Việt Nam tham gia đoàn công tác của IAEA giám sát việc xử lý nước tại Nhật Bản
Từ ngày 14 đến 18/2/2022, đoàn công tác của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tới làm việc tại Nhật Bản để xem xét sự an toàn của kế hoạch xả nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra bờ biển phía Đông quốc gia này.
TS. Nguyễn Hào Quang (bên trái) và các thành viên trong nhóm nghiên cứu đánh giá phát tán phóng xạ tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Nguồn: Viện NLNTVN
Trong thành phần đoàn công tác IAEA, gồm 11 thành viên do ông Gustavo Caruso, giám đốc Bộ phận An toàn và an ninh hạt nhân IAEA, làm trưởng đoàn, có một chuyên gia Việt Nam là TS. Nguyễn Hào Quang (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam). Các thành viên còn lại là những chuyên gia của các bộ phận chuyên môn, phòng thí nghiệm của IAEA cũng như 10 chuyên gia độc lập có năng lực được ghi nhận ở tầm quốc tế ở nhiều chuyên ngành hẹp khác nhau từ Argentina, Australia, Canada, Trung Quốc, Pháp, đảo Marshall, Hàn Quốc, Nga, Anh, Mỹ.
Đây là chuyến làm việc trực tiếp đầu tiên tại Nhật Bản của đoàn công tác IAEA về nước đã qua xử lý của nhà máy Fukushima. Đợt làm việc này bao gồm những cuộc thảo luận kỹ thuật tại Tokyo và tới thực địa tại địa điểm từng xảy ra tai nạn năm 2011. Tại đây, các thành viên đoàn công tác IAEA sẽ quan sát sự vận hành của quá trình lưu trữ và xử lý nước thải, vốn được bảo quản trong các thùng chứa từ hơn 10 năm nay 1.
Không phải ngẫu nhiên mà TS. Nguyễn Hào Quang được mời tham gia đoàn công tác. Từ nhiều năm nay, anh đã là một chuyên gia giàu kinh nghiệm về phóng xạ môi trường của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Gần đây nhất, anh là chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, đánh giá khả năng phát tán và ảnh hưởng của phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân Cảng Phòng Thành và Xương Giang đến Việt Nam” (KC.05/16-20), một nghiên cứu có nhiều công bố quốc tế và đào tạo được ba nghiên cứu sinh 1. Do đó, anh có mặt trong danh sách các chuyên gia phóng xạ môi trường quốc tế và được đích thân ông Gustavo Caruso phỏng vấn lựa chọn. IAEA cũng cho biết, việc lựa chọn các thành viên dựa vào vai trò của họ trong lĩnh vực chuyên môn hẹp, được IAEA quản lý và báo cáo với Tổng giám đốc.
“Theo kế hoạch, đoàn công tác sẽ kiểm tra phương án xả thải của Fukushima Daiichi để xem có đáp ứng chuẩn mực của IAEA về xử lý nước thải phóng xạ hay không, đồng thời rà soát phương án lưu trữ và xử lý của công ty điện lực Tokyo (TEPCO) xem có đảm bảo mức độ an toàn theo quy định không”, anh nói trước lúc lên đường. “Sau đó, đoàn sẽ được nghe TEPCO trình bày phương án này của mình”. Những yếu tố chính về an toàn hạt nhân mà đoàn công tác IAEA kiểm tra là đặc điểm phóng xạ của nước qua xử lý; các khía cạnh liên quan đến an toàn của quá trình xử lý nước; việc giám sát môi trường liên quan đến xả thải; đánh giá tác động phóng xạ môi trường liên quan đến đảm bảo an toàn người dân và môi trường; việc kiểm soát điều hành quá trình xử lý, bao gồm cơ quan pháp quy, thanh tra, đánh giá… Do đó, đoàn công tác IAEA sẽ có buổi làm việc với Cơ quan pháp quy hạt nhân Nhật Bản (NRA) cũng để rà soát lại phương án quản lý nước thải hạt nhân Fukushima Daiichi.
Trên trang web của mình, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng thông báo về chuyến làm việc này của IAEA, đồng thời cho biết, chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực để tăng cường hiểu biết về quá trình lưu trữ và xử lý nước thải từ nhà máy điện hạt nhân trong cộng đồng quốc tế thông qua việc đảm bảo an toàn của nước xử lý bằng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (Advanced Liquid Processing System ALPS) ) – theo IAEA, ALPS sẽ giúp loại nhân phóng xạ chứa tritium – cũng như sự tin cậy và minh bạch của việc áp dụng quá trình này 3.
Vào tháng 4/2021, Nhật Bản đã loan báo về chính sách cơ bản với việc xả thải nước đã qua xử lý ra biển, vốn đã được cơ quan quản lý pháp quy độc lập chấp thuận. Kế hoạch này cũng nhận được sự hỗ trợ của IAEA để đảm bảo đạt các tiêu chuẩn an toàn quốc tế, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và môi trường. Trên trang web của IAEA, tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi cho biết, IAEA sẽ trực tiếp xem xét và hỗ trợ Nhật Bản trước, trong và sau quá trình xả nước thải, một quá trình đã được lập kế hoạch từ gần hai năm trước khi loan báo chính sách này.
Những kết quả này sẽ được công khai và sau đó được biên soạn trong một báo cáo đầy đủ về sự an toàn của nước xả trước khi Nhật Bản tiến hành xả thải. Vào ngày 18/2, ngày cuối của chuyến công tác, trưởng đoàn IAEA sẽ có buổi họp báo trực tuyến với báo giới Nhật Bản và quốc tế.
Nhấn mạnh vào tầm quan trọng của đoàn công tác IAEA với những nhà khoa học hàng đầu thế giới và chuyên gia trong các lĩnh vực về an toàn và an ninh phóng xạ, Tổng giám đốc Grossi cho biết, công việc của đoàn sẽ cho thấy việc kiểm tra, xem xét của IAEA dựa trên cơ sở khoa học, tin cậy và khách quan, qua đó giúp truyền tải một thông điệp của sự minh bạch với người dân Nhật Bản và quốc tế. “Đoàn công tác IAEA sẽ đóng vai trò quyết định trong việc giám sát và kiểm tra sự thi hành của Nhật Bản với kế hoạch xả thải nước đã qua xử lý”, ông phát biểu trên trang web của IAEA. “Đoàn công tác sẽ giúp xác minh nước xả thải thực sự an toàn trước khi thực hiện. Điều này sẽ giúp đảm bảo an toàn cho người dân Nhật Bản và bất cứ nơi nào trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia láng giềng”.
————————-
1. http://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Neu-co-phat-tan-phong-xa-Ung-pho-theo-cach-nao–28296
3. https://www.mofa.go.jp/press/release/press3e_000315.html