Xét duyệt tài trợ KHXH&NV: Nên mở rộng các tiêu chí đánh giá công bố quốc tế
Nếu chỉ tính điểm cho các bài tạp chí trong danh mục ISI và Scopus khi xét duyệt tài trợ trong lĩnh vực KHXH&NV mà “bỏ sót” các chuyên khảo hoặc các chương sách do các nhà xuất bản uy tín trên thế giới lựa chọn xuất bản như hiện nay sẽ là một thiệt thòi lớn cho các nhà khoa học.
TS. Đỗ Tiến Dũng, GĐ Quỹ Nafosted phát biểu tại tọa đàm.
Vấn đề tiêu chí đánh giá công bố quốc tế để xét duyệt tài trợ trong lĩnh vực KHXH&NV của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (Nafosted) được thảo luận rất sôi nổi tại toạ đàm “Công bố quốc tế trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn: Những giải pháp tổng thể” do Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Nafosted tổ chức vào ngày 20/9.
Cho đến nay, tất cả các đề tài KHXH&NV do Quỹ Nafosted tài trợ phải đảm bảo yêu cầu có ít nhất một bài tạp chí quốc tế trong danh mục ISI hoặc Scopus. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Tô Lan (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), với đặc thù của KHXH&NV, thông thường, các nhà khoa học phải đầu tư công sức và thời gian cho các chương sách hoặc chuyên khảo (của các nhà xuất bản uy tín trên thế giới, có thẩm định độc lập) tương đương với các bài tạp chí, và các cuốn sách này cũng có “sức sống” rất lâu dài trong môi trường học thuật (thể hiện thông qua các lần tái bản, số lượng trích dẫn). Nếu chỉ tính điểm cho các bài tạp chí trong danh mục ISI và Scopus mà “bỏ sót” các chuyên khảo hoặc các chương sách do các nhà xuất bản uy tín trên thế giới lựa chọn xuất bản như hiện nay sẽ là một thiệt thòi lớn cho các nhà khoa học KHXH&NV. Do vậy, giải pháp được nhiều nhà khoa học đề xuất là mở rộng các tiêu chí đánh giá công bố quốc tế, cần tính điểm cả các chương sách, chuyên khảo được xuất bản quốc tế như đối với các bài tạp chí ISI, Scopus.
Đồng thời, các nhà khoa học đề xuất, các cơ sở nghiên cứu, quỹ khoa học nên “nới rộng” thời hạn xuất bản quốc tế của các đề tài khoa học được tài trợ. Cụ thể, thay vì yêu cầu các nhà khoa học có ngay xuất bản quốc tế trong thời gian tiến hành các nghiên cứu, nên để thời hạn 1 – 2 năm sau khi hoàn thành nghiên cứu vì thông thường, thời gian thẩm định, bình duyệt của các tạp chí uy tín trên thế giới kéo dài tới hàng năm.
Trước những trao đổi của các nhà khoa học, TS. Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Quỹ Nafosted đã giải đáp một số thông tin về cơ chế hỗ trợ cho công bố quốc tế, hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ và khẳng định sẽ cùng các nhà khoa học thảo luận, cân nhắc để điều chỉnh các tiêu chí đánh giá, công nhận các xuất bản quốc tế của Quỹ.
Về mặt quản lý khoa học, một giải pháp quan trọng được nhiều nhà khoa học đồng tình là cần phải có liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu, xuất bản trong nước với quốc tế, qua đó, cá nhân các nhà khoa học mới có cơ hội giao lưu, học hỏi và tham gia thảo luận ở môi trường học thuật quốc tế. Bài học kinh nghiệm từ trường đại học KHXH&NV Hà Nội cho thấy liên kết nghiên cứu và xuất bản quốc tế đem lại những tác động rất lớn cho công bố quốc tế. PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học KHXH&NV cho biết, trường đã liên kết với một số nhà xuất bản uy tín hàng đầu thế giới như Spinger, Elsevier để xuất bản các chuyên khảo về KHXH&NV, đồng thời có một bộ phận hỗ trợ biên dịch, biên tập các bài viết bằng tiếng Anh. Đến nay, kết quả bước đầu trong chính sách khuyến khích công bố quốc tế mà trường đạt được là 207 bài viết trên các tạp chí quốc tế (trong đó có 50 bài trong danh mục ISI, Scopus), một số chuyên khảo được các nhà xuất bản uy tín ấn hành.
Việc liên kết với các cơ sở nghiên cứu nước ngoài và cũng sẽ giúp các nhà KHXH dần bắt nhịp được với các lý thuyết, phương pháp, những chủ đề được thảo luận sôi nổi trong môi trường học thuật quốc tế. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chính (Khoa Nhân học, Đại học KHXH&NV), điểm yếu rất lớn đối với các nhà KHXH trong nỗ lực công bố quốc tế hiện nay là chưa tìm được “tiếng nói chung” với các tranh luận khoa học ở khu vực và quốc tế và thường làm nghiên cứu “theo cách riêng của mình” mà khác với quy chuẩn, thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, đa phần các nhà khoa học tại buổi tọa đàm đều cho rằng các cơ sở nghiên cứu, các quỹ khoa học cần có chiến lược hình thành và hỗ trợ các nhóm nghiên cứu mạnh với mục tiêu dài hạn.