2666: Trước mắt hay sau lưng đều là tận thế

Trong tiểu luận “Di sản bị mất giá của Cervantes”, Milan Kundera viết: “Tinh thần tiểu thuyết là tinh thần của sự phức tạp. Mỗi cuốn tiểu thuyết nói với độc giả: Sự vật ở đời phức tạp hơn ta tưởng. Ðó là chân lý vĩnh cửu của tiểu thuyết [...].” Chúng ta bắt đầu bằng một lời nói của Kundera là bởi, trước khi có thể nói bất cứ điều gì về "2666" - cuốn tiểu thuyết phát hành năm 2004, một năm sau khi Roberto Bolaño, tiếng nói văn chương quan trọng bậc nhất của Nam Mỹ, từ giã cõi tạm.

Nhà văn Roberto Bolaño. Nguồn: WJS

Tôi buộc phải rào trước rằng, cuốn sách này là một bản thảo không thể phân tích hay bình giải. Không chỉ vì nó đồ sộ, mà vì 2666 quá phức tạp, quá rắc rối, thiếu vắng một trọng tâm nhất định, và bất chấp có một đầu mối liên kết chung xuyên suốt qua các phần, nó không thể ngăn cản việc câu chuyện phun trào theo mọi hướng, không thể khoanh vùng hay giới hạn,  và tất cả các tình tiết luôn ở trạng thái ly tâm, văng ra khỏi xương sống ban đầu.

2666 nói về mọi thứ. Mặc dù đó không phải là cách hay nhất để tóm gọn một cuốn tiểu thuyết, nhưng với riêng cuốn sách này, chỉ có thể mô tả như vậy. Những người làm sách không thích điều đó, nên buộc lòng, họ phải tìm ra một cách diễn giải cụ thể và dễ mường tượng hơn, kiểu như, câu chuyện kể về một nhà văn Đức mất tích và những vụ án mạng liên hoàn giết hàng trăm phụ nữ tại thành phố hư cấu Santa Maria – lấy cảm hứng từ loạt tội ác có thật ở vùng biên giới Mỹ và Mexico, nơi vốn là cái ổ của tội ác, nơi mà Orson Welles từ 1958 đã từng lột tả trong bộ phim kinh điển Touch of evil (Cái chạm của quỷ dữ), nơi phủ bóng của lũ tội phạm bạo ác. Nhưng một mô tả như thế cũng chẳng khác nào nói rằng Once upon a time in… Hollywood của Quentin Tarantino nói về cái chết kinh hoàng của nữ diễn viên Sharon Tate mà gia đình Manson điên loạn gây ra. Ta đơn giản là không thể giản lược vụng về và thô sơ theo cách đó.

2666 rộng dài cả về thời gian và địa lý. Nó chuyển động liên tục từ châu Âu đến Nam Mỹ, từ thời Hitler đến hậu 11/9, mở đầu về những nhà phê bình văn chương cùng say mê một nhà văn bí ẩn tên Archimboldi, câu chuyện bẻ lái đột ngột sang một vị giáo sư chấp chới trong những cơn mê sảng triết học, rồi một lần nữa khi cua vào cuộc đời của một tay nhà báo được cử đi đưa tin về cuộc đấu quyền anh xong rốt cuộc y lại dấn thân vào những vụ thảm sát phụ nữ không tìm ra thủ phạm, đến đây, 2666 vẫn chưa dừng lại, nó rẽ nhiều nhánh nữa để lẩn vào cuộc đời thực của hàng trăm con người, những nạn nhân, những tội phạm, những cảnh sát, những nhà tiên tri, nhiều tới mức ta cảm thấy sự nhân lên gấp bội của con người trong một thế giới mật độ dân số dày đặc, một khối u ác tính nằm ngoài khả năng kiể́m soát, và ở phần cuối cùng, 2666 trở về với nhà văn Archimboldi, một cựu binh Quốc Xã, cùng cách mà ông đã biến mất, khỏi tất cả.

2666 kết thúc một cách đột ngột như một bản thảo dở dang. Không một nút thắt nào được gỡ bỏ, không một câu chuyện nào đi đến một chung cuộc nào. Thậm chí không thể nói 2666 có một cái kết mở, nó đơn giản là bị bỏ ngỏ, một vụ án mà tất thảy mọi người cùng đeo mang, tất cả mọi người cùng liên đới, không có một thủ phạm nào cả bởi có vẻ như cả thế giới đó là thủ phạm.

Roberto Bolaño từng thừa nhận rằng Don Quixote của Cervantes và Moby Dick của Herman Melville là hai tác phẩm gây ảnh hưởng lớn nhất tới ông. Khi đem 2666 đặt cạnh những trước tác đó, ta thậm chí có thể nói chính chàng hiệp sĩ mộng mơ (hay chập cheng, tùy cách nhìn) Don Quixote cùng những tay thủy thủ trên con tàu săn cá voi Pequod đã cải trang thành những nhà phê bình, nhà báo, giáo sư và văn sĩ để tiếp tục phiêu lưu trong 2666. Chỉ khác là, Tây Ban Nha thế kỷ 15 và nước Mỹ trên đại dương giữa thế kỷ 19 tuy đầy cám dỗ và hiểm trở (dù tưởng tượng hay có thật) nhưng không điên rồ, hỗn loạn, tích tụ đầy độc chất, tựa một nồi lẩu sôi sùng sục của bạo lực, chứng tâm thần, và những cơn ác mộng, như cái thế giới bên rìa tận thế mà Bolaño xây dựng.

Và còn có thể là một cái gì khác ngoài một thế giới đang ngã bổ nhào xuống miệng địa ngục? Không ai biết ngụ ý chính xác của tác giả khi đặt tựa đề là 2666. Con số không xuất hiện dù chỉ một lần trong chiều dài gần 900 trang của tiểu thuyết. Nhưng ta biết 666 là con số của Quái thú, theo sách Khải Huyền, một con số với nhiều ý niệm quỷ dữ bất an. Còn 2666, nó chỉ có mặt trong một tác phẩm khác của Bolaño, cuốn Amuleto, ở một đoạn nhỏ thôi, mô tả đại lộ Guerro giống như một nghĩa trang, “không phải nghĩa trang của năm 1974, hay một nghĩa trang năm 1968, hay nghĩa năm năm 1975, mà như một nghĩa trang năm 2666”. 2666, có lẽ với Bolaño, là thời điểm mạt thế hoang tàn và đổ nát. Trong thế giới ấy, ngay cả đến Mặt trời buổi hoàng hôn trông cũng giống như “một bông hoa ăn thịt người”.
Nhưng câu hỏi đặt ra là: thời điểm của 2666 thực sự là lúc nào? Là quá khứ thời Archimboldi còn phục vụ cho Quốc Xã? Hay là Santa Barbava hiện đại? Hay là một lúc nào đó trong tương lai? Nếu là tận thế nằm ở thì tương lai hay hiện tại, điều đó hẳn ngụ ý từng có một thời thế giới không tệ hại đến thế. Nhưng có thật là thế hay không? Một vị chỉ huy bị chính binh sĩ của mình giết trên cây thập giá, một người đàn ông ẩy vợ mình vào vực thẳm, câu chuyện trong thời của Archimboldi đó, nó không đủ đáng sợ hay sao?
Nhưng nếu quá khứ chính là tận thế, và hiện tại là sự trỗi dậy trở lại của nền văn minh, thế thì chúng ta đã làm được gì tốt đẹp cho thế giới này suốt bấy nhiêu năm, hay nó vẫn hư ố không khác gì thời Hitler và thuyết ưu sinh và Auschwitz? Thoạt nhìn, cuộc sống của những nhà phê bình văn chương thế kỷ 21 du ngoạn khắp châu Âu để tham gia những cuộc hội thảo thật yên bình, những mâu thuẫn dữ dội nhất của họ chỉ gói gọn trong những cuộc bút chiến về cách đọc hiểu một ông nhà văn người Đức, hay nếu có gì hơn thế, mâu thuẫn khi những người đàn ông cùng say mê một người đàn bà và một cách vô thức, thầm ước như kẻ kia sẽ chết trong một vụ tai nạn máy bay. Thế nhưng vào một thời điểm không báo trước, khi họ ngồi trên một chuyến taxi, và chỉ vì một người trong số họ bình luận rằng tay tài xế vừa mô tả “London giống như một mê cung”, và đó chính là cách mà Borge đã từng mô tả. Rồi thì những người khác bắt đầu tranh luận rằng, Dickens hay Stevenson cũng từng viết thế, rồi tiếp đó là cơn tức giân khó hiểu của tay tài xế Pakistan giàu lòng tự trọng không muốn bị coi là kẻ bắt chước, và một cách phi lý, họ lao vào nhau ẩu đả và đánh cho tay tài xế thừa sống thiếu chết.
Mọi con đường dường như đều dẫn đến bạo lực. Ma túy và mại dâm, tư bản, những xí nghiệp và nhà máy, công nghiệp hóa, chủ nghĩa bài Do Thái, chiến tranh, chúng dẫn đến bạo lực, dĩ nhiên. Nhưng cả văn hóa hàn lâm, cả Borge, cả Dickens cuối cùng cũng là nguồn cơn bạo lực, không gì khác.
Có một tuyến truyện tuyệt vời trong 2666, khi ông giáo sư triết học đem một cuốn sách mang tên Kinh thánh hình học treo lên dây phơi, một ý tưởng nghệ thuật ready-made kiểu như Marcel Duchamp làm với cái bồn tiểu của mình, chỉ để xem những lý thuyết sẽ chống chọi ra sao với khí hậu sa mạc khắc nghiệt này. Là như thế, ngay cả những thứ tưởng chừng bất biến và phổ quát như hình học, những vĩ nhân  cao ngạo nằm trong tháp ngà như Heidegger, Nietzche, Bergson hay Borge, họ cũng hoen gỉ và nhiễm độc và không kháng cự nổi sự thoái hóa đã nằm trong bản ngã của con người.
2666 kết thúc một cách đột ngột như một bản thảo dở dang. Không một nút thắt nào được gỡ bỏ, không một câu chuyện nào đi đến một chung cuộc nào. Thậm chí không thể nói 2666 có một cái kết mở, nó đơn giản là bị bỏ ngỏ, một vụ án mà tất thảy mọi người cùng đeo mang, tất cả mọi người cùng liên đới, không có một thủ phạm nào cả bởi có vẻ như cả thế giới đó là thủ phạm, thậm chí, tất cả mọi người đã thông đồng để lờ nó đi hoặc để nhúng tay vào tội ác đó.
Tội ác trải rộng và tội ác hồi quy. Ở một đoạn văn, nhân vật Archimboldi cảm thấy như vũ trụ đang đổ ụp lên người mình. Nhưng sao nữa? Ông vẫn tiếp tục sống. Tận thế luôn mấp mé, nhưng nó chưa bao giờ đến và có lẽ không bao giờ đến, không có dấu hiệu nào rằng rồi nó sẽ có một kết thúc. Điều đáng nguyền rủa nhất là ở đó. Thế giới không bao giờ kết thúc và luôn luôn, nó sống trong năm 2666, bên bờ địa ngục và diệt vong, nhưng sẽ không bao giờ thực sự diệt vong mà chỉ ngày càng tiệm cận, tất cả những gì đáng tởm nhất sẽ vẫn nối dài vĩnh viễn. Không có gì có thể gột rửa nổi thế giới, tội ác vẫn cứ nhân lên và khi quay đầu nhìn quá khứ hay ngước mắt hướng tới tương lai, ta thấy mình bị vây bọc bởi một sự u tối như nhau. Thế giới này không có một đường lui thoát.□

 

Tác giả

(Visited 50 times, 1 visits today)