Xây dựng đội ngũ khoa học đủ năng lực giải quyết những nhiệm vụ cấp thiết

Ngày 3/7, Ban Tuyên giáo TƯ và Bộ KH&CN đã tổ chức Hội thảo Đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KHCN và chính sách phát triển nhân lực KH&CN nhằm lấy ý kiến của các nhà khoa học và các nhà quản lý trong việc xây dựng Đề án phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế trình Hội nghị lần thứ 6 Trung ương khóa XI.

Tham dự hội nghị có ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo TƯ; ông Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam; ông Phạm Văn Linh, Phó trưởng ban Tuyên giáo TƯ; ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN và nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý và nhà khoa học.

Tham luận của nhiều đại biểu cho rằng, trước hết cần có nhận thức đúng về hoạt động KHCN cũng như những đặc thù trong tổ chức, hoạt động của các tổ chức KH&CN khác với hoạt động của dịch vụ công như hoạt động y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao; hoạt động dịch vụ như thông tin, du lịch, giao thông vận tải… Sản phẩm KHCN là sản phẩm của sự sáng tạo, rất khó cân đo đông đếm bằng các đại lượng đo lường cụ thể, vì thế khó xác định mức tới hạn để đầu tư. Do vậy nên áp dụng cơ chế khoán đối với đề tài khoa học. Việc thanh quyết toán kinh phí thực hiện phải căn cứ chủ yếu vào kết quả đánh giá chất lượng sản phẩm nghiên cứu, bãi bỏ các thủ tục thanh, quyết toán không còn phù hợp trong thực hiện nhiệm vụ KHCN. Sắp xếp lại các tổ chức KHCN, từng bước chuyển các tổ chức KHCN không phục vụ việc quản lý nhà nước ra khỏi cơ quan Bộ, ngành; hoàn thiện các thể chế, chính sách chuyển đổi các tổ chức KHCN sang hình thức tự chủ, tự trang trải chi phí có hiệu quả; xóa bỏ chế bộ biên chế trong các đơn vị sự nghiệp khoa học, thực hiện xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo vị trí việc làm; kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về KHCN, trong đó cần tăng cường vai trò điều phố của Chính phủ để tạo sự gắn kết các hoạt động KHCN với các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; thay đổi cơ bản cơ chế quản lý các đề tài nghiên cứu khoa học theo hướng gắn liền với nhu cầu của xã hội, với mục tiêu cụ thể, có chính sách duy trì và phát triển khoa học cơ bản, đặc biệt là KHXH&NV (hiện chúng ta đang đứng trước nguy cơ KH cơ bản ngày càng tụt hậu xa với thế giới); có chế tài buộc các doanh nghiệp phải đầu tư đổi mới công nghệ.

Để phát triển nhân lực KHCN, nhiều đại biểu cho rằng việc đãi ngộ vật chất là cần thiết nhưng quan trọng hơn là chính sách sử dụng và môi trường tự do cho học thuật với những giải pháp: xây dựng một chính sách thí điểm trong sử dụng cán bộ khoa học có đủ năng lực giải quyết những nhiệm vụ cấp thiết để đáp ứng tốt nhu cầu phát triển đất nước trong từng giai đoạn; đội ngũ KHCN phải là một hệ thống các tập thể khoa học xuất sắc, quan hệ hữu cơ với nhau, và cần bắt đầu bằng việc sử dụng và rèn luyện những người hiền tài, (đó là những người có ý chí xây dựng một nền KH&CN cho đất nước, có khả năng hợp tác, có tài năng đủ sức chủ trì những đề tài nghiên cứu tầm cỡ quốc gia); có chính sách trọng dụng đãi ngộ thỏa đáng, đào tạo tài năng trẻ và thu hút trí thức nước ngoài.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)