Việt Nam sản xuất thành công nhiều thiết bị tên lửa

Thời gian qua, quân đội Việt Nam đã nghiên cứu thành công sản phẩm thỏi nhiên liệu hỗn hợp cho động cơ tên lửa phòng không; khối điện tử kiểu 9P516 tổ hợp tên lửa Igla, và cải tiến thành công tổ hợp tên lửa Petrota C125.

Các cán bộ khoa học của Viện Thuốc phóng Thuốc nổ (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) vừa nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm thành công sản phẩm thỏi nhiên liệu hỗn hợp cho động cơ hành trình tên lửa phòng không tầm thấp.

Sản phẩm đã thử nghiệm ở tất cả các hạng mục; tổ chức nghiệm thu theo tài liệu thiết kế.

Đây là sản phẩm của đề tài nghiên cứu cấp Bộ Quốc phòng do Đại tá Nguyễn Hướng Đoàn, Phó viện trưởng Viện Thuốc phóng Thuốc nổ làm chủ nhiệm.

Theo Đại tá Nguyễn Hướng Đoàn, nhiên liệu tên lửa rắn hỗn hợp là một trong những sản phẩm công nghệ cao. Hiện nay, số quốc gia làm chủ được công nghệ chế tạo nhiên liệu rắn hỗn hợp không nhiều.

Năm 2009, Viện Thuốc phóng Thuốc nổ lần đầu tiên chế thử thành công thỏi nhiên liệu hỗn hợp bằng nguồn vật tư nhập ngoại trên hệ thiết bị quy mô nhỏ, do cán bộ nghiên cứu của Viện thiết kế. Tuy nhiên, sản phẩm khi đó chưa được thử nghiệm đầy đủ ở các hạng mục như: thử nghiệm môi trường xốc nhiệt, thử nổ hoàn toàn…

Trong giai đoạn nghiên cứu này, nhóm tác giả đã hoàn thiện công nghệ chế tạo sản phẩm, nâng cao công suất dây chuyền sản xuất, thử nghiệm đánh giá đầy đủ các tính năng ở các hạng mục thử nghiệm. Điều đặc biệt quan trọng là Viện đã nội địa hóa được một số vật tư có thể đảm bảo bằng nguồn cung cấp ở trong nước.

Việc nghiên cứu thành công thỏi nhiên liệu rắn hỗn hợp ở trong nước có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, giúp làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo và nội địa hóa được các chi tiết khó, phức tạp, không chỉ của tên lửa phòng không tầm thấp, mà còn cho các loại tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu rắn khác trong tương lai.

Trước đó, các cán bộ khoa học thuộc Viện Tên lửa, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự-Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công khối điện tử kiểu 9P516.

Đây là thành phần chính của cơ cấu phóng 9P516 tổ hợp tên lửa Igla, có chức năng chuẩn bị phóng và phóng tên lửa Igla tại trận địa.

Theo Đại tá Đỗ Tuấn Cương, Trưởng phòng Ứng dụng kỹ thuật tên lửa, Viện Tên lửa, tác giả đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo khối điện tử kiểu 9P516 tên lửa Igla”, nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ và chế tạo được 6 bộ khối điện tử đạt tiêu chuẩn kỹ thuật nước ngoài; đã chuyển giao cho các nhà máy trong nước tổng lắp thành cơ cấu phóng.

Các tác giả cũng đã hoàn thành tài liệu thiết kế, tài liệu công nghệ chế tạo khối điện tử phù hợp với điều kiện tay nghề cán bộ kỹ thuật, công nhân Việt Nam.

Trên cơ sở làm chủ công nghệ, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu cải tiến, nội địa hóa khối điện tử kiểu 9P516. Kết quả, 2/4 bảng thuộc khối điện tử đã được nội địa hóa hoàn toàn (sản xuất từ vật tư, linh kiện trong nước), qua thử nghiệm tương thích và hoạt động tốt cùng các bảng nguyên mẫu trong cơ cấu phóng; 2 bảng còn lại đang được nghiên cứu theo hướng sử dụng linh kiện trong nước kết hợp với nước ngoài, bước đầu cho kết quả tốt.

Việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công khối điện tử kiểu 9P516 có ý nghĩa thực tiễn cao, giúp làm chủ công nghệ, chủ động nguồn linh kiện, vật tư; giảm phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật và khả năng SSCĐ.

Tháng 9/2014, Quân chủng PKKQ cũng đã tổ chức bắn nghiệm thu thành công giai đoạn 2 Dự án cải tiến tổ hợp tên lửa Petrora C125 (C125-2TM).

Mục tiêu của Dự án cải tiến tổ hợp tên lửa C125-2TM là cải tiến tăng khả năng bám bắt mục tiêu của tên lửa, giảm thời gian triển khai, thu hồi khí tài, đặc biệt là khả năng chống nhiễu phức tạp.

Kết quả của dự án cải tiến tổ hợp tên lửa C125-2TM sẽ làm nền tảng hiện đại hóa một số loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện có trong biên chế của Quân chủng PK-KQ, đáp ứng yêu cầu tác chiến phòng không hiện đại, phù hợp với nghệ thuật quân sự và cách đánh của lực lượng phòng không Việt Nam.

Đến nay, lực lượng kỹ thuật của Quân chủng PK-KQ đã huấn luyện chuyển giao công nghệ tự thực hiện cải tiến tổ hợp tên lửa phòng không C125-2TM đến mức tự giám định kỹ thuật, xác định khuyết tật và sửa chữa, khôi phục, tăng hạn sử dụng đạn tên lửa phòng không.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)