1001 bộ mặt của vô thức

Mặc Freud, mặc hàng loạt các ngành, bộ môn về khoa học thần kinh liên tục ra đời trong vài thế kỷ qua, vô thức-với tính phức tạp và đa dạng của nó-vẫn là chủ đề cực kỳ khó hiểu đối với các nhà nghiên cứu tâm lý và thần kinh. Hãy đi vào những vấn đề cụ thể để hiểu được phần nào sự rối rắm ngay chính trong đầu của mỗi chúng ta.

Hé mở sức mạnh của vô thức
“Tôi suy nghĩ tức là tôi tồn tại”, Descartes đã từng nói như vậy. Không ai phủ nhận câu nói này của Descartes nhưng phải nói rằng phần lớn các hành động của chúng ta đều được thực hiện nhờ vô thức. Một cách khác chính xác hơn, theo Marc Jeannerod, Giám đốc Viện các khoa học về nhận thức, đó là các hành động “không có ý thức”. Để lấy một dẫn chứng, Marc cho biết: khi người ta đang lái ô tô và đột ngột phanh chiếc xe lại để tránh một chướng ngại vật, hành động này không phải là có ý thức. Đơn giản vì để có ý thức được một hành động, người ta cần một khoảng thời gian nhất định. “Như vậy thì chiếc xe đã đâm vào chướng ngại vật rồi”, Marc nói. Rõ ràng vô thức luôn có một vai trò cực kỳ quan trọng trong nhận thức mà chúng ta vẫn chưa còn biết tới. Theo các nhà nghiên cứu, vô thức dường như luôn đóng một vai trò thường trực trong tất cả các quá trình nhận thức và có thể có tới 90% hành động của chúng ta là… vô thức!

Nhưng nói như vậy thì quá dễ, cần phải có các bằng chứng khoa học cụ thể để chứng minh điều này. Các công việc lần theo dấu vết của vô thức, định vị những phần “nền” của bộ não, tiến hành được các thực nghiệm chứng minh…, tất cả đều không đơn giản. “Khó có thể yêu cầu ai đó thực hiện điều gì đó một cách vô thức. Điều duy nhất mà các nhà nghiên cứu hiện có thể làm được là sáng chế ra các phương pháp diễn dịch vô thức từ các tiến trình có ý thức”, Frank Ramus, nhà nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm các khoa học nhận thức và tâm lý học ngôn ngữ cho biết.
Từ nhiều thập kỷ nay, các nhà nghiên cứu đã làm sáng tỏ một số tiến trình liên quan tới vô thức cho phép khoanh vùng nhỏ lại những vấn đề liên quan tới hành động vô thức nhưng lại được gọi là “có nhận thức” (inconscient dit cognitif). Đầu tiên phải kể tới việc cảm nhận được các “hình ảnh dưới ngưỡng ý thức” (images subliminales)”. Khi lồng một hình ảnh nào đó mà người xem không thực sự cảm nhận được vào một đoạn phim đang chiếu, các nhà nghiên cứu nhận thấy hình ảnh này tác động tới các phản ứng tâm lý của người xem. Như kiểu một kỷ niệm xa xôi nào đó chợt trỗi dậy trong tâm trí của người đó trong một thời gian cực ngắn khoảng vài giây. Một hiện tượng khác: hiệu quả “mồi” cũng gần với thí dụ nói trên. Nó dựa trên nguyên tắc: cách nhận biết một thông tin, dù có ý thức hay không, đều có thể ảnh hưởng tới một hành động sau đó. Hiệu quả này biểu hiện ngay cả khi thông tin ở dạng dưới ngưỡng ý thức. “Các cơ chế nói trên chứng tỏ rõ ràng rằng có “một cái gì đó” (mà chúng ta gọi là “mồi”) hoạt động ở đâu đó trong các tế bào thần kinh mà khoa học hiện đại vẫn chưa biết được”, Pierre Buser, cựu Giám đốc Viện các ngành khoa học thần kinh của Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp nói.

Các nhà khoa học hiện đang bàn cãi rất nhiều với nhau về sự cảm nhận của vô thức. Thí dụ một thực nghiệm: người ta chiếu lên màn hình một dãy các ký hiệu đồ thị (gồm các từ, các chữ số…) và đề nghị người tham gia thực nghiệm chọn một ký hiệu ngẫu nhiên nào đó. Nếu trước đó người ta đã chiếu hình ảnh của một từ hoặc một chữ số nào đó trong một thời gian cực ngắn để người tham gia thực nghiệm không thể ý thức được rõ ràng, người ta nhận thấy người thực nghiệm thường chọn đúng cái từ/hoặc chữ số trùng với hình ảnh dưới ngưỡng ý thức đã được chiếu trước đó.
Qua ví dụ này, Stanislas Dehaene thuộc phòng thí nghiệm Inserm cho rằng người ta có thể hiểu được nghĩa của một từ được viết ra ngay cả khi không nhận thức rõ (nhìn thấy) được từ đó.
Một thực nghiệm khác: trên màn hình máy tính, rất nhiều thông tin được liên tiếp đưa ra: một loạt các chữ cái sắp xếp theo thứ tự ngẫu nhiên (thí dụ: SJODK), một con số được viết bằng chữ được chiếu lướt qua rất nhanh để người xem khó có thể nhận thức được (thí dụ với tốc độ 43 miligiây), tiếp đó lại một dãy chữ cái ngẫu nhiên, rồi một con số được chiếu với tốc độ chậm hơn để người xem có thể nhận thức được. Những người tham gia thực nghiệm sau đó được hỏi: chữ số thứ hai lớn hơn hay nhỏ hơn 5? “Trong trường hợp con số đầu tiên và con số thứ hai đều lớn hơn hay nhỏ hơn 5, những người tham gia thực nghiệm đưa ra câu trả lời nhanh hơn”, Lionel Naccache, một nhà nghiên cứu thuộc bộ phận của Stanislas giải thích. Người ta cho rằng rất có thể chữ số hiện ra trước có giá trị như một chữ số “mồi”. Lionel nhận xét: “Kết quả này có thể khẳng định ý kiến cho rằng các quá trình xử lý vô thức có thể ở một trình độ nhận thức cao”. Những người tham gia thực nghiệm trả lời bằng cách nhấn nút trên một bàn phím. Do vậy, các nhà nghiên cứu có thể đo được dòng điện và lưu lượng máu thay đổi trong não. “Khi chữ số “bị giấu” hiện ra, chúng tôi nhận thấy vùng não điều khiển tay dường như hướng ngón tay của người tham gia thực nghiệm vào đúng vị trí của con số đó”, Lionel tiếp tục giải thích. Như vậy, cảm nhận dưới ngưỡng nhận thức về một từ có thể ảnh hưởng tới hoạt động điều khiển của não hơn là việc xử lý nghĩa của từ đó.

Cùng hướng đó, Kimihiro Nakamura, một nhà nghiên cứu Nhật Bản, đã chứng tỏ được rằng giai đoạn mồi dưới ngưỡng ý thức thực sự còn vượt quá nội dung của bảng chữ cái.
Để làm được điều này, ông sử dụng đến một trong những đặc thù của tiếng Nhật: sự tồn tại của hai cách viết khác nhau của cùng một từ. Nhà nghiên cứu này đã đưa ra một từ “mồi” có thể viết theo một cách hoặc được diễn đạt theo cách viết khác. Dù cách viết nào được đưa ra trước thì những người tham gia thực nghiệm đều nhanh chóng chọn từ thứ hai. Điều này phải chăng là do nghĩa của từ “vô hình” đã thực sự được cảm nhận và xử lý một cách rất rõ ràng.
Cũng trong phòng thí nghiệm nói trên, Sid Kouder đã chứng tỏ được rằng có cả sự mồi dưới ngưỡng ý thức bằng âm thanh. Nguyên lý chung của thực nghiệm đều như nhau: đưa ra một từ “được ngụy trang” và quan sát ảnh hưởng của nó tới một từ đưa ra sau đó. Để “giấu” một từ phát dưới dạng âm thanh, các nhà nghiên cứu thu âm từ đó rồi lồng nó vào một từ thứ ba có độ dài phát âm bằng chính từ đó và ghép tất cả vào một đoạn băng có nhiều tạp âm để người nghe khó có thể nhận biết từ đã giấu. Họ cho những người tham gia thực nghiệm “nghe” từ bị giấu và tiếp theo đó là những âm thanh khác. Những người này phải phân biệt liệu những âm thanh cuối có phải là những từ hay không. Những người tình nguyện đều nhanh chóng cho rằng âm thanh thứ hai họ nghe được là một từ nếu như âm thanh bị giấu chính là từ đó. Ngược lại, nếu hai âm thanh đưa ra giống nhau và không phải là một từ có ý nghĩa, sẽ không có hiện tượng mồi. Điều này chứng tỏ có một tiến trình từ vựng chứ không chỉ riêng về mặt âm học diễn ra phía trước và nó hoàn toàn ở dạng vô thức so với khả năng cảm nhận ngôn ngữ. Nhà nghiên cứu này đang tiếp tục công việc của mình với sự trợ giúp của một máy cộng hưởng từ chức năng (IRMf). Ông hy vọng sẽ định vị được các khu vực nền ở vỏ não liên quan tới việc xử lý giọng nói. Vô thức trong quá trình học

Một thí dụ khác về sự xử lý của vô thức chính là ở giai đoạn trẻ con học nói. Franck Ramus đưa ra những câu hỏi: Làm sao chúng cảm nhận được ngôn ngữ? Làm thế nào chúng phân biệt được các ngôn ngữ khác nhau? “Công việc của tôi là làm sáng tỏ sự nhạy cảm từ rất sớm của những đứa trẻ trước các âm điệu của ngôn ngữ”, ông cho biết. Cách nhấn mạnh các từ trong khi nói theo một âm điệu nào đó vốn là đặc trưng của bất kỳ một ngôn ngữ nào. Những ngôn ngữ khác nhau hiện nay có thể xếp thành 3 loại chính: các ngôn ngữ có trọng âm (ngôn ngữ slave, tiếng Đức, tiếng Anh…), ngôn ngữ theo âm tiết (các ngôn ngữ thuộc hệ Latinh, tiếng Pháp…) và ngôn ngữ sử dụng các đơn vị nhỏ hơn âm tiết, thí dụ như tiếng Nhật… Những đứa trẻ mới sinh ra khoảng vài ngày tuổi có khả năng phân biệt được hai loại ngôn ngữ trong trường hợp âm điệu của các ngôn ngữ này khác nhau.
Quá trình học, trước hết đó là quá trình ghi nhớ một thông tin. Từ nhận định này, Bérengère Guillery-Girard, nhà nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm tâm lý thực nghiệm quan tâm đến vai trò của bộ nhớ trong ở não, đặc biệt ở những người mắc các chứng hay quên. “Thông thường, các bệnh nhân trên 50 tuổi rất hay mắc các chứng quên tạm thời mà người ta còn chưa được rõ nguyên nhân. Chứng quên này kéo dài không lâu lắm, chỉ vào khoảng 24 giờ”, nhà nghiên cứu cho biết. Chứng quên này khiến các bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn trong việc ghi nhớ các thông tin mới. Theo Bérengère, ở trẻ em người ta cũng thấy có chứng hay quên khi người ta dạy chúng các từ mới hoặc khái niệm mới.
Susan Sara, một nhà nghiên cứu khác thuộc Phòng thí nghiệm các tiến trình thích nghi của thần kinh (NPA) lại cho rằng có một điều gì đó khác biệt của bộ nhớ trong sau khi tiến hành các nghiên cứu trên chuột. Cô đã tiến hành hai thí nghiệm khác nhau. Ở thí nghiệm thứ nhất, cô cho một con chuột vào chiếc lồng có hai ngăn. Ngăn lớn được chiếu sáng, ngăn nhỏ để tối. Con chuột luôn có tâm lý đi về ngăn tối bởi đối với nó, đó là nơi thích hợp hơn. Nhà nghiên cứu đưa các xung điện vào chân chuột với hy vọng chú chuột chạy sang ngăn sáng. Tuy nhiên, chú chuột vẫn tiếp tục ở trong ngăn tối. Mặc dù vậy, chú chuột đã có rất nhiều biểu hiện của sự sợ hãi: lông dựng đứng lên, ỉa đái lung tung và đặc biệt là hoạt động của các tế bào thần kinh liên quan tới sự sợ hãi gia tăng… “Tình cảnh mà chú chuột gặp phải khiến nó nhớ tới những kinh nghiệm đau thương mà nó đã từng gặp trước đó. Dấu vết của trí nhớ từ kinh nghiệm trước đó thể hiện ở hai mặt: một liên quan tới ý thức, một liên quan tới tình cảm. Nhưng ở đây dường như chú chuột đã mất hết ý thức mà chỉ nhớ được những ký ức tình cảm đau thương”.

Ảnh hưởng của tình cảm
Tình cảm đóng một vai trò rất quan trọng trong thái độ ứng xử. Paula Niedenthal, nhà nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm tâm lý xã hội và ý thức (Lapsco) ở Clermont-Ferrand khẳng định. Câu hỏi mà cô đặt ra là: “Tình cảm ảnh hưởng thế nào tới cách sắp xếp các ký ức, kỷ niệm của chúng ta và chúng ảnh hưởng thế nào tới quá trình xử lý thông tin của chúng ta?”. Thông thường, khi chúng ta vui, chúng ta xử lý các thông tin theo cách ít sâu sắc hơn là khi chúng ta buồn. Trên thực tế, khi con người ở trạng thái tình cảm tích cực, chúng ta dễ dàng bỏ qua tầm quan trọng của một dấu hiệu khi người khác đưa ra (bằng hành động hoặc giọng nói). Trong khi đó lúc buồn, chúng ta sẽ để ý nhiều hơn tới các bằng chứng cụ thể.
Theo Paula, chuyện này liên quan tới động lực bên trong. Khi chúng ta vui, trạng thái tâm lý này gửi một tín hiệu: “tất cả đều tốt đẹp” và chúng ta có xu hướng không muốn trạng thái tốt đẹp này thay đổi. Ngược lại, khi buồn, mong muốn của vô thức là luôn muốn thay đổi trạng thái này. Từ đó, có cái gì đó bên trong buộc chúng ta phải chú ý hơn tới những điều có thể giúp ích để làm được điều đó.

Khi ý thức đòi phủ quyết
Sự cảm nhận, việc học hành, khả năng ghi nhớ hoặc các loại tình cảm đều hoạt động dưới bóng của vô thức. Nhưng làm thế nào để xác định được vai trò của ý thức trong các hoạt động tâm lý. Liệu nó có phải là phần nổi của tảng băng và tầm quan trọng của nó thế nào trong việc điều phối các hoạt động có ý nghĩa? Các công trình của Angela Sirigu có thể đem lại phần nào câu trả lời cho câu hỏi này, dù chỉ ở mức độ ban đầu. Nhà tâm lý học thần kinh này quan tâm tới sự cảm nhận của các hành động mà chúng ta thực hiện. Trong một thực nghiệm, ông yêu cầu những người tham gia thực nghiệm bấm vào một cái nút trước mặt khi chiếc kim giây của đồng hồ đi hết một vòng. Cùng lúc bấm, những người này cũng phải nói ra hành động của mình. Các hoạt động về cơ và thần kinh của những người tham gia thực nghiệm được ghi lại. Kết quả thu được khá ngạc nhiên: sự chuẩn bị thực hiện hành vi bấm nút luôn diễn ra trước khi người tham gia thực nghiệm ý thức được hành động này. Trong một thực nghiệm khác, những người tham gia thực nghiệm cùng xem hai đoạn băng ghi hình. Một đoạn băng chiếu cảnh bàn tay đang chộp một đồ vật màu xanh di chuyển và đoạn băng kia chiếu cảnh bàn tay hướng tới một đồ vật màu đỏ. Khi những người tham gia thực nghiệm biết được rằng cánh tay sẽ di chuyển, nhóm nghiên cứu đã ghi được các dấu hiệu chuẩn bị tương tự cách mà vô thức làm trong các tiến trình nhận thức. Như vậy, ý thức chẳng qua chỉ là một bộ phận rất nhỏ của vô thức nhưng vai trò giám sát của nó lại lớn hơn trong việc ra lệnh cho các hành động. Thách thức lớn nhất sắp tới đối với các nhà nghiên cứu là gì? Đó là chứng minh được rằng hai trạng thái vô thức và ý thức luôn làm việc đồng hành cùng với nhau và xác định được vai trò cụ thể của mỗi trạng thái này trong các hoạt động của não bộ. Thách thức này quả thật rất lớn bởi chúng ta biết rằng ý thức chỉ là một phần trong toàn bộ tiến trình nhận thức. Như vậy câu nói bất hủ: “Tôi suy nghĩ tức là tôi tồn tại” quả thật vẫn là một trong những bí mật lớn nhất mà con người chưa thể giải đáp.

Julie Coquart

Tác giả

(Visited 29 times, 1 visits today)