VISTEC muốn thử nghiệm đánh giá một số viện nghiên cứu vật liệu
Ngày 20/5 tại Trụ sở Bộ KH&CN, đại diện của Viện Đánh giá và Định giá Công nghệ (VISTEC) đã có buổi họp với Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc về việc đánh giá một số tổ chức R&D trong lĩnh vực khoa học vật liệu.
Bước đầu, VISTEC muốn thử nghiệm lựa chọn đánh giá một số tổ chức R&D công lập trên cùng một lĩnh vực để nâng cao năng lực, kỹ năng của Viện và các chuyên gia trong nước; đồng thời kiểm tra tính thực tiễn của thông tư số 38/2014/TT-BKHCN về đánh giá tổ chức KH&CN. Việc lựa chọn ngành khoa học vật liệu là kế thừa nghiên cứu đang được thực hiện tại VISTEC. Hơn nữa, Khoa học Vật liệu là một trong số những lĩnh vực giàu thành tích nhất ở Việt Nam trong những năm gần đây (nên các tổ chức R&D ít gây khó dễ cho cơ quan đánh giá) và cũng là chuyên ngành hẹp, dễ chọn lựa các tổ chức R&D. Hiện nay, Viện đã liệt kê 12 tổ chức R&D để lựa chọn đánh giá theo một trong hai phương thức (một số tổ chức tiêu biểu hoặc toàn bộ 12 đơn vị) với kinh phí từ 600 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc đề xuất, để kết quả trung thực, việc đánh giá như trên cần sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài. Đồng tình với ý kiến trên, Phó viện trưởng VISTEC Nguyễn Thị Thu Oanh nói, các chuyên gia Việt Nam có kiến thức chuyên môn cao nhưng kỹ năng đánh giá còn yếu. Chính vì vậy, việc thuê các chuyên gia nước ngoài là điều cần thiết. Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm đánh giá ba phòng thí nghiệm trước đó của Viện, qua những cuộc đánh giá hợp tác với những chuyên gia nước ngoài, những chuyên gia Việt Nam cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu. Tuy nhiên, bà Thu Oanh cũng cho biết, các chuyên gia nước ngoài chỉ có thể đánh giá các tiêu chí về chất lượng kết quả nghiên cứu KH&CN của một tổ chức, còn những tiêu chí khác về quản lý (liên quan đến cơ chế hành chính và văn hóa Việt Nam) thì chỉ có chuyên gia trong nước mới có thể đánh giá được.
Một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác đánh giá hiện nay là sự bất hợp tác của các tổ chức nghiên cứu với cơ quan đánh giá do tâm lí “tưởng việc đánh giá cũng giống như thanh, kiểm tra”, như lời của đại diện Vụ Công nghệ cao trong buổi họp. Chính vì vậy, theo bà Thu Oanh, bên cạnh hợp pháp hóa việc đánh giá bằng thông tư 38, cần phải có chế tài và những khuyến khích để các tổ chức KH&CN nhận thấy, việc đánh giá “không phải so sánh ai mạnh hơn ai mà để có những kiến nghị giúp họ hoạt động tốt hơn”.