3 . 3 . 3: Một viễn vọng nghệ thuật Lê Công Thành

Lời giới thiệu: Lê Công Thành sinh năm 1931 tại Hải Châu, Đà Nẵng, 18 tuổi nhập ngũ, năm 1954 thì tập kết ra Bắc, tham gia khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957), là sinh viên duy nhất của Lớp Điêu khắc Khóa I, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957-1962) dưới sự hướng dẫn của các nhà điêu khắc nổi tiếng thời đó. Giai đoạn 1968 -1970, Lê Công Thành được cử đi Thực tập Điêu khắc tại Học viện Nghệ thuật Surikov (Moscow, Liên Xô). Từ 1975 Lê Công Thành sáng tác tự do và sinh hoạt trong Tổ sáng tác của Hội Mỹ thuật. 1979, ông tham gia Triển lãm Điêu khắc Quốc tế tại Riga (Latvia), và 1983 được bổ nhiệm làm Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật, Phó Chủ tịch chuyên ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa II (1983-1989). Là một nhà điêu khắc điển hình phát triển dưới ảnh hưởng của nền nghệ thuật Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa, nghệ thuật của Lê Công Thành vượt qua khỏi những hạn chế và định kiến của thời đại, để vươn đến những giá trị vừa phổ quát, đồ sộ, vừa độc lập và độc đáo. Ông là một gạch nối và tổng hòa của nhiều nguồn ảnh hưởng nghệ thuật phương Tây và văn hóa phương Đông để trở thành một nhân cách nghệ thuật quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20.


Ở phương án trưng bày, mô hình tròn được sử dụng với trung tâm là bức tượng cao nhất 4m5 và duy nhất về tạo hình, rồi được hạ thấp dần với các điêu khắc xung quanh. Triển lãm diễn ra tại Heritage Space, Tầng 1 Dolphin Plaza, số 5 Trần Bình từ 22/7 – 19/8

Vào thời điểm mà cảm thấy cô độc nhất trên con đường nghệ thuật, nhà điêu khắc Lê Công Thành từng nói: ‘Tôi không còn quan tâm đến làm điêu khắc nữa. Tôi không còn muốn khám phá điều gì mới mẻ. Chiếc cốc đã đầy, không thể đổ thêm nước vào nữa, bởi vì nó vô nghĩa’. Ông từng tạm dừng làm tượng trong một thời gian dài, đặt nhiều câu hỏi về nghệ thuật, và chờ đợi những tín hiệu dẫn dắt từ tâm linh như một người có đời sống tinh thần mạnh mẽ và niềm tin vào số phận. Âm thầm lui về xưởng làm việc với những phác thảo và điêu khắc cỡ nhỏ từ nhiều thập kỷ, nhưng khao khát được thể hiện chúng trong những không gian rộng lớn chưa bao giờ mất đi đối với nghệ sỹ. Ngưỡng mộ những sáng tạo điêu khắc và tinh thần nghệ thuật của Lê Công Thành, trung tuần tháng 7/2018, trung tâm nghệ thuật Heritage Space tổ chức triển lãm điêu khắc ‘3 . 3 . 3’ với ý tưởng hiện thực hóa tầm nhìn nghệ thuật của nghệ sỹ.

Điêu khắc là thực thể hữu cơ trong không gian

Lấy ý tưởng chủ đạo là con số 9, dòng điêu khắc kim loại lát mỏng, và quan niệm về ‘điêu khắc là thực thể hữu cơ trong không gian’ của nghệ sỹ làm trung tâm, triển lãm ‘3 . 3 . 3’ trình bày một Lê Công Thành vừa duy lý vừa duy mỹ với ngôn ngữ tạo hình mang tính ước lệ, tính biểu tượng và sự quan tâm liên tục đến cấu trúc không gian. 3 phác thảo được chọn từ xưởng nghệ sỹ, chuyển thể phóng lớn thành 9 ‘thực thể điêu khắc’ với các kích thước khác nhau, theo chiều cao 1m8, 2m7, 3m6 và 4m5. Các số đo này đều là ước số và bội số xoay quanh số 9 (chín) – con số hoàn hảo của triết lý phương Đông, được coi có khả năng biểu đạt sự toàn vẹn cao nhất các ý niệm tinh thần của nghệ sĩ. Các bức tượng tiêu biểu cho mạch biểu tượng xuyên suốt trong sự nghiệp sáng tác của Lê Công Thành: cơ thể phụ nữ, vật thể tô-tem, cột vô tận, với đầy đủ tinh thần kỳ bí, nhục cảm, khao khát và bề thế của chúng.

Phóng lớn một bức tượng, không chỉ là một công việc của kỹ thuật với các phép tính tỷ lệ, số đo và thao tác cơ học. Một đường thẳng, phóng lớn hay thu nhỏ có vẻ không có gì khác biệt. Một đường cong, khi phóng lớn mà giữ nguyên được cảm giác về biên độ, độ lượn, cung tròn của nó đã đòi hỏi sự chính xác về số học, và sự nhạy cảm của giác quan thẩm mỹ. Một đường lượn hình sin với các nhịp điệu khác nhau, hay đường với nhiều gấp khúc, độ khó tăng lên nhiều bởi cộng thêm khả năng kiểm soát và cân đối sự chính xác của các biến động thị giác song song với trực giác, cùng năng lực ‘điều phối’ sự cộng hưởng đó. Phối hợp của các đường đó, đưa vào giao diện ba chiều, chính là diễn đạt một thực thể điêu khắc. Điêu khắc, do vậy không dễ để chuyển thể một bức tượng nhỏ thành tác phẩm cỡ lớn, càng khó khăn hơn khi đưa vào nhiều dạng thức không gian và môi trường đặt để. Hiệu quả của việc phóng lớn một bức tượng còn phụ thuộc vào tầm cỡ nhận thức của người nghệ sỹ khi tạo tác nó, khả năng lý giải và chuyển tải các yếu tố và đặc điểm của không gian vào nội hàm cơ thể và cấu tạo của bức tượng, và khả năng tái ‘định nghĩa’ không gian đó bằng điêu khắc của mình. Với Lê Công Thành, điêu khắc và không gian là hai mặt của một bản thể không thể tách rời. Một tác phẩm có sẵn khi được đưa vào trong một không gian sẽ làm nảy sinh và phát triển những bình diện hết sức phong phú không thể thấy được khi chúng đứng riêng biệt.

Ở phương án trưng bày, mô hình tròn được sử dụng với trung tâm là bức tượng cao nhất 4m5 và duy nhất về tạo hình, rồi được hạ thấp dần với các điêu khắc xung quanh. Chúng được kết nối với trung tâm bởi xếp theo trục hàng ngang xuyên tâm. Thị giác được dẫn dắt ở nhiều chiều: tuyến ngang biến đổi theo lối đi giữa các vị trí tượng trong không gian và tuyến dọc tạo bởi chính độ cao của điêu khắc – theo khuynh hướng ‘cột vô tận’ và phẩm chất tô-tem nằm trong chi tiết. Chúng gợi ý hành vi ‘ngước nhìn’ từ người xem hướng lên các điêu khắc biến động về cao độ, dẫn dụ nảy sinh cảm giác về sự ‘ngưỡng vọng’ thuần khiết về thị giác, đánh động tới các ‘tế bào’ của giác quan thẩm mỹ bên trong.

Phần đồ họa dẫn dắt – yếu tố thị giác phụ trợ – trong không gian triển lãm sử dụng chất liệu vừa ẩn hiện vừa gợi mở: nó ở đó mà cũng không ở đó. Đồ họa được lấy gợi ý từ phần hình dạng của con số 3 – xuất hiện đầu tiên ở tiêu đề triển lãm, sau đó nó được biến thiên, nhân bản và quy nạp, để tạo thành những chuỗi thị giác phi tuyến trên mặt tường phẳng gallery. Sự bổ trợ thị giác của giải pháp này nhằm không tạo ra xung đột với điêu khắc – đối tượng chính của triển lãm, cũng là ‘thực thể chính’ được phép tồn tại trong không gian đó. Do đó, đồ họa được biểu hiện bằng chất liệu ‘vô hình’, chúng nằm trên tất cả các diện nhưng người xem cần chú tâm để nhận ra. Và khi hiện ra, chúng không có vẻ toàn diện, mà sẽ chỉ ‘lu mờ’, để gợi mở ra và dẫn dắt thị giác tới sự đông đặc, chiếm hữu và tĩnh lặng của khối điêu khắc.

Những giấc mơ của tôi sẽ chết cùng với tôi

Bước chuyển từ điêu khắc khối tròn, đặc sang hình khối lát mỏng của nghệ sỹ vào cuối thập niên 1980, chắc chắc không chỉ là một quá trình ngắn và giản đơn. Các khối hình cầu và khối trụ của điêu khắc bị đập dẹt, kéo dài vô tận. Khối hình lát phẳng, dẹt kéo dài lại mở ra sự linh hoạt về khả năng vận động nội hàm, khi toàn bộ khối có thể uốn cong thành những nhịp gấp khúc, chia cắt không gian thành những tiểu vùng biến thiên theo uốn lượn của cơ thể khối – mà lúc đó đóng vai trò là đường ranh giới. Từ chủ thể dẫn dắt thị giác và áp đặt lên không gian, khối điêu khắc ‘biến chất’ thành yếu tố phụ trợ khi ‘chỉ’ đóng vai trò công năng ‘tạo quy ước thị giác’ của không gian đó. Và không gian rỗng lại trở thành khối điêu khắc ‘ảo’, nhưng linh hoạt, đa hướng và dạng hơn nhiều, bởi sự mở ra khả năng vận động, biến thiên đa dạng của các khối – những ‘lát điêu khắc’ mỏng dẹt. Sự chuyển đổi vị trí từ ‘chủ thể áp đặt cái nhìn’ sang ‘vật dẫn – dẫn dắt cái nhìn’, sự ‘hoán vị’ bản chất của khối – là một chuyển đổi lớn về chất trong nhận thức và ngôn ngữ nghệ thuật. Nó biểu đạt một trạng thái điêu khắc khác biệt, cơ động và thanh thoát trong tinh thần hòa hợp với nhịp chuyển động của xã hội, năng lực tạo ra những xung đột thị giác, và đột kích các chiều kích, giao diện không gian đa chiều.


Nhà điêu khắc Lê Công Thành.

Dòng điêu khắc lát mỏng này của Lê Công Thành cũng thể hiện khả năng hấp thụ và chuyển hóa những ảnh hưởng nghệ thuật từ các bậc thầy điêu khắc hiện đại Châu Âu, từ Henry Moore(1) với năng lực tạo ra những điêu khắc biểu hình đầy cô đọng, trừu tượng hóa một cách thi vị hình thể phụ nữ hay phong cảnh thiên nhiên. Rồi tới Alexandre Calder(2) ở trong gợi ý sử dụng chất liệu kim loại, làm ‘phẳng’ hình khối ba chiều ở khía cạnh vật chất để gia tăng cảm giác về ‘ý’ và ‘không gian’. Hình khối phẳng vừa dẫn đến hệ quả giải phóng ‘lực’, ‘trọng lượng’ khối điêu khắc, gia tăng tính ‘động’ – sự linh động trong tạo hình khối, hướng vận động khối và đường nét trở nên đa chiều, và động năng trong chính nội hàm của mỗi hình-khối đơn lẻ. Xử lý ở một nhãn quan và tinh thần giàu tính phương Đông, Lê Công Thành chuyển hóa ngôn ngữ khối phẳng sang những hình tượng cũ và mới của ông. Cơ thể phụ nữ không còn tròn đầy nhục cảm, mà những đường cong được kéo dài ra vô tận. Sự nhục cảm còn nguyên, lại tăng thêm sự kỳ bí, cũng như mạch cảm xúc được giãn nở và phát triển theo những tuyến cấu trúc mới, như trục dọc và cao độ của bức tượng. Yếu tố tô-tem, ảnh hưởng từ nhiều nguồn bản địa: văn hóa Đông Sơn, điêu khắc Champa, chạm khắc đình làng Bắc bộ được vận dụng và dẫn dụ vào điêu khắc ở nhiều chi tiết nhỏ hay những vùng mảng, khối bộ phận. Những chi tiết này không chỉ là phụ trợ, mà còn có khả năng xây dựng cấu trúc của thị giác và nhịp điệu pho tượng. Từ đó, tính phức hợp của tạo hình bức tượng được mở rộng, và gia tăng ngữ nghĩa nội hàm tác phẩm cả về ý niệm hay cảm xúc. Những bước chuyển đó, có lẽ, tạo ra biến đổi quan trọng trong cả những lý giải và cơ chế sáng tạo nghệ thuật của Lê Công Thành sau này.

Điêu khắc tấm kim loại mỏng của Lê Công Thành ra đời trong hoàn cảnh sau năm 1985, khi ông quyết định rút về ẩn dật trong thế giới nghệ thuật của riêng mình sau khi hoàn thành công trình tượng đài duy nhất tại Núi Thành. Lê Công Thành không bài xích thể thức điêu khắc tượng đài, nhưng ông từ chối tham gia vào việc sản xuất các biểu tượng vô hồn, vô danh, phi đặc tính, và phi nghệ thuật. Trong căn xưởng nhỏ gần như đóng cửa với thế giới, không còn bị trói buộc bởi cái gọi là ‘định hướng’ sáng tác, Lê Công Thành thả sức sáng tạo, thử nghiệm với tất cả các cách thức biểu đạt khác nhau mà hình khối và chất liệu có thể mang lại, và “mơ về những công trình tượng đài có thể sánh ngang với những gì Moore hay Calder đã làm cho Văn phòng UNESCO tại Paris” cùng lo sợ rằng “những giấc mơ của tôi sẽ chết cùng với tôi.”(3) Và với ‘3 . 3 . 3’, triển lãm là cơ hội hiện thực hóa viễn cảnh trong sáng tác của Lê Công Thành: tạo ra một không gian ‘khả thể’ với những ‘giả định điêu khắc’ để tìm kiếm sự đối thoại, hòa hợp và thẩm mỹ.
——————
1Henry Moore (30/07/1898 – 08,1986), là một trong những nhà điêu khắc người Anh đáng kể nhất của thế kỷ 20.
2Alexandre Calder (22/07/1898 – 11/11/1976) được biết đến như là một trong những nhà điêu khắc người Mỹ quan trọng nhất thế kỷ 20.
3Jeffrey Hantover, Uncorked Soul: Contemporary Art from Vietnam – NXB Plum Blossoms (International) Ltd, 1991

 

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)