Vinatom: Tăng cả công bố quốc tế và doanh thu
Với số lượng công bố quốc tế tăng 61% và doanh thu tăng 40%, năm 2016 đã đánh dấu sự phát triển quan trọng của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam ở hai lĩnh vực, nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật, sản xuất, dịch vụ.
Khai trương dây chuyền chiếu xạ mới ở Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. Ảnh: Báo Công thương
Lễ tổng kết hoạt động năm 2016 và phương hướng hoạt động năm 2017 của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Vinatom) diễn ra ngày 24/12 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc tới dự và phát biểu ý kiến.
Công bố quốc tế tăng 61%
Theo báo cáo của Vinatom, năm 2016 đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt về công tác nghiên cứu: công bố quốc tế tăng 61% so với năm 2015 với 36 bài, trong đó 21 bài xuất bản trên các tạp chí có hệ số IF cao. Ba viện thành viên dẫn đầu về công bố quốc tế của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam là Viện Nghiên cứu hạt nhân 10 công bố ISI, Viện KH&KT hạt nhân và Viện Công nghệ xạ hiếm 8 công bố ISI, qua đó tạo thành “thế kiềng ba chân” trong nghiên cứu như cách gọi của TS. Trịnh Văn Giáp, Viện trưởng Viện KH&KT hạt nhân. 5/6 công bố được Vinatom trao giải A của năm đều do các nhà nghiên cứu xuất sắc thuộc ba viện này thực hiện. Tinh thần nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu cũng xuất hiện ở một số đơn vị nhỏ như Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ Vinagamma. Dù gặp một số “sóng gió” trong công tác tổ chức điều hành, Trung tâm vẫn có bốn công bố quốc tế và một nghiên cứu hợp tác với Viện Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA.
Nhận xét về tiến bộ này, GS Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Viện trưởng Vinatom, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, cho rằng, đây là cố gắng của tập thể lãnh đạo và các nhà nghiên cứu “từ trong nam ra ngoài bắc đã làm việc rất tốt”. Ông cũng chia sẻ những nỗ lực mà mình đã thực hiện để góp phần đưa tiêu chí công bố quốc tế trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các nhà nghiên cứu, “từ những năm 2000, tôi là một trong những người đầu tiên lên tiếng làm khoa học phải có công bố quốc tế, liên tục đấu tranh trong một thời gian dài, ban đầu tôi bị chỉ trích rất nhiều…”. Ông cũng thừa nhận, những khó khăn mà ông vấp phải trong quá trình “đấu tranh” về công bố quốc tế cũng xuất hiện cả trong “Viện ta” và tình hình “chuyển biến rất chậm, trừ ngoài Bắc”. Vì vậy, ông vui mừng trước kết quả đạt được năm 2016 của Viện, “giờ thì điều đó đã khác, Viện [Nghiên cứu hạt nhân] Đà Lạt có rất nhiều công bố trong năm vừa qua, mặc dù chắc là ở đâu đó chất lượng vẫn còn điều này điều kia, nhưng không sao cả, bởi vì cuối cùng anh em cũng nhận được ra rằng, làm khoa học và có công bố quốc tế là lẽ sống”.
Để những công bố quốc tế này thêm ý nghĩa, GS Phạm Duy Hiển cho rằng, lãnh đạo Vinatom cũng cần có đánh giá xác đáng về đóng góp khoa học của các công bố do cán bộ của Viện thực hiện, “ban lãnh đạo viện nên chú ý chọn lấy một vài điểm mấu chốt như năm vừa qua, [các công bố này] đóng góp được gì, qua đó [có thể thấy] thấy ta lớn thêm đến mức nào, mà cái làm ta lớn đó là ý nghĩa, hiệu quả của những công bố đó”. Theo giáo sư, công tác chọn lọc và đánh giá hiệu quả nghiên cứu này sẽ góp phần đem lại cho Viện “thực sự là địa chỉ của khoa học”.
Liên kết với doanh nghiệp
Trong năm 2016, một trong những thành công của Vinatom là đạt mức doanh thu trên 183 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2015, chủ yếu từ các nguồn dịch vụ chiếu xạ; an toàn bức xạ; dịch vụ phân tích, môi trường và định liều cá nhân; sản xuất đồng vị phóng xạ, dược chất phóng xạ; dịch vụ về đánh giá không phá hủy… Nhận xét về kết quả này, GS Phạm Duy Hiển cho rằng, “một số ứng dụng hiện nay, ví dụ như ở Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ là bắt nguồn từ những nghiên cứu từ lúc sơ khai của lò phản ứng Đà Lạt thực hiện trên thiết bị nghiên cứu do IAEA hỗ trợ kinh phí (18.000 USD), sau đó đã mở ra rất nhiều hướng nghiên cứu ở Đà Lạt”. Khiêm tốn nhận rằng, những ứng dụng hiện nay mà Vinatom đang triển khai tuy không phải là hệ quả trực tiếp của các nghiên cứu ở Đà Lạt nhưng GS Phạm Duy Hiển nhấn mạnh, việc khai thông các hướng đi này từ Đà Lạt cho thấy “từ nghiên cứu khoa học, chúng ta đã làm ra sản phẩm ứng dụng, qua đó giúp xác nhận được vị thế của ngành năng lượng nguyên tử trong nền kinh tế xã hội. Tất cả những cái đó đều bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học, theo cách này hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp”. Vì vậy giáo sư nhấn mạnh, để có ứng dụng tốt “chúng ta đừng quên tổ chức tốt công tác khoa học, thế hệ ngày nay phải tiếp tục đưa các nghiên cứu khoa học để có được những thành tựu lớn hơn rất nhiều so với trước đây”.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, TS. Trần Chí Thành khẳng định, năm 2017 của Vinatom sẽ là năm khoa học liên kết với doanh nghiệp bởi chỉ thông qua mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp, các sản phẩm nghiên cứu của Viện mới có thể đến với thị trường và sẵn sàng cạnh tranh với những sản phẩm ngoại nhập. Anh cho biết, “trước đây, Viện cho rằng cần tìm người làm kinh doanh giỏi để hỗ trợ công tác ứng dụng kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy rằng tốt hơn là tìm được doanh nghiệp có thể hỗ trợ cho mình [làm ra sản phẩm cuối cùng]. Hiện nay, chúng tôi đã thấy xuất hiện một số dấu hiệu rất khả quan cho hướng đi này, ví dụ mới có một doanh nghiệp đến liên hệ với Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ để muốn đầu tư mua thiết bị chiếu xạ, Trung tâm chỉ cần lo vấn đề kỹ thuật, thực hiện hồ sơ xin cấp phép, còn sản phẩm sẽ được doanh nghiệp tiêu thụ”.
TS. Trần Chí Thành nhận định, muốn làm ứng dụng tốt, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị và hữu ích với đời sống xã hội, Viện cần phải có một quá trình tổ chức, xây dựng định hướng nghiên cứu tốt. Vì vậy, trong những năm gần đây, lãnh đạo Vinatom đã vạch ra được một lộ trình cụ thể: năm 2013 là xây dựng nhóm nghiên cứu ưu tiên theo định hướng tốt, năm 2014 đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, năm 2015 thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng, năm 2016 phát huy tinh thần làm việc nhóm. Tất cả những điều đó không nằm ngoài mục đích xây dựng những nhóm nghiên cứu mạnh, qua đó đào tạo những chuyên gia hàng đầu có khả năng làm chủ các kỹ thuật chuyên biệt.