VISL: Góp phần tạo môi trường học thuật nghiêm túc

Với việc thành lập Câu lạc bộ nhà khoa học trẻ (VISL) và 10 nhóm nghiên cứu mạnh, Khoa Quốc tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội (ĐHQGHN) kỳ vọng, đây sẽ là nơi đề xuất, triển khai các ý tưởng nghiên cứu cũng như kết nối các nhà khoa học trẻ đang tham gia công tác tại Khoa để nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy

Tại lễ ra mắt ngày 22/5 vừa qua, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải cho biết, Câu lạc bộ nhà khoa học trẻ của Khoa Quốc tế (VISL) là một bộ phận không thể tách rời của Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN (VNU-VSL). Ông tin tưởng VISL sẽ cùng VNU-VSL nâng cao uy tín khoa học của ĐHQGHN – đơn vị tiên phong trong việc thúc đẩy hoạt động của nhà khoa học, gia tăng của các công bố và hội nhập quốc tế trong các hoạt động khoa học.


Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải đánh giá cao Khoa Quốc tế trong việc thành lập VISL. Ảnh: Khoa Quốc tế – ĐHQGHN

PGS.TS Lê Trung Thành – Chủ nhiệm Khoa Quốc tế chia sẻ, năm 2020 đánh dấu là năm có nhiều đổi mới trong hoạt động khoa học công nghệ của Khoa. “Câu lạc bộ nhà khoa học trẻ được thành lập nhằm tập hợp, kết nối các nhà khoa học trẻ của Khoa Quốc tế, của các trường đại học đối tác và từ Chương trình Thu hút học giả quốc tế, từ đó tạo thành một ‘young talent pool’, qua đó có thể cung cấp nguồn lực đa dạng, với nhiều đổi mới để sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm của Khoa.”

Các hoạt động của Câu lạc bộ nhằm mục đích: tạo mạng lưới kết nối các nhà khoa học trẻ đang tham gia công tác tại Khoa để cùng tăng cường chia sẻ và hợp tác trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy; tạo điều kiện và hỗ trợ các nhà khoa học trẻ phát triển đạt chuẩn Việt Nam và quốc tế; hỗ trợ các nhà khoa học trẻ đẩy mạnh công bố nghiên cứu khoa học ra quốc tế; nâng cao năng lực lãnh đạo và hiểu biết về văn hóa, định hướng phát triển Khoa cho các nhà khoa học trẻ, từ đó nhận diện và quy hoạch các nhà nghiên cứu giỏi cho các nhiệm vụ trọng tâm trong tương lai.

Xa hơn nữa, PGS.TS Lê trung Thành mong muốn Câu lạc bộ sẽ là nơi hỗ trợ các thành viên phát triển theo lộ trình cá nhân, đạt các yêu cầu về học hàm, học vị, nâng cao năng lực về giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế góp phần xây dựng và phát triển chất lượng của các hoạt động ở Khoa Quốc tế. 

Để góp phần thúc đẩy mục tiêu này, Khoa đã thiết lập 10 nhóm nghiên cứu mạnh của Khoa Quốc tế. Các nhóm nghiên cứu sẽ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu của mình trong các lĩnh vực Quản lý và kinh doanh quốc tế; Kinh tế; Quản trị kinh doanh; Marketing; Tài chính; Quản lý; Khoa học máy tính và thông tin; Hệ thống thông tin; Khoa học dữ liệu; Học máy, tính toán thông minh và ứng dụng; Ngôn ngữ học.


Đại diện 10 nhóm nghiên cứu mạnh nhận quyết định của ĐHQGHN. Ảnh: Khoa Quốc tế – ĐHQGHN

Các nhóm nghiên cứu mạnh của Khoa Quốc tế là nơi tập hợp của các nhà khoa học, nhà công nghệ có kinh nghiệm nghiên cứu và xây dựng nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước như: GS.TS Nguyễn Đức Khương, hiện là thành viên Tổ tư vấn kinh tế, tư vấn cho Thủ tướng về các vấn đề phát triển kinh tế; GS.TSKH Hồ Tú Bảo – Giáo sư chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo và Học máy, thành viên nhóm Think Tank VINASA và hiện là cố vấn cho chương trình Phân tích dữ liệu kinh doanh của Khoa; GS.TS Lê Thị Hoài An – chuyên gia hàng đầu về chuyển giao công nghệ trong Khoa học máy tính và Trí tuệ nhân tạo. Các trưởng nhóm nghiên cứu mạnh được lựa chọn hiện là giảng viên cơ hữu tại Khoa Quốc tế. 

Các nhóm nghiên cứu, ngoài nhiệm vụ nghiên cứu, còn có trách nhiệm xây dựng các chương trình đào tạo, nhằm gắn kết chương trình đào tạo của Khoa với thực tiễn, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Dù không thể có mặt tại buổi lễ, nhưng thông qua phần giao lưu trực tuyến, GS.TS Nguyễn Đức Khương cho rằng việc thành lập Câu lạc bộ, cũng như ra mắt nhóm nghiên cứu mạnh cho thấy Khoa quốc tế đã có định hướng rõ ràng về chiến lược nghiên cứu, “vì vậy cơ hội để mở rộng và phát triển nghiên cứu cũng dễ dàng hơn nhiều.” Theo ông, nghiên cứu là một hành trình bền bỉ, và cần có chiến lược rõ ràng, “các nhà nghiên cứu cần giữ vững niềm say mê, tìm tòi trên con đường nghiên cứu; cần hình thành nhóm nghiên cứu tốt, có mức độ chuyên sâu; ngoài ra, các nhà khoa học cần bám sát và cập nhật những tri thức mới, nhìn lại quá trình phát triển khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu của mình. Nếu có thể làm được những điều đó, chúng ta sẽ tạo ra một nghiên cứu hữu ích, có thể giúp tư vấn chính sách, tiếp cận với doanh nghiệp, và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.”

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)