Viết như một nhu cầu sám hối và hòa giải

Như thế nào là một cuốn sách lớn? Và nhà văn liệu có thể làm được gì cho nơi chôn rau cắt rốn của anh ta? Và cho chính anh ta? Nhất là khi chính anh ta đang trong thân phận của một kẻ lưu đày, một người di cư, một kẻ bị đào rễ khỏi môi trường ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Cuốn tiểu thuyết của Khaled Hosseini mang đến những câu trả lời nhẹ nhàng và khiêm nhường nhưng không kém phần sâu sắc cho những câu hỏi ấy.

Người đua diều của Khaled Hosseini mang người đọc đến với một miền đất gần như bị lãng quên của nhân loại: Afghanistan. Có phải là phi lí không khi nói đây là một vùng đất bị lãng quên? Có tuần lễ nào mà xứ sở này không xuất hiện trên mục thời sự của thông tin đại chúng. Và có ai thường xuyên xem truyền hình hay lướt web mà không biết rằng đó là vùng đất của Taliban, là nơi mà người ta cho nổ các pho tượng Phật, là nơi mà lâu lâu lại có một vụ đánh bom cảm tử. Nhưng liệu tất cả những điều ấy có phải là một cái Biết đích thực về một xứ sở? Có phải Afghanistan chỉ có vậy? Khaled Hosseini dựng lên hình ảnh đất nước của ông, từ những năm tháng cuối cùng dưới triều đại quân chủ cuối thập niên 70 của thế kỉ trước cho đến chi Liên quân đánh bại Taliban. Nó không khác. Cũng tàn khốc, khủng khiếp, một cách không che dấu. Nhưng nó sâu sắc, đầy đủ hơn (và đúng hơn?) tất cả những gì mà truyền thông vẫn nói. Bởi nó là một cái nhìn từ bên trong. Qua số phận của một con người.
 

Thực ra thì Người đua diều mang dáng dấp của một tự truyện-hư cấu (auto-fiction), một thể loại đã làm nên những Ernest Hemingway, Henry Miler, Patrick Modiano, George Pérec và nhất là Marguerite Duras. Nhân vật chính của cuốn truyện– Amir –  mang bóng dáng của chính tác giả. Anh ta cũng là một người Mỹ gốc Afghanistan, cũng từng có một thời tuổi thơ, dẫu không dài, trong một xứ sở Afghanistan thuở còn thanh bình dưới thời quân chủ, cũng từng yêu văn chương và viết văn từ nhỏ. Nhưng đến đây thì câu chuyện lật sang một ngã rẽ. Không chỉ hài lòng với cuộc đời của một anh bác sĩ viết văn, người cha của hai đứa trẻ mà mỗi chuyến trở về Afghanistan là một cuộc phiêu lưu kinh khủng đến mức bất khả (chính Hosseini đã từng thú nhận như thế trong một cuộc phỏng vấn), nhà văn đẩy lôgích hư cấu của mình đến tận cùng. Ông dựng lên những khung cảnh nối tiếp nhau, từ một nước Afghanistan êm đềm nhưng hàm chứa những mục ruỗng như căn bệnh ung thư thời quân chủ; một khung cảnh dữ dội và tàn bạo khi người Nga hiện diện; những cảnh u buồn của những kẻ tha hương trong những khu chợ trời ở Mỹ và cái khủng khiếp của thời Taliban với những buổi xử án man rợ như kiểu thời Trung cổ, Đói, Cái chết, Bạo hành, U tối hiện diện ở khắp mọi nơi. Dưới ngòi bút của ông, nhân vật chính, Amir, trở thành một kẻ phải chịu khổ nạn. Nó là một đứa trẻ có số mệnh lạ kì : mới sinh ra đã mang nỗi đau mất mẹ, yếu ớt bẩm sinh và bị cầm tù trong những khát vọng của cha. Tuổi thơ của Amir trôi qua êm đềm một cách cay đắng trong tình bạn với đứa trẻ con người quản gia, Hassan. Hassan là người bao bọc nó, che chở nó. Hassan là tất cả những gì mà cha của Amir mơ ước. Hassan là hình ảnh đối lập với Amir, là tất cả những gì mà nó không có và âm bản của những gì nó có: nghèo, bị khinh bỉ, thuộc một chủng tộc hạ đẳng. Và Hassan cũng là một trò đùa của số phận. Chỉ đến rất lâu sau này, khi đã trưởng thành, Amir mới biết rằng Hassan chính là người anh em cùng cha khác mẹ của chính anh. Lôgích hư cấu của nhà văn trở thành tàn nhẫn khi ông bắt đứa trẻ mới hơn 10 tuổi phải trải qua những trải nghiệm kinh khủng nhất ngay cả với một người đã trưởng thành: nỗi cô độc, sự ghen tị, nỗi xấu hổ vì bất lực khi chứng kiến người bạn thân thiết nhất của mình bị hãm hiếp mà bản thân phải quay mặt vì yếu đuối và sợ, sự phản bội bằng dối trá để chiếm đoạt trọn vẹn tình yêu thương của cha bằng cách đuổi Hassan khỏi nhà. Trải nghiệm khủng khiếp nhất mà đứa trẻ này phải trải qua là trải nghiệm về tội lỗi. Nó sẽ đeo đuổi anh suốt cả cuộc đời cho đến cả khi đã trốn chạy khỏi nơi chôn rau cắt rốn đau khổ của mình. Và hình như nhân vật cũng trở thành nơi giải tỏa những mặc cảm của chính nhà văn với tổ quốc mình. Amir (chứ không phải là Hosseini) sẽ phải quay trở lại với mảnh đất tuổi thơ của mình, đối diện với cái chết để một lần, đối diện với tội lỗi của chính mình và tìm sự cứu chuộc trong hiểm nguy đánh đổi bằng tính mạng để cứu đứa con của Hassan khỏi bàn tay của tử thần.
Người đua diều đẹp một cách quyến rũ và tàn bạo với những trang miêu tả một nước Afghanistan mà nhiều phương diện đời sống, từ cấu trúc xã hội, phong tục tập quán, tôn giáo, văn chương, tư tưởng cũng như những biến cố lịch sử còn bị che khuất. Nhưng trên hết, nó là một cuốn tiểu thuyết phảng phất một ý hướng triết lí. Đằng sau dòng chảy của tự sự là một câu hỏi đầy day dứt: cái ác bắt đầu từ đâu? Và kì lạ thay, câu trả lời của nhà văn là: ma quỷ ở chính lòng ta. Nói rằng lịch sử, xã hội và nền văn hóa làm nên con người, điều ấy không khó và quả thật không sai. Nhưng dường như còn có một thứ cái ác khác, cái ác tự bẩm sinh, cái ác được biểu hiện ngay từ hành xử của những đứa trẻ trong một khu phố, một thứ thiên hướng kinh khủng hướng tới sự chà đạp kẻ khác và bạo hành. Cái ác ấy gần như là một thứ bản chất bất khả biến cải của con người mà lịch sử và những cuộc cách mạng chỉ làm cho nó trở thành cô đặc lại, mạnh mẽ hơn, khủng khiếp hơn. Có thể nói những trang viết về đám trẻ con cái của những người thượng lưu sống quanh Amir thời “tiền chiến” là những trang văn tuyệt đẹp với một suy tư triết lí sâu sắc.
Song hành cùng với câu hỏi về cái ác là câu hỏi về nỗi đau khổ và sự giải thoát. Đứa trẻ của Hosseini phải chịu đựng tất cả những thử thách có tính bản thể của một kiếp người. Nó phải chứng kiến sự sỉ nhục và bạo hành dẫu không phải là với chính nó, nó phải cảm nhận sự bất lực của chính mình và cảm nhận những giới hạn của chính mình. Tất cả những điều đó giúp phơi bày cái bản chất hữu hạn của tồn tại người. Trong cái hữu hạn ấy, con người có thể sa vào tội lỗi và tội lỗi là cội nguồn của nỗi đau khổ. Một nỗi đau khổ cũng rất người: đau khổ vì ân hận. Con người ở đây là nạn nhân của chính mình, nói chính xác hơn, của chính sự hữu hạn bản thể của mình. Và như vậy thì con đường giải thoát con người khỏi nỗi đau khổ, không đâu khác, chỉ là quay trở lại, đối diện với chính cái hữu hạn ấy, đối diện với tội lỗi của chính mình và tìm sự hóa giải bằng một hành vi đảm đương trách nhiệm dẫu có thể phải trả giá bằng chính tính mạng. Đó chính là con đường mà nhân vật chính đã trải qua. Amir quay trở lại Afghanistan, đối diện với chính đứa bạn cùng khu phố nay đã trở thành một con quỷ Taliban để cứu đứa con của Hassan, đứa trẻ cũng đang phải chịu những đau khổ mà bố nó đã từng phải chịu: bị hãm hiếp và sỉ nhục bởi chính kẻ đã từng hãm hiếp bố nó. Và một lần nữa, anh ta lại được chính đứa con của người anh em, người bạn thời thơ ấu che chở. Như một thứ vòng luân hồi quái gở của định mệnh. Nhưng lần này anh hóa giải được đau khổ, vì dám đối diện với chính mình và vượt qua chính mình.
Cuốn tiểu thuyết của Hosseini là một thứ truyện lồng trong truyện. Nó là câu chuyện về một dân tộc thể hiện qua cuộc đời của một con người. Nó có tính ẩn dụ. Có lẽ đằng sau câu hỏi mang mầu sắc triết lí về nỗi đau khổ của con người là câu hỏi về nỗi đau khổ của một dân tộc. Cái gì đã khiến Afganistan đắm chìm trong chiến tranh và nỗi thống khổ? Phải chăng vì dân tộc này bị lịch sử lựa chọn một cách bất công là nơi va chạm của những siêu cường? Hay vì một cái gì khác? Nhà văn có một câu trả lời độc đáo cho tất cả những câu hỏi đó. Nếu như những đau khổ của nhân vật bắt nguồn từ chính cái bất toàn của anh ta, từ sự yếu đuối của chính anh ta thì sự đau khổ của một dân tộc cũng bắt đầu từ chính những bất toàn của dân tộc đó. Ông nhìn ra cái ung nhọt của một xã hội ngay trong trạng thái bình yên xa xưa của nó, trước những cuộc chiến tranh: sự cuồng tín tôn giáo, bản tính cực đoan mà ở một mặt là tinh thần phóng khoáng, yêu tự do, kiên cường nhưng mặt bên kia là sự tàn bạo không thương tiếc, sự bất bình đẳng giữa người với người, khi mà loại người này có được cái quyền là người mà loại người khác phải cam chịu thân phận bị hãm hiếp và bị sỉ nhục như một đương nhiên. Xã hội ấy cần phải được thay đổi. Nó cần những cuộc cách mạng nhưng những cuộc cách mạng khi thiếu sự bao dung, khi không được phát khởi tự bên trong mỗi con người để hóa giải những mâu thuẫn kinh khủng và phi nhân nhất của chính dân tộc ấy thì cách mạng nhanh chóng trở thành cơn ác mộng của sự cuồng tín. Một tư tưởng phảng phất mầu sắc của chủ nghĩa Tolstoi! Nó có thể bị coi là không tưởng, nhưng có lẽ, cùng với lịch sử, nó sẽ đúng!
Cuốn tiểu thuyết của Hosseini là một ví dụ khiêm nhường về một cuốn sách lớn. Nó lớn bởi lẽ dám đối mặt với những vấn đề cơ bản nhất của một dân tộc và của con người. Vấn đề về cái ác, nỗi đau khổ và sự giải thoát. Bởi thế, nó có cái đẹp của sự thiêng liêng tôn giáo, trong một hình thức cổ điển nhất. Nó lớn bởi lẽ tác giả của nó dám đối diện với chính mình và vượt qua chính mình bằng cách đẩy đến tận cùng lôgích của sự hư cấu, dẫu tàn bạo và đau đớn. Nó lớn bởi thông qua câu chuyện về cuộc đời của một con người, tác giả đã thể hiện được khả năng đối diện với tính phức tạp không thể quy giản của đời sống và tìm cho tính phức tạp ấy một ý nghĩa mà không hề viện đến con đường của sự đơn giản hóa. Cuốn sách nói với chúng ta rằng một nhà văn có thể tìm đến với nhân loại bằng cách đối diện với chính sự thật về dân tộc của anh ta, một sự thật trần trụi nhất và tàn nhẫn nhất, thông qua cuộc đời của một con người, một con người bình thường. Đó cũng chính là cách mà nhà văn đảm đương trách nhiệm với chính dân tộc của mình. Ở ý nghĩa ấy, phải chăng nó cũng là một gợi ý cho chính những nhà văn Việt Nam?
Théodore Adorno từng có lúc thốt lên rằng: “Sau Auswitch, làm sao còn có thể làm được thơ trữ tình”. Quả tình rằng đôi khi đời sống dạy cho chúng ta rằng trước sự trần trụi của nỗi thống khổ thì ca ngợi một bông hoa đẹp hay một “con nai vàng ngơ ngác” là một sự tàn nhẫn và vô luân bởi nó quay lưng lại với nỗi thống khổ. Nhưng Khaled Hosseini lại cho chúng ta thấy một điều rằng, sau Auswitch và sau cả những “Auswitch phẩy” của thế kỉ cuồng dại vừa qua, trữ tình vẫn cứ là cần thiết. Khi nó là trữ tình về chính cái ác và nỗi thống khổ. Và đó phải chăng cũng là một bài học?

Lương Xuân Hà

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)