Agatha Christie: Tình yêu khảo cổ dẫn lối cho… “Án mạng trên sông Nile”
Vùng đất Trung Đông huyền bí đã trở thành chất liệu sáng tác để “Nữ hoàng truyện trinh thám” Agatha Christie viết nên những tác phẩm để đời trong sự nghiệp rực rỡ của mình.
Ở cuối cuốn tiểu thuyết Án mạng trên sông Nile (1937), thám tử Hercule Porot đã ví cuộc điều tra của mình như một chuyến khai quật khảo cổ, “Phải loại đi lớp đất yếu, phủi sạch mọi thứ xung quanh bằng dao cho đến khi thấy được cổ vật, chỉ còn duy nhất nó. Đó là điều tôi đang cố gắng thực hiện để chúng ta có thể thấy rõ chân tướng sự thật.” Nhận định của Poirot cũng thể hiện mối quan tâm dành cho khảo cổ học của người “sáng tạo” ra ông – Agatha Christie.
Là vợ của Max Mallowan, một nhà khảo cổ học người Anh, người dẫn dắt các cuộc khai quật ở Syria và Iraq, nên Christie thường đồng hành cùng chồng trong các chuyến đi đến Trung Đông – ngay cả khi lúc bấy giờ bà đã là một nhà văn vô cùng nổi tiếng với hàng loạt đầu sách bán chạy. Bà dành cả buổi sáng để viết, còn buổi chiều bà đến hiện trường khai quật, chụp ảnh, lập danh mục các phát hiện trong ngày. Những mảnh hiện vật nhỏ, những bí ẩn quá khứ đã mê hoặc bà. “Bà có thiên phú trong việc ghép những mảnh hiện vật lại với nhau, bà làm việc đó đầy kiên nhẫn”, Charlotte Trümpler, người đồng quản lý một cuộc triển lãm đầu những năm 2000 về Christie và khảo cổ học, chia sẻ với CNN vào năm 2011.
Ngoài việc thỏa mãn “nỗi khao khát được học hỏi suốt đời”, các chuyến thám hiểm như vậy còn giúp Christie thoát khỏi áp lực của sự nổi tiếng, Laura Thompson – tác giả cuốn Agatha Christie: Một cuộc đời bí ẩn, lý giải. “Bà không cần phải là ‘Agatha Christie’ … Bà có thể dành phần lớn thời gian trong năm để tránh xa tất thảy mọi sự để chỉ là bà Mallowan”.
Đắm mình trong văn hóa Ai Cập
Agatha Christie là tác giả của 66 tiểu thuyết trinh thám, 14 tuyển tập truyện ngắn và hơn 20 vở kịch. Christie, lúc bấy giờ là thiếu nữ Miller, lần đầu đến thăm Ai Cập vào năm 1910. Cô dành ba tháng ở Cairo để giao lưu với những du khách châu Âu khác, thích thú khiêu vũ, xem các trận mã cầu, mua sắm, thăm thú các kỳ quan khảo cổ của Ai Cập. Christie về sau đã viết trong cuốn tự truyện của mình, “Thật may khi ấy, mẹ đã không bắt ép tôi đi tham quan các địa điểm. Phải đến khoảng 20 năm sau, đền Luxor, đền Karnak, những kỳ quan tuyệt mỹ của Ai Cập, mới đến với tôi và để lại những ảnh hưởng tuyệt vời. Nếu nhìn chúng bằng ánh mắt thiếu thiện cảm, tôi sẽ chẳng thể nào đón nhận chúng với niềm háo hức như vậy được”.
Niềm đam mê của Christie dành cho các nền văn minh cổ đại đã được bộc lộ một cách rõ ràng trong các tác phẩm như Án mạng ở Lưỡng Hà (1936) – cuốn tiểu thuyết xoay quanh vụ án một nhà khảo cổ học giết vợ; Tận cùng là Cái chết (1945) lấy bối cảnh Ai Cập vào năm 2000 trước Công nguyên; và nổi tiếng nhất, Án mạng trên sông Nile.
Mặc dù lịch sử cổ đại của Ai Cập không gây được nhiều ấn tượng đối với cô gái trẻ Christie, nhưng rõ ràng là quãng thời gian ở nước ngoài đã định hình khả năng viết lách của cô. Cô đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tay Tuyết trên sa mạc của mình ở Cairo – dù không xuất bản nó. Hơn một thập kỷ sau, vào năm 1923, Christie đã tái hiện bối cảnh này trong một truyện ngắn có tựa đề Bí mật lăng mộ Ai Cập – đó cũng là thời điểm nhà khảo cổ học và Ai Cập học người Anh Howard Carter phát hiện ra lăng mộ của Tutankhamun.
Christie quay trở lại Trung Đông vào mùa thu năm 1928, khi ấy bà vừa chia tay người chồng đầu tiên của mình, đại tá Archibald Christie. Ban đầu, nhà văn muốn hàn gắn vết thương lòng bằng cách “tìm kiếm ánh nắng mặt trời” ở Caribe, tuy nhiên, hai ngày trước khi bà khởi hành, bạn bè đã gợi ý bà đến Baghdad. Bà đã đến thủ đô của Iraq bằng Tàu tốc hành Phương Đông – một chuyến tàu sang trọng đã truyền cảm hứng để bà viết nên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên trong sự nghiệp của mình. Bà đã đến thành bang Ur của người Sumer thời Lưỡng Hà cổ đại, nơi nhà khảo cổ học người Anh Leonard Woolley đang tiến hành một cuộc khai quật của Bảo tàng Anh và Bảo tàng Đại học Pennsylvania. Vợ của Leonard, nhà khảo cổ học Katharine Woolley, là một fan hâm mộ của Christie, và cặp vợ chồng này đã rủ bà đến xem cuộc khai quật đang diễn ra.
“Tôi đã yêu thành bang Ur”, Christie hồi tưởng trong cuốn tự truyện của mình. “… Sự hấp dẫn của quá khứ như chộp lấy tôi. Một con dao găm từ từ hiện lên, với ánh vàng lấp lánh, xuyên qua bãi cát – cảnh tượng thật quá đỗi lãng mạn. Khi cẩn thận nhấc những chiếc bình và hiện vật từ lòng đất lên, niềm khao khát được trở thành một nhà khảo cổ học bỗng bừng lên trong tôi.”
Vợ chồng nhà Woolley tiếp tục mời Christie đến tham quan cuộc khai quật vào mùa đông năm 1930. Đến Ur giữa cơn bão cát, bà đã gia nhập nhóm khảo cổ và làm quen với trợ lý của Leonard – Mallowan, chàng trai 25 tuổi, người đã bỏ lỡ lần khai quật trước do một trận ốm. Mallowan đã đưa Christie – khi ấy bà vừa bước sang tuổi 40 – đi tham quan các kỳ quan cổ đại khác trên khắp Iraq. Khi Christie nhận được tin con gái mình bị ốm, Mallowan đã cùng bà trở về Anh. Họ kết hôn vào cuối năm đó và gắn bó với nhau đến cuối đời.
Những nhân vật sống động
Từ ấy, Christie và Mallowan hầu như năm nào cũng dành cả mùa thu và mùa xuân để khai quật ở Trung Đông, mùa hè ở Anh với con gái bà, và phần còn lại của năm nghỉ ngơi ở nhà hoặc đi du lịch. “Khảo cổ học là cách để bà chia sẻ cuộc sống với Mallowan”, Thompson cho rằng đó là cách để Christie không giẫm vào sai lầm trước đây, bởi bà luôn cho rằng việc đánh mất người chồng đầu tiên vào tay một người phụ nữ khác là do bà đã không quan tâm ông đầy đủ.
Trong các chuyến thám hiểm cùng Mallowan, Christie thường phụ trách gây quỹ, giám sát nguồn cung ứng và quản lý nhân công địa phương. Khi đã hiểu hơn về lĩnh vực này, bà cũng trực tiếp tham gia vào công tác kiểm kê, minh họa và phục chế hiện vật.
Năm 1933, trên đường đến một cuộc khai quật, đoàn khảo cổ dừng lại ở Ai Cập và lên tàu SS Sudan để du ngoạn sông Nile. Được xây dựng vào năm 1885 nhằm phục vụ hoàng gia Ai Cập và được chuyển đổi thành tàu du lịch vào năm 1921, con tàu sang trọng – vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay – đi dọc dòng sông, đưa du khách đến Luxor và Aswan. Hầu hết các hành khách đều thuộc giới thượng lưu châu Âu, những người thích “bầu trời đầy nắng và làn nước xanh” của Ai Cập hơn thời tiết ảm đạm của mùa đông nơi quê nhà – Christie về sau kể lại. Nhà văn đã cẩn thận ghi lại trong cuốn sổ của mình về những hành khách trong chuyến đi, những địa điểm bà nhìn thấy trong hành trình (bà đã chuyển sang một con tàu khác để tiếp tục đi về phía Nam đến Sudan), bao gồm các đền thờ Abu Simbel.
Vài năm sau, Christie quay trở lại Aswan, lưu trú lại khách sạn Old Cataract trong một thời gian dài. Tại đây, trong một căn phòng nhìn ra sông, bà đã chấp bút nên cuốn tiểu thuyết về sau đã trở thành tác phẩm để đời trong sự nghiệp của mình: Án mạng trên sông Nile.
“[Cuốn sách này] được viết sau khi trở về từ mùa đông ở Ai Cập”, Christie viết trong lời tựa của cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1937. “Giờ đây khi đọc nó, tôi như thấy mình trở lại trên con tàu từ [Aswan] đến Wadi Haifa. Có khá nhiều hành khách trên tàu, nhưng những nhân vật trong sách đã đi sâu vào tâm trí và trở thành những thực thể sống động trong tôi”.
Án mạng trên sông Nile lấy bối cảnh từ chính chuyến du hành của Christie. “Phần II: Ai Cập” mở đầu bằng cảnh một người mẹ đi nghỉ dưỡng cùng cậu con trai, họ ngồi trên một cặp “ghế bành màu đỏ tươi” bên ngoài khách sạn Cataract ở Aswan. Họ lập tức nhận ra thám tử lừng danh Poirot. Bất chấp thái độ từ chối của Poirot vì ông đang đi nghỉ, cuối cùng ông vẫn bị vướng vào một vụ án lằng nhằng liên quan đến cuộc tình tay ba giữa Linnet Doyle, chồng cô – Simon và Jacqueline de Bellefort, người phụ nữ mà Simon đã ruồng bỏ để kết hôn với Linnet. Sau đó, bối cảnh truyện chuyển sang SS Karnak, một con tàu hơi nước lấy cảm hứng từ con tàu SS Sudan.
Tại Abu Simbel, một trong những chặng dừng đầu tiên của hành trình trên sông Nile, một tảng đá đổ ập xuống khiến Linnet suýt nữa bỏ mạng. Nhưng vận may của cô không kéo dài, sáng hôm sau cả chuyến tàu trở nên náo loạn khi cô hầu phát hiện ra Linnet đã chết vì bị bắn thẳng vào đầu bằng một khẩu súng lục.
“Sự hấp dẫn của quá khứ như chộp lấy tôi… Khi cẩn thận nhấc những chiếc bình và hiện vật từ lòng đất lên, niềm khao khát được trở thành một nhà khảo cổ học bỗng bừng lên trong tôi”. (Agatha Christie)
Trong số các nghi phạm có ngài Guido Richetti, một nhà khảo cổ học người Ý được Poirot mô tả có kiểu nói líu lưỡi “gần như phù hợp với nghề nghiệp của ông ấy”; và Salome Otterbourne, một tiểu thuyết gia lãng mạn với tác phẩm Tuyết trên Sa mạc – khả năng cao là nhại lại cuốn tiểu thuyết chưa xuất bản lấy bối cảnh Ai Cập của Christie.
Thompson đưa ra giả thuyết rằng trong quá trình viết nên vở kịch Akhnaton (1937) về cuộc đời Pharaoh Akhenaten thuộc Vương triều thứ 18, bà đã tìm hiểu và tra cứu các tài liệu, từ đó đưa vào Án mạng trên sông Nile – tác phẩm ra đời trong cùng thời gian. Đắm mình trong văn hóa Ai Cập, bà đã tìm thấy cảm hứng sáng tác và để nhân vật, tình tiết chảy trôi theo trí tưởng tượng, điều không phải lúc nào cũng xảy ra với những tác phẩm khác của bà.
Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra vào năm 1939 đã làm gián đoạn các chuyến đi hằng năm của Christie và Mallowan đến Trung Đông. Mallowan gia nhập Bộ Hàng không ở Cairo, trong khi Christie ở lại Anh, viết văn và làm tình nguyện viên tại một bệnh viện. Xa cách và bẵng tin chồng, nhà văn quyết định “làm sống lại cuộc đời của chúng ta, để có được niềm vui khi nhớ lại”, bằng cách viết một cuốn sách về thời gian họ cùng nhau khai quật. Với tựa đề Lại đây, Kể cho tôi về Cách bạn sống, cuốn hồi ký được xuất bản vào tháng 11/1946 với những câu chuyện thú vị về những cuộc đào bới của hai vợ chồng ở Syria và Iraq.
“Cốt truyện của Án mạng trên sông Nile rõ ràng sẽ không bao giờ xảy ra trong đời thực”, Thompson cho biết. “Nhưng các nhân vật được khắc họa rất chân thật – cô gái trẻ tội nghiệp không muốn mọi người biết mẹ mình nghiện rượu hay mối tình tay ba. [Christie] hiếm khi viết về hiện thực cuộc sống, nhưng bà luôn trung thực. Và khảo cổ học cũng vậy. Bạn đang cố gắng tìm ra sự thật giữa những khía cạnh của quá khứ”.□
Anh Thư lược dịch
Nguồn: https://www.smithsonianmag.com/history/how-agatha-christies-love-of-archaeology-influenced-death-on-the-nile-180979544/