Virus corona trên tê tê bị buôn lậu có họ hàng với SARS-CoV-2
Các nhà khoa học từ Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) đã xác nhận những con tê tê bị buôn lậu tại Việt Nam có chứa virus corona liên quan đến SARS-CoV-2. Đây là một trong những bằng chứng cho thấy hoạt động buôn lậu xuyên quốc gia có thể tạo điều kiện lây truyền virus, trong đó có virus họ corona gây bệnh đường hô hấp.
Hiện có tám loài tê tê được liệt kê trong Phụ lục I của Công ước Quốc tế CITES từ năm 2017, nghiêm cấm mọi hoạt động buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại, trong đó tất cả bốn loài tê tê châu Á, bao gồm cả Sunda và tê tê Trung Quốc (Manis pentadactyla), đều được coi là có nguy cơ tuyệt chủng hoặc cực kỳ nguy cấp.
Nghiên cứu phát hiện virus corona có họ hàng với SARS-CoV-2, lây lan ở những con tê tê Sunda (Manis javanica) bị tịch thu từ hoạt động buôn lậu tại Việt Nam có liên hệ mật thiết về mặt di truyền tới những con virus trước đây từng phát hiện ở các con tê tê bị tịch thu từ việc buôn lậu ở tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, Trung Quốc. Để đi đến phát hiện này, các tác giả đã xét nghiệm mẫu vật từ tổng số 246 con tê tê từ các vụ tịch thu động vật hoang dã ở Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018. Mẫu vật thu từ bảy cá thể tê tê trong năm 2018 cho kết quả dương tính với một loại virus corona liên quan đến SARS-CoV-2.
Ngoài xét nghiệm tê tê, các tác giả còn xem xét các báo cáo về những trường hợp buôn lậu tê tê liên quan tới Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020. Ngoài tê tê còn có động vật sống khác gồm động vật linh trưởng, bò sát và chim. Tác giả chính của nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Thanh Nga, thuộc Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã, nói về ý nghĩa của công bố: “Nghiên cứu này đã góp phần khẳng định sự tồn tại của virus corona thuộc họ SARS-CoV ở tê tê bị buôn lậu ở Việt Nam. Việc xóa bỏ buôn bán tê tê, các động vật có vú và các loài chim hoang dã khác sẽ loại trừ con đường rủi ro cao để lan truyền virus và xuất hiện mầm bệnh này”.
Từ lâu, tồn tại mối lo ngại về việc buôn lậu động vật hoang dã sống, chuyển chúng khỏi nơi sinh sống tự nhiên, đưa tới nơi có người sống và các trung tâm đô thị lớn, sẽ tạo nguy cơ bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng và ngày càng tăng từ các mầm bệnh mới xuất hiện trong quần thể người. Do đó, phát hiện này cho thấy khuyến cáo về quy định buôn bán động vật hoang dã và thị trường, bao gồm Hướng dẫn tạm thời tháng 4/2021 về “Giảm thiểu rủi ro sức khỏe cộng đồng liên quan đến buôn bán động vật hoang dã sống thuộc các loài động vật có vú tại chợ thực phẩm truyền thống” do WHO, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Tổ chức Thú y Quốc tế (OIE), ban hành cần được chấp hành để giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhận xét, khuyến cáo quốc tế hiện mới chỉ tập trung vào các khu chợ trời mà không đề cập tới những chuỗi cung ứng động vật hoang dã dài hơn, việc buôn bán động vật hoang dã hợp pháp và bất hợp pháp từ nguồn của nó. Vì vậy, cần phải có cải cách chính sách buôn bán động vật hoang dã để kiềm chế nguy cơ bùng phát đại dịch tương lai, đồng thời xem xét biện pháp giảm thiểu do việc buôn bán tràn lan ẩn chứa các loại virus mới, chúng không được phát hiện bằng các biện pháp hay quy trình sàng lọc mẫu hiện tại.
Từ tháng 1/2020, Việt Nam đã cấm nhập khẩu động vật hoang dã, và phản ứng tức thời với việc xác nhận SARS-CoV-2 ở Trung Quốc, đồng thời kêu gọi tăng cường thực thi pháp luật hiện hành về chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp theo quy định tại Chỉ thị số 29 của Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 7/2020 về các giải pháp cấp bách để quản lý động vật hoang dã”. Và trong hai năm qua, một số nghị định về thú y, sức khỏe cộng đồng, an toàn thực phẩm và quản lý động vật hoang dã cũng được sửa đổi nhằm giảm thiểu rủi ro và tác động của đại dịch tương lai. □
Phương Anh dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2022-03-sars-cov-coronaviruses-trade-confiscated-pangolins-viet.html