“40 năm trước, chúng tôi đã có Trung tâm văn hóa Hàn Quốc ở nước ngoài”
Sau gần 1 năm hoạt động, Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam đã có rất nhiều triển lãm được công chúng quan tâm, mới đây nhất, là triển lãm tranh tường trong các lăng mộ thời kỳ Koguryo, một “chiêu” tiếp thị văn hóa rất độc đáo đi theo bộ phim truyền hình dã sử dài tập “Truyền thuyết Ju Mông” đang được chiếu trên VTV1. Sắp tới, để kỷ niệm 1 năm ra đời TTVHHQ và 15 năm ngày đặt quan hệ ngoại giao Hàn Quốc – Việt Nam, Trung tâm này tiến hành rất nhiều hoạt động giao lưu văn hóa giữa 2 nước. Giám đốc TTVHHQ tại Hà Nội, ông Kim Sang Ug, có cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Trước khi thành lập, chúng tôi rất lo vì không biết người dân Việt Nam có quan tâm đến văn hóa Hàn Quốc không? Nhưng sau khi đi vào hoạt động, thấy rằng việc giao lưu văn hóa diễn ra rất tốt, sinh viên Việt Nam đến với chúng tôi rất đông, và rất may mắn là chúng tôi được báo chí Việt Nam ủng hộ
Hiện nay, những chủ đề văn hóa chính được TTVHHQ tổ chức vẫn là “công nghiệp văn hóa” hiện đại gồm phim, nhạc trẻ, game… để thu hút các bạn trẻ. Những ngành văn hóa chiều sâu như mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn học, nghệ thuật truyền thống trước đây không có mấy. Tính tới triển lãm tranh tường trong các lăng mộ thời kỳ Koguryo mới là triển lãm thứ 5.
Kế hoạch hoạt động thời gian tới của chúng tôi là tăng cường giao lưu văn hóa truyền thống và giới thiệu văn hóa Việt Nam đến Hàn Quốc, cân bằng giữa “công nghiệp văn hóa” và văn hóa truyền thống.
Việt Nam là nước thứ ba ở châu Á mà Hàn Quốc quyết định đặt Trung tâm văn hóa (sau Nhật và Trung Quốc). Tại sao lại là Việt Nam chứ không phải là một nước Đông Nam Á nào khác? Ông có thể cho biết vài nét về chủ trương và kế hoạch giới thiệu văn hóa ra nước ngoài của chính phủ Hàn Quốc?
Cách đây 40 năm, khi đang còn là một nước rất nghèo, thì Nhà Xanh (cách gọi chính phủ Hàn Quốc) đã có kế hoạch đặt TTVH ở nước ngoài. Mục đích lúc đó chỉ muốn giới thiệu với thế giới chúng tôi là ai và để kiều bào Hàn Quốc có nơi sinh hoạt văn hóa. Hai nước đầu tiên được chọn đặt là Nhật và Mỹ. Lúc đó chúng tôi cũng chưa có hoạt động giao lưu văn hóa gì (cũng bởi vì nghèo), bây giờ vấn đề giao lưu văn hóa mới được đặt lên hàng đầu. Hiện nay, Hàn Quốc có tất cả 12 TTVH trên thế giới.
Ở châu Á, có tất cả 5 TTVH như vậy (Trung Quốc 2, Nhật 2, Việt Nam 1). Việt Nam được nhận định là một trong 4 nước Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,Việt Nam) có cùng ảnh hưởng văn hóa Hán học. Tính theo khu vực Đông Nam Á, thì Việt Nam có vị trí quan trọng, có tiềm năng phát triển cao trong khu vực. 15 năm qua, Hàn Quốc và Việt Nam đã tiến hành giao lưu trên nhiều lĩnh vực chính trị – kinh tế quan trọng, nhưng để hai dân tộc hiểu nhau thực sự thì phải bắt nguồn từ văn hóa.
Hàn Quốc là nơi được thế giới biết đến không chỉ bởi sự phát triển hiện tại, mà cả với những kinh nghiệm bảo tồn văn hóa truyền thống hữu hiệu. Xin ông cho những ví dụ về kinh nghiệm trên lĩnh vực này?
Ai cũng biết văn hóa truyền thống là gốc rễ của văn hóa hiện đại. Trong thế giới thông tin ngày nay, thì văn hóa truyền thống đứng trước hai nhiệm vụ: Một là việc bảo tồn nguyên vẹn. Hai là biến đổi để hợp với thời đại, có thế thì giới trẻ mới quan tâm được liên tục tới văn hóa nước nhà, và bản sắc dân tộc mới không bị đứt mạch.
Để làm nhiệm vụ ấy, thì tại Hàn Quốc, chúng tôi có Tổng cục di sản văn hóa trực thuộc chính phủ (tiền thân là một Cục của Bộ Văn hóa – Du lịch Hàn Quốc, tách ra từ ngày 24/5/1999)
Hàng năm, Tổng cục di sản được đầu tư khoảng 450 triệu USD. Trong đó khoảng 350 triệu USD dành cho các dự án và kế hoạch bảo tồn, phát huy di sản văn hóa…
Trong đó, chúng tôi nhấn mạnh đến văn hóa con người, những “di sản sống” là các nghệ sĩ, nghệ nhân lưu giữ những kỹ năng văn hóa truyền thống trong nghề nghiệp của họ. Chúng tôi có một Ủy ban để chọn các nghệ sĩ, nghệ nhân thuộc diện “di sản”, và hàng năm họ có một khoản lương nhất định (trung bình một nghệ nhân như vậy được hưởng 1100 USD/tháng. Chưa kể họ còn được hưởng tiền riêng khi tham gia biểu diễn hoặc bán các sản phẩm văn hóa họ tạo ra). Những học trò xuất sắc của các nghệ nhân này cũng có những khoản viện trợ để kế thừa. Các buổi biểu diễn của các nghệ nhân được ghi lại tư liệu hình ảnh, âm thanh rất kỹ lưỡng.
Tổng cục DSVH Hàn Quốc cũng đã có những trao đổi kinh nghiệm với Cục di sản thuộc Bộ Văn hóa VN về vấn đề này.
Việc bảo vệ và chống lại nạn chảy máu cổ vật thuộc ngành di sản văn hóa vật thể thì ra sao, thưa ông?
Hàn Quốc bị mất nhiều cổ vật nhất là thời gian bị Nhật đô hộ (trước 1945) và thời nội chiến. Còn sau đó thì nạn chảy máu cổ vật gần như được ngăn chặn hoàn toàn bởi những biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt. Chùa Hàn Quốc thường ở trên núi cao, Bộ Văn hóa -Du lịch cho phép bán vé cho du khách vào xem, và tiền vé được đầu tư ngược trở lại chùa. Cổ vật trong các công trình tôn giáo được gắn chặt vào bệ, rất khó di chuyển. Ngoài ra, có một đội ngũ rất đông bảo vệ có lương chuyên làm nhiệm vụ gìn giữ (Đội này thuộc Ủy ban bảo vệ cổ vật quốc gia) được đặt ở những nơi có cổ vật. Đội ngũ này làm việc hết mình, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để bảo vệ cổ vật. Đôi khi họ rất cứng nhắc, nhiều khi không cho cả du khách chạm tay vào tượng Phật. Nhưng công nhận họ có công rất nhiều. Ngoài ra, người dân Hàn Quốc giữ gìn cổ vật trong các đền chùa của họ với cả sự tự tôn mang đầy tính linh thiêng và biểu tượng. Điều này còn một lý do khác, nếu cổ vật trong các công trình tôn giáo không được bảo vệ tốt hoặc mất mát, thì lượng khách du lịch sẽ giảm ngay, nên nguồn thu của người dân địa phương cũng sẽ bị thất thiệt. Luật pháp Hàn Quốc cũng quy định hình phạt khá nặng dành cho tội buôn bán trái phép di sản văn hóa quốc gia (cao nhất là mức án tù 5 năm kèm theo phạt tiền).
Có lẽ, sau này, khi kinh tế du lịch văn hóa của Việt Nam phát triển, thì người dân cũng sẽ có ý thức tốt để bảo vệ cổ vật như vậy.
Ông nhận thấy văn hóa Việt Nam có gì thú vị để giới thiệu với công chúng Hàn Quốc trong tương lai?
Tuy cùng có những ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc trong lịch sử như chúng tôi, nhưng văn hóa VN thoát khỏi tính dập khuôn và có rất nhiều hiện tượng độc đáo. Có một số hiện tượng vừa song trùng vừa là dị biệt với văn hóa Hàn Quốc mà khi giới thiệu, chắc chắn sẽ được công chúng Hàn Quốc rất quan tâm. Đơn cử nhỏ như bộ handbook của phụ nữ Hàn và chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam chẳng hạn…
Ngoài ra, chiều biên giới Bắc Nam của Việt Nam rất dài, khí hậu khác nhau, văn hóa các dân tộc nằm trên trục Bắc – Nam này cũng khác và rất đặc sắc. Đó là một điểm mạnh của văn hóa Việt Nam, mà chúng tôi dự định sẽ từ từ giới thiệu ở Hàn Quốc
Khi đến Huế, tôi rất bất ngờ khi được biết những đầu bếp nấu ăn trong hoàng cung nhà Nguyễn vẫn còn sống. Do vậy những thế hệ sau rất dễ dàng để kế tục được văn hóa ẩm thực cung đình. Triều đình cuối cùng của nước Cao Ly bị mất từ khoảng năm 1920, khi Nhật đô hộ, nên những nghệ nhân phục vụ cho triều đình cũng không còn ai. Có lẽ Việt Nam là nước hiếm có trên thế giới (đối với những nước mà chế độ phong kiến không còn tồn tại) còn nhiều “di sản sống” như vậy.
Tôi cho rằng văn hóa truyền thống của Việt Nam vẫn còn rất mạnh, bởi vì văn hóa hiện đại của các bạn vẫn chưa đủ mạnh để “nuốt” truyền thống. Thế nên, để bảo vệ và phát triển văn hóa, chính phủ Việt Nam cần có kế hoạch và những biện pháp triệt để trong thời gian này.
Đề nghị ông cho biết những hoạt động văn hóa cụ thể của Trung tâm thời gian tới?
Sau triển lãm cá nhân của họa sĩ Lê Thiết Cương, giữa tháng 10 năm nay, chúng tôi có kế hoạch mời 10 họa sĩ đương đại Việt Nam sang Hàn Quốc triển lãm và giao lưu với đời sống mỹ thuật Hàn Quốc.
Tháng 11, nhân Liên hoan phim Toàn quốc Việt Nam, sẽ có xemina giữa các nhà làm phim Hàn quốc và Việt Nam.
Tuần lễ văn hóa hữu nghị Việt – Hàn do Bộ Văn hóa – Du lịch Hàn Quốc tổ chức tại Việt Nam sẽ diễn ra vào giữa và tháng 11/07 . Được biết, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch Việt Nam cũng đang tổ chức tuần lễ văn hóa này tại Hàn Quốc vào giữa tháng 10.
* Cảm ơn ông
Vũ Lâm (thực hiện)
Một số hình ảnh trong triển lãm tranh tường lăng mộ thời kỳ Koguryo tại TTVHHQ tại Hà Nội.