Xuất bản “Vương quốc Champa” của Maspero: tư liệu quan trọng cho nghiên cứu Champa
Lần đầu tiên xuất bản bằng tiếng Việt, công trình nghiên cứu này của Georges Maspero được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giới thiệu và đánh giá là một công trình có giá trị soi sáng lịch sử cổ xưa của một vương quốc đã từng tồn tại ở miền Trung Việt Nam trong nhiều thế kỷ.
Nguồn ảnh: Bảo tàng lịch sử Quốc gia.
Cuốn sách bản gốc bằng tiếng Pháp, vốn được đăng thành nhiều kỳ trên tạp chí T’oung Pao (tạp chí về Trung Quốc học) ở Hà Lan trong giai đoạn 1910-1913, sau đó Nhà Xuất bản Van Oest (Brussels và Paris) xuất bản lần thứ nhất vào năm 1928.
Gần 100 năm trôi qua nhưng công trình “Vương quốc Champa” của G.Maspero vẫn được giới nghiên cứu đánh giá cao bởi đây là nguồn tư liệu có giá trị về mặt dữ kiện, dữ liệu và ý tưởng. Cuốn sách là một trong những công trình đầu tiên đã phác dựng lên một lịch sử hoàn chỉnh và nối tiếp liên tục của vương quốc Champa từ đầu đến giữa thế kỷ 15. Theo quan điểm của G.Maspero, cư dân Chăm là tộc người thống trị trong vương quốc Champa và các tộc người khác được coi là những “người mọi (savage) ở những vùng rừng núi”. Vương quốc Champa từ khởi nguồn của mình đã là một “vương triều Ấn giáo” (Hinduized dynasty), chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn minh Ấn Độ trong bối cảnh chung của thế giới Ấn Độ hóa ở vùng Đông Nam Á. Vương quốc Champa từ khi lập quốc dưới triều đại Sri Mara từ thế kỷ thứ 2 cho đến sự kiện năm 1471 là một vương quốc thống nhất. Sự kiện chiến tranh Đại Việt – Champa năm 1471 được coi như là sự kết thúc của một nhà nước Ấn giáo ở miền Trung Việt Nam, và “người Chăm không còn hiện diện trong trí nhớ của nhân loại”.
G.Maspero đã dựa chủ yếu vào hai nguồn sử liệu quan trọng nhất thời bấy giờ là văn khắc cổ bằng chữ Sanskrit và chữ Chăm cổ được chuyển ngữ bởi các chuyên gia lớn về cổ ngữ thời bấy giờ; nguồn tư liệu thứ hai là các thư tịch cổ của Trung Hoa và Việt Nam đề cập tới vùng đất và cư dân thuộc miền Trung Việt Nam ngày nay. Tác giả là người uyên thâm về cổ ngữ, đặc biệt là chữ Hán, nên đã viết các chú thích rất đầy đặn và khoa học.
Mroi Ghun – tảo mộ của người Chăm Bani ở Ninh Thuận.
Sau khi được xuất bản, cuốn sách trở thành một công trình tham khảo đặc biệt quan trọng đối với bất cứ ai nghiên cứu về lịch sử văn hóa Champa nói chung và lịch sử Đông Nam Á cổ xưa nói riêng. Chính vì thế, các công trình quan trọng về khu vực này sau đó của các học giả như Majumdar, G.Coedes và D.G.Hall cơ bản đều sử dụng lại và dựa chính vào công trình tiên phong này của G.Maspero để phân tích về lịch sử của vương quốc Champa. Phải đến những năm 1970, các nhà nghiên cứu Champa của EFEO khởi xướng, và sau đó là các nhà nghiên cứu quốc tế khác quan tâm về Champa và Đông Nam Á, mới bắt đầu đặt ra tranh luận về những cách diễn giải và vấn đề sử dụng tư liệu trong công trình của G.Maspero. Nhưng các cuộc thảo luận lại về “Vương quốc Champa” đó cũng cho thấy sức sống của công trình khảo cứu này.
Ở Việt Nam, dù là một trong những nguồn tài liệu tham khảo quý giá và quan trọng đối với các thế hệ nghiên cứu về Champa học nhưng trước đây, việc tiếp cận nguyên bản tiếng Pháp và các bản dịch công trình của Maspero rất hạn chế. Mới chỉ có một vài đơn vị tổ chức dịch sang tiếng Việt, chẳng hạn như Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) và Khoa Lịch sử, trường Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Lịch sử, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội) tiến hành từ những năm 1960-70. Tuy nhiên, các bản dịch đó mới chỉ dừng lại ở lược dịch dưới dạng lưu tư liệu tham khảo, phục vụ cho một đối tượng nghiên cứu hẹp, chưa được hoàn thiện và phổ biến rộng rãi. Do đó, sách do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, Trung tâm tại Hà Nội tổ chức bản thảo và xuất bản bằng tiếng Việt lần này rất hữu ích với với nghiên cứu và những người muốn tìm hiểu lịch sử vương quốc Champa.