Việt-Nhật thảo luận về nhân lực ngành bức xạ và NLHN

Cuộc họp Ban chỉ đạo hợp tác phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bức xạ và năng lượng hạt nhân giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Vinatom) và Cơ quan năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA) lần thứ 15 vừa qua đã diễn ra tại Hà Nội.

Tham dự buổi họp, về phía Vinatom có TS. Cao Đình Thanh, Phó Viện trưởng; TS. Nguyễn Tuấn Khải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân (Viện KHKTHN); TS. Vương Thu Bắc, Phó Giám đốc Trung tâm quan trắc phóng xạ và đánh giá tác động môi trường (Viện KHKTHN); ThS. Lê Đại Diễn, ThS. Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo hạt nhân; về phía JAEA có ông Akihide Hidaka, Trung tâm phát triển nguồn nhân lực hạt nhân; ông Tsutomu Irie, Trung tâm hợp tác quốc tế và đối tác công nghiệp, văn phòng Tsuruga.

Tại buổi làm việc, ông Akihide Hidaka đã trình bày về thực trạng và chính sách về điện hạt nhân của chính phủ Nhật Bản kể từ sau khi tai nạn Fukushima xảy ra vào hồi tháng 3/2011, và khung chương trình hợp tác phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân giữa JAEA với các tổ chức nước ngoài thông qua các chương trình đào tạo.

Ông Hidaka cũng cho biết, kể từ sau tai nạn Fukushima, chính sách cũng như chiến lược về điện hạt nhân của Nhật Bản có nhiều biến động. Chính phủ Nhật Bản đã ra lệnh ngừng hoạt động tất cả các nhà máy điện hạt nhân, không cấp phép xây dựng thêm bất kỳ nhà máy điện hạt nhân nào, tạm ngừng kế hoạch xuất khẩu điện hạt nhân. Đặc biệt sau bài học về tai nạn Fukushima, Nhật Bản đã có những thay đổi mạnh mẽ trong cơ cấu cơ quan pháp quy hạt nhân và đề ra các bộ tiêu chuẩn an toàn mới khắt khe hơn đối với lĩnh vực điện hạt nhân. Mới đây, vào ngày 11/08/2015 Nhật Bản đã chính thức cho tái khởi động tổ máy số 1 của nhà máy điện hạt nhân Sendai, sau khi tổ máy này đã vượt qua các yêu cầu khắt khe trong quá trình kiểm tra để trở thành tổ máy đầu tiên được tái khởi động.

Được thành lập năm 1956, JAEA ngoài việc hỗ trợ đào tạo nghiên cứu trong nước còn hợp tác sâu rộng với các tổ chức – cơ quan nước ngoài cũng như tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế thông qua các chương trình phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử như: chương trình đào tạo cán bộ giảng dạy (Instructor Training Program – ITC), khóa học đào tạo nâng cao tiếp sau ITC (Following-up Training Course – FTC)… để hỗ trợ các nước trong đó có Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Ông Tsutomu Irie cho biết thêm, ý nghĩa của các chương trình này là cung cấp các kiến thức cơ bản và chuyên sâu cho các học viên để họ truyền đạt lại các kiến thức đã học được cho đồng nghiệp.

Các cán bộ của Vinatom cũng nêu lên những kế hoạch đào tạo nhân lực trong khuôn khổ chuyên môn của mình: ông Bùi Đăng Hạnh nêu tổng quan về kế hoạch phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam; ông Lê Đại Diễn trình bày kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; ông Vương Thu Bắc đã báo cáo tình hình hợp tác phát triển nguồn nhân lực năm 2014 và kế hoạch hợp tác hai năm 2015, 2016; ông  Nguyễn Tuấn Khải trình bày về phương pháp Caravan và một số yêu cầu hợp tác từ phía Việt Nam để triển khai phương pháp này trong thực tế nghiên cứu.

Vinatom và JAEA đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và bức xạ. Nguồn: Vinatom.

Tại buổi họp các đại biểu của hai bên đã thảo luận về vấn đề phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và bức xạ và đề xuất những định hướng mới trong  hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa hai bên.

Kết thúc buổi họp, Vinatom và JAEA đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và bức xạ trong thời gian tới với những đề xuất mới với mục đích ngày càng thúc đẩy và mở rộng sự hợp tác giữa hai bên.

 

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)