bộ Khoa học và Công nghệ đang cùng các bộ, ngành liên quan đang xây dựng chương trình tương tự đối với ngành Vật lý.

“Quỹ phát triển nguồn lực quốc gia sẽ tiếp tục các nguồn tài trợ cho nghiên cứu cơ bản, trong đó có lĩnh vực Toán học,” Bộ trưởng Quân nói.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý đề nghị: Trong thời gian tới, Viện cần tiếp tục đẩy nhanh những công việc liên quan đến xây dựng trụ sở; ổn định cơ cấu tổ chức; tổng kết 3 năm thí điểm cơ chế tài chính đặc thù để đưa ra cơ chế chính thức.

Được biết, trong hai năm qua, kinh phí đầu tư cho VIASM nghiên cứu cao cấp về Toán là 35,15 tỷ đồng (trong đó, năm 2011: 4,4 tỷ, 2012: 15 tỷ, 2013: 15,75 tỷ).

Hoạt động theo cơ chế đặc thù, vì vậy Viện vừa có cán bộ hợp đồng và khách mời – những người chỉ đến làm việc trong thời gian ngắn. Đến tháng 8/2013, trụ sở của VIASM đủ đáp ứng cho cùng một lúc 26 cán bộ, khách mời cùng nghiên cứu.

Khoa học phải phát triển từ nội lực và từ sự tò mò muốn được khám phá

Trong Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận vấn đề phát triển toán ứng dụng song hành với toán lý thuyết. Viện trưởng Viện đào tạo Quốc tế FPT Nguyễn Thành Nam bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với lãnh đạo VIASM và đánh giá cao những kết quả mà VIASM đã đạt được. Tuy nhiên, theo ông Nam, Toán học Việt Nam hiện rất xa rời thực tế, nếu các nhà Toán học ngồi chờ ứng dụng đến thì nó sẽ đi qua.

“Chúng tôi sẵn sàng chào đón các nhà Toán học đến doanh nghiệp, muốn ở bao lâu, cần cung cấp thông tin gì chúng tôi đều sẵn sàng đáp ứng”, ông Nam nói và góp ý, Viện Toán cao cấp cần nói rõ hiệu quả kinh tế đã làm được trong thời gian hoạt động để người dân hiểu rõ.

Vai trò của Toán học ứng dụng cũng được GS Phạm Kỳ Anh (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) đánh giá cao. Ông lấy ví dụ về cơn bão Chanchu năm 2006, các nhà khí tượng dự báo bão đổ vào đất liền và khuyên người có thuyền bè chạy ra ngoài biển để tránh. Nhưng cuối cùng dự báo sai và hơn 200 người thiệt mạng. Đến năm 2008, các đài cũng dự báo sai khi cho rằng mưa to gây ngập lụt ở Nam Định, còn lượng mưa ở Hà Nội thấp. Song thực tế, mưa to ròng rã khiến Hà Nội rơi vào trận lụt lịch sử.

Ông chia sẻ, mô hình mà các trung tâm dự báo khí tượng đang sử dụng là từ nước ngoài nhưng khi ứng dụng ở điều kiện của Việt Nam, dữ liệu không được đồng hóa. Mặt khác, mô hình nước ngoài nhưng lại chạy trên một chiếc máy có chất lượng kém nên sai sót là đương nhiên.

“Trong trường hợp này, toán học có vai trò rất quan trọng là đặt phương trình nhiệt động lực học phức tạp để tính toán, đồng hóa số liệu”, GS Kỳ Anh nói và đề xuất, toán học Việt Nam cần tập trung ứng dụng vào việc thiết thực như dự báo những hiện tượng liên quan đến thời tiết, điều hành các hồ chứa nước…

Phản hồi những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, quan niệm làm khoa học của người quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học rất khác nhau và không thể áp đặt lên nhau. Lãnh đạo Nhà nước thì luôn đưa ra những nghị quyết, mục tiêu và tiêu chí đánh giá số hóa để xem có hiệu quả hay không, còn doanh nghiệp muốn “tôi trả tiền cho anh, anh làm việc đó cho tôi”…

 “Tôi rất tiếc đó không phải là cách các nhà khoa học hoạt động, cũng không phải là cách khoa học phát triển từ lúc nhân loại hình thành đến bây giờ. Khoa học chưa bao giờ phát triển qua những hợp đồng cụ thể, giao việc và trả tiền. Khoa học phát triển chủ yếu từ nội lực của nó, như GS Nobel Vật lý Sheldon Glashow đưa ra một định nghĩa rất đơn giản về khoa học thuần túy, đó là nó phát triển từ nội lực, từ sự tò mò muốn được khám phá,” GS Châu nói.

Ông bày tỏ, vai trò của Viện là làm khoa học, phục vụ đất nước bằng cách nâng cao trình độ Toán học về mặt khoa học. Kết quả của khoa học không tính bằng số bài báo đăng trên tạp chí nước ngoài, không bằng doanh số. Điều quan trọng là các nhà khoa học trẻ khi làm việc ở Viện thu hoạch được những gì và các nhà khoa học nổi tiếng thế giới đánh giá hoạt động của Viện ra sao. “Những con số thuần túy không thể nói hết được,” GS Châu nói và khẳng định, đối với một cơ quan nghiên cứu, xét việc gì mình có thể làm tốt thì làm, không ôm đồm, không bao sân.

“Tôi hy vọng trong thời gian tới, những người làm toán ứng dụng và những ngành khác sẽ cùng với Viện triển khai một số nghiên cứu ứng dụng toán học trong phạm vi của viện, hoặc chương trình của quốc gia. Viện luôn mở cửa chào đón các nhà khoa học đến làm việc và giáo viên, học sinh đến học tập,” GS Châu nói.

TS tổng hợp

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)