Việt Nam- Argentina ký bản ghi nhớ hợp tác KH&CN

Lễ ký kết bản ghi nhớ về hợp tác KH&CN giữa Bộ KH&CN của hai nước Việt Nam và  Argentina đã diễn ra ngày 5/10 tại Hà Nội.

Ông Lino Baranao, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Argentina cho biết, tuy cách xa về địa lý và có nhiều khác biệt về văn hóa nhưng Việt Nam và Argentina có nhiều điểm tương đồng có thể phát triển quan hệ hợp tác. Hai bên đều có lợi thế về sản xuất nông nghiệp và lương thực nên có thể hỗ trợ nhau cùng phát triển trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Argentina còn có lợi thế về công nghệ vũ trụ và năng lượng nguyên tử. Đây cũng sẽ là những lĩnh vực mà Argentina có khả năng hợp tác với Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh, trong những năm qua hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và Argentina tuy đã đạt một số thành tựu nhất định nhưng còn chưa xứng với tiềm năng của hai quốc gia. Bản ghi nhớ được ký kết giữa hai Bộ lần này là một văn bản quan trọng đánh dấu mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực KH&CN giữa hai bên được nâng lên một tầm cao mới.

Thông qua bản ghi nhớ này hai bên sẽ xác định những lĩnh vực có thế mạnh, tiềm năng để tiến hành tiến hành hợp tác trong thời gian tới. Bộ trưởng hy vọng sau lễ ký kết, hai bên sẽ tổ chức những hội thảo khoa học để cùng nhau trao đổi tìm ra phương hướng hợp tác hiệu quả nhất.

Được biết, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Argentina đã ký Hiệp định khung về hợp tác khoa học và công nghệ (1997) và Hiệp định Hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình (2004). Một số hoạt động hợp tác về năng lượng hạt nhân đã được triển khai chủ yếu là trao đổi thông tin và trao đổi các đoàn chuyên gia. Năm 2005 Argentina đã cấp cho Việt Nam một số học bổng trong các lĩnh vực năng lượng nguyên tử, công nghệ sinh học và quản lý khoa học và công nghệ.

Đặc biệt, hai Bên đã tổ chức kỳ họp lần thứ hai Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam Argentina vào tháng 5/2009. Hai bên đã thống nhất đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cụ thể là nghiên cứu khả năng xây dựng một chương trình hành động chung cho các dự án nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực: công nghệ sinh học, dược, nông nghiệp thực phẩm, công nghệ nano, công nghệ thông tin, truyền thông và năng lượng tái tạo.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)