Alfred Brendel: Một phong cách độc đáo và minh triết

Brendel xem mình như một người gìn giữ di sản âm nhạc, trung thành với tinh thần của tác phẩm gốc. Ông không sáng tác, nhưng giống như một người “đỡ đẻ” cho âm nhạc, giúp nó ra đời đúng cách, đúng thời điểm, đúng bản chất.

Alfred Brendel, người nghệ sĩ diễn giải bậc thầy các tác phẩm kinh điển Áo-Đức

Ngày 17/6/2025, Alfred Brendel, người nghệ sĩ có phong cách trình diễn vừa đủ sự tinh tế và minh triết để không làm lu mờ âm nhạc, đã qua đời tại nhà riêng ở London. Giờ đây, khi nhìn lại toàn bộ sự nghiệp của Alfred Brendel, có thể thấy điều thu hút khán giả ở ông không phải là kỹ xảo mà là khả năng biểu cảm và tư duy âm nhạc – sự kết hợp độc đáo giữa chất trữ tình dâng trào và tinh thần nghiêm cẩn về hình thức, cùng sự sẵn lòng dẫn dắt người nghe đến tận tâm hồn của tác phẩm. Nhiều nghệ sĩ thường nhận được những tràng vỗ tay lớn và đứng dậy ngay sau khi kết thúc phần trình diễn. Brendel cũng có không ít lần như vậy, nhưng phần lớn các buổi hòa nhạc của ông khép lại bằng một khoảng lặng kéo dài và sâu lắng, khi khán giả vẫn còn đắm chìm trong dư âm của âm nhạc. Trong sự nghiệp biểu diễn kéo dài sáu thập kỷ, Brendel là một nghệ sĩ diễn giải bậc thầy các tác phẩm kinh điển Áo-Đức, từ Joseph Haydn, Wolfgang Amadeus Mozart cho đến Ludwig van Beethoven và Franz Schubert.

Một khởi đầu phi truyền thống

So với hầu hết những nghệ sĩ nổi tiếng khác, Brendel dường như có một sự khởi đầu khá đặc biệt. Ông sinh ngày 5/1/1931 tại Wiesenberg, Tiệp Khắc (nay là Loučná nad Desnou, Czech), nơi khi đó có cộng đồng lớn những người nói tiếng Đức sinh sống. Trong bộ phim tài liệu về bản thân mình được Mark Kidel thực hiện năm 2000, Brendel cho biết: “Sự nghiệp của tôi là một trường hợp khác thường, tôi không phải là thần đồng. Bố mẹ tôi không phải nhạc sĩ – trong nhà hoàn toàn không có âm nhạc. Tôi có trí nhớ tốt, nhưng không phải xuất chúng. Tôi cũng không đọc nhạc giỏi. Tôi hoàn toàn không hiểu tại sao mình lại thành công nữa!”. Brendel cũng từng thú nhận rằng mình đã phải tự tìm hiểu rất nhiều thứ. Cha của Alfred, Albert, một người Áo đã trải qua rất nhiều nghề để nuôi sống gia đình khiến cậu con trai mình có một tuổi thơ phiêu bạt. Khi Brendel ba tuổi, Albert bỏ nghề kiến trúc sư, đến Nam Tư để quản lý một khách sạn ở đảo Krk, nằm ở phía Bắc của biển Adriatic. Tại đây, lần đầu tiên Alfred được tiếp xúc với âm nhạc: “Tôi vận hành máy nghe nhạc, tự tay lên dây cót và đặt các đĩa nhạc lên cho khách của khách sạn – đó là các trích đoạn operetta khoảng năm 1930 do Jan Kiepura biểu diễn. Tôi hát theo và thấy điều đó khá dễ dàng”.

Sau đó cả gia đình chuyển về Zagreb khi Albert trở thành giám đốc của một rạp chiếu phim. Sáu tuổi, Alfred có được những bài học piano đầu tiên với Sofija Deželić. Năm 1943, mọi người chuyển về Graz, Áo sinh sống khi cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ hai vẫn diễn ra. Alfred theo học tại nhạc viện Graz với hai chuyên ngành piano với Ludovica von Kaan và sáng tác cùng Artur Michl. Trong đó, Kaan là học trò Bernhard Stavenhagen, một trong những học sinh ưu tú nhất của Franz Liszt. Nên dưới góc độ nào đó mà nói, Brendel là học trò trực hệ của Liszt. Trong thời gian này, Hitler có một chuyến thăm thành phố. Brendel cho rằng trải nghiệm đó là khởi đầu cho cái nhìn hoài nghi triết học của mình: “Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về cơn cuồng loạn tập thể. Tôi thấy ánh mắt của những tín đồ và điều đó khiến tôi miễn nhiễm với mọi thứ đức tin”. Vào cuối cuộc chiến tranh, Alfred chỉ mới 14 tuổi đã bị bắt trở về Zagreb để tham gia đào chiến hào tại đây.

Khi Brendel 16 tuổi, Kaan đã khuyên cậu học trò mình nên ngừng học và đi biểu diễn. Sau này anh còn tham dự ba buổi dạy master class của Edwin Fischer tại liên hoan âm nhạc Lucerne. Brendel coi Fischer cùng với Alfred Cortot, Wilhelm Kempff và các nhạc trưởng Bruno Walter, Wilhelm Furtwängler là những nghệ sĩ có ảnh hưởng tới bản thân ông nhất. Và như Brendel cho biết: “Tôi không có giáo viên piano chính thức nào sau tuổi 16”. Brendel coi nền tảng âm nhạc phi truyền thống của mình là một lợi thế. Ông đánh giá: “Một giáo viên có thể có ảnh hưởng quá lớn. Là người tự học, tôi đã biết được cách không tin tưởng bất cứ điều gì mà tôi chưa tự mình tìm ra”.

Năm 1948, Brendel có buổi biểu diễn đầu tiên của mình trước công chúng trong một chương trình có tên gọi Fugue trong văn học dành cho piano. Tại Graz, anh đã chơi một sáng tác của mình và những tác phẩm của Johann Sebastian Bach, Johannes Brahms và Liszt. Tất cả chúng và cả bốn bản nhạc biểu diễn thêm đều là fugue. Bên cạnh âm nhạc, ngay từ thời điểm này, Brendel còn theo đuổi những niềm vui khác là hội họa và văn học. Trong đó văn học đã luôn song hành, trở thành nghề nghiệp thứ hai của ông. Ngay trước buổi biểu diễn đầu tiên, Brendel cũng mở một triển lãm các bức tranh màu nước của mình.

“Nghệ thuật mang lại cảm giác trật tự, trong khi cuộc sống vốn hỗn loạn. Cảm giác trật tự nảy sinh từ trong hỗn loạn và mang trong mình một phần của hỗn loạn, nhưng chính cảm giác trật tự ấy mới là điều quan trọng trong một tác phẩm nghệ thuật”.

Alfred Brendel

Chậm rãi trên con đường nghệ thuật

Năm 1949, Brendel giành giải Tư trong cuộc thi Ferruccio Busoni tại Bolzano, Ý và sự nghiệp của anh với tư cách nghệ sĩ piano đã chính thức bắt đầu. Chỉ một năm sau, ông đã có bản thu âm đầu tiên của mình. Và với những ai biết được danh mục biểu diễn quen thuộc của Brendel hẳn sẽ không thể tin được đó là piano concerto số 5 của Sergei Prokofiev, một tác phẩm khó có thể liên tưởng đến ông, cùng Vienna State Opera Orchestra. Brendel tiếp tục những chuyến lưu diễn của mình tại châu Âu và Mỹ Latinh, chậm rãi, không phô trương trong nỗ lực xây dựng sự nghiệp của mình như chính ông từng nhận xét: “Khi tôi còn trẻ, sự nghiệp chung của tôi không có gì nổi bật, mà chỉ tiến triển từng bước một”.

Trong những năm đầu sự nghiệp, các đại diện của Brendel gặp không ít khó khăn trong việc tìm các buổi biểu diễn. Một phần nguyên nhân có lẽ nằm ở phong cách biểu diễn của ông. Có lần Brendel nhìn thấy chính mình trên truyền hình và ngạc nhiên khi nhận ra rằng biểu cảm bên ngoài của ông, so với cách ông chơi đàn, lại hoàn toàn không có vẻ gì là kiềm chế. Ông đã học cách kiềm chế những cử động thái quá và nét mặt nhăn nhó trên sân khấu bằng cách luyện tập trước gương.

Và rồi mọi thứ thay đổi thật nhanh chóng chỉ sau một đêm. Brendel tiếp tục: “Nhưng rồi, một ngày nọ tôi đang biểu diễn một chương trình Beethoven tại Queen Elizabeth Hall, London. Đó là các tác phẩm không quá quen thuộc, thậm chí chính tôi cũng không thích nó lắm – vậy mà hôm sau tôi nhận được ba lời mời từ các hãng thu âm lớn. Nó thật sự có vẻ kỳ quặc, như một chiếc ấm nước đang âm ỉ đun, rồi đột nhiên bắt đầu sôi sùng sục và hơi nước phụt ra”. Đó là thời điểm năm 1958 và cái tên Brendel bắt đầu tỏa sáng từ đó. Cùng hãng Vox, ông trở thành nghệ sĩ đầu tiên thu âm toàn bộ các tác phẩm dành cho piano của Beethoven trong giai đoạn 1958-1964.

Brendel từng nói: “Tôi chưa từng thuộc về bất kỳ hội nhóm nào. Tôi không tin vào những trường phái chơi piano”. Điều này thể hiện qua việc ông xây dựng lối chơi riêng dựa trên tư duy cá nhân và tự khám phá. Về danh mục biểu diễn, Brendel nghiêng hẳn về các tác phẩm của những nhà soạn nhạc Đức-Áo, tập trung chủ yếu vào thời kỳ Cổ điển và Lãng mạn. Ngoài ra có thêm một số các tác phẩm của Bach và piano concerto của Arnold Schoenberg. Trong trường phái Đức-Áo này, Brendel cũng chỉ biểu diễn một vài tác phẩm trong rất nhiều những tuyệt tác của Robert Schumann. Ông chỉ biểu diễn một vài Polonaise của Chopin dù không giấu giếm sự ngưỡng mộ dành cho nhà soạn nhạc, coi các Prelude của Chopin là “thành tựu vinh quang nhất trong âm nhạc piano sau Beethoven và Schubert”. Brendel hoàn toàn xa rời các tác phẩm âm nhạc Nga, ngoại trừ một vài ngoại lệ như Những bức tranh trong phòng triển lãm (Modest Mussorgsky) hay Islamey (Mily Balakirev).

Brendel xem Liszt là một nhà soạn nhạc bị hiểu lầm, như ông đã trình bày trong một bài tiểu luận từ thập niên 1960 mang tên “Liszt bị hiểu lầm” và ông đã dành nhiều buổi biểu diễn cũng như thu âm để khám phá Liszt như một nhà soạn nhạc nghiêm túc, dù đồng thời cũng nhìn nhận một cách phê phán những điểm yếu trong âm nhạc của Liszt. Brendel khẳng định: “Tôi coi Liszt là sự bổ sung cho Mozart, Beethoven và Schubert” và “Tôi nghiêm túc với Liszt. Tôi tin rằng ông là một con người đầy cao thượng… Tính cao quý thấm đẫm trong âm nhạc của ông”.

Âm nhạc của Beethoven, đặc biệt là các piano sonata luôn là trung tâm trong các chương trình biểu diễn và thu âm của Brendel như nhà phê bình Jeremy Siepmann nhận xét: “Có lẽ không có nghệ sĩ nào trong lịch sử dành nhiều suy nghĩ tập trung và lâu dài hơn cho những tác phẩm này”. Brendel là người đầu tiên trên thế giới ba lần thu âm trọn bộ 32 piano sonata của Beethoven, sau lần với Vox là hai lần với Philips (sau trở thành hãng ghi âm độc quyền của Brendel) vào những năm 1970 và 1990. Trong ba tập này, lần thu âm cuối cùng được đánh giá cao nhất, gần như là hoàn hảo, đặc biệt nếu xét thêm khía cạnh Brendel đã 60 tuổi và gặp phải một số vấn đề về sức khỏe.

Trong mùa diễn 1982-1983, ông đã trình diễn toàn bộ các piano sonata trong suốt 77 buổi độc tấu tại 11 thành phố trên khắp châu Âu và châu Mỹ. Brendel cũng trở thành nghệ sĩ piano đầu tiên kể từ Artur Schnabel bốn mươi năm trước đã chơi tất cả các tác phẩm này tại Carnegie Hall. Giải thích cho sự gắn bó của mình với loạt piano sonata, Brendel nói: “Bởi vì tôi không phải loại nghệ sĩ piano học một bản nhạc, chơi nó và loại bỏ nó, tôi cảm thấy rằng người ta nên giữ liên lạc với những bản nhạc thực sự đáng chơi và sống cùng chúng trong suốt cuộc đời”.

Bên cạnh Beethoven, hai nhà soạn nhạc chiếm vị trí đặc biệt trong trái tim Brendel là Mozart và Schubert. Manh mối về cách tiếp cận của ông với âm nhạc Mozart có thể tìm thấy trong một tiểu luận sâu sắc mang tên “Một nghệ sĩ chơi Mozart tự khuyên mình” trong đó ông khẳng định: “Mozart không được làm bằng sứ, cũng không phải bằng đá cẩm thạch, hay bằng đường”. Brendel cho rằng phải tránh xa bằng mọi giá hai lối chơi Mozart: một bên là kiểu “không được chạm tới” quá dè dặt và cầu toàn, bên kia là lối “ướt át quá mức” chất đầy cảm xúc ủy mị. Theo ông, Mozart không phải một “đứa trẻ tài hoa” yếu đuối, có tiết tấu mơ hồ và âm sắc mộng mị. Trái lại, nhiệm vụ của người nghệ sĩ là phải tìm được sự cân bằng lý tưởng giữa sự tươi mới và nét thành thị, giữa sự tự nhiên và chất mỉa mai, giữa sự lãnh đạm và chiều sâu thân mật.

Chỉ một từ “minh triết”, với tất cả các tầng nghĩa của nó, cũng đủ để nói lên điều khiến người ta trân trọng Brendel; dù sao đi nữa, thật khó hình dung ông lại buông ra một nét nhạc vô tâm hay máy móc”.

Còn chơi nhạc Schubert, theo Brendel, lại giống như “đi trên bờ vực thẳm”. Tại đây, niềm hạnh phúc luôn ở lằn ranh với bi kịch và những tâm trạng trầm tư của Schubert được ông truyền tải như những điềm báo cho các ảo ảnh mộng mị sau này của Schumann. Nghệ thuật trình diễn âm nhạc cổ điển hiện đại đôi khi bị cuốn vào chủ nghĩa biểu cảm quá mức, nơi người nghệ sĩ trở thành trung tâm chú ý thay vì tác phẩm, thì Brendel luôn là người trung thành với những phẩm chất truyền thống. Trong bài luận của mình “Hình thức và tâm lý học trong các bản piano sonata của Beethoven”, Brendel viết: “Với tư cách là một nghệ sĩ diễn giải – tức là trong vai trò ba trong một của tôi: người lưu giữ, người thực hiện và người hộ sinh – tôi không quan tâm đến những sáo mòn, mà chỉ hướng đến những gì đặc biệt và độc nhất”.

Một phong cách khác lạ

Brendel giảng dạy nhiều hơn và truyền cảm hứng cho rất nhiều sinh viên.

Với phong cách biểu diễn lý trí, không phải không có những chỉ trích nhằm vào Brendel. Ví dụ như Joshua Kosman nhận xét: “Ở Brendel có điều gì đó mang tính học giả – một kiểu điềm tĩnh tao nhã – khiến âm nhạc mất đi phần nào tính hấp dẫn. Nhiều khi, bản nhạc giống như vấn đề ông đã giải quyết xong xuôi trước khi bước lên sân khấu, khiến buổi trình diễn trở thành hình thức thủ tục, một kết luận đã được định sẵn”. Nhà phê bình Tim Page thì có sự đánh giá cẩn trọng hơn: “Kỹ thuật của Brendel ở mức đủ dùng nhưng không có gì đặc sắc; âm sắc của ông đầy đặn, dễ chịu nhưng không hề rực rỡ; dải động lực biểu cảm của ông thường chỉ dao động quanh mức trung bình. Hơn nữa, một sự tỉ mỉ kiểu học thuật kỳ lạ thấm vào những phần trình diễn kém thành công của ông: những lúc ấy, người nghe có cảm giác như Brendel đang trình bày cách để chơi một bản nhạc đúng đắn, thay vì thực sự biểu diễn nó cho chúng ta nghe. Ông không phải một nghệ sĩ trình diễn rực lửa, cũng không phải một nhà thơ âm thanh đầy xúc cảm, càng không phải một kẻ cách tân cấp tiến kiểu Glenn Gould”.

Và rõ ràng Page rất hiểu Brendel khi tổng kết: “Vậy thì còn lại điều gì? Thực ra, còn rất nhiều, đặc biệt là một sự pha trộn độc đáo, gần như chưa từng có giữa chất ca từ dâng trào và sự nghiêm cẩn về hình thức, hai yếu tố không bao giờ lấn át nhau trong cách chơi của ông. Những đoạn nhạc mang tính chiêm nghiệm (mà ông thể hiện hay nhất) luôn có mở đầu, phần phát triển và kết thúc rõ ràng, nhưng vẫn giữ được sự liền mạch tự nhiên, tưởng như ngẫu hứng trong khoảnh khắc. Có lẽ chỉ một từ “minh triết”, với tất cả các tầng nghĩa của nó, cũng đủ để nói lên điều khiến người ta trân trọng Brendel; dù sao đi nữa, thật khó hình dung ông lại buông ra một nét nhạc vô tâm hay máy móc”.

Là một người yêu nghệ thuật cuồng nhiệt, trong thời gian rảnh rỗi, Brendel ghé thăm các phòng trưng bày, bảo tàng và đọc rất nhiều. Từ năm 1971, ông định cư tại Hampstead, London. Dù không có bằng cấp nào về âm nhạc nhưng Brendel viết rất nhiều bài luận về piano, qua đó, ta hiểu được tư duy của người nghệ sĩ về những nhà soạn nhạc và tác phẩm của họ. Ông cũng yêu thích thi ca, sáng tác hai tập thơ và là bằng chứng xác thực cho khiếu hài hước kiểu Dada (là một phong trào nổi loạn, phản kháng, và phi lý, nhằm chống lại những giá trị nghệ thuật truyền thống cũng như sự vô nghĩa, tàn bạo của chiến tranh và xã hội đương thời nổi lên từ những năm 1915 ở Thụy Sĩ) và trí tưởng tượng phong phú của ông. Brendel là người rất quan tâm đến chủ nghĩa phi lý trong triết học, cho rằng mọi sự tồn tại đều là vô lý, gắn liền với học thuyết của Albert Camus. Brendel từng nói: “Bên cạnh cảm giác tuyệt vời về trật tự mà tôi có được từ âm nhạc, tôi đã học được giá trị của sự phi lý”.

Có lẽ chỉ một từ “minh triết”, với tất cả các tầng nghĩa của nó, cũng đủ để nói lên điều khiến người ta trân trọng Brendel; dù sao đi nữa, thật khó hình dung ông lại buông ra một nét nhạc vô tâm hay máy móc”.

Có vẻ ngoài hài hước với khuôn mặt tinh quái, đôi lông mày nhướn lên đầy thắc mắc, mái tóc rối, cặp kính dày và dáng người cao nhưng hơi lòm khòm, Brendel từng bị một người phụ nữ đứng tuổi nhầm với Woody Allen khi ông đang ngồi trên chiếc ghế phía ngoài Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York. Tính cách của Brendel cũng hài hước như vậy, trái ngược hẳn với phong thái điềm tĩnh, xử lý những tác phẩm âm nhạc một cách thư thái. Vào cuối những năm 1950, ông từng dắt một chú rùa nhỏ vào Musikverein và thích thú ngắm nhìn nó đang soi mói bức tượng bán thân của Mozart. Nghệ thuật của Brendel được định hình từ một nghịch lý. Một mặt là tính kỷ luật trí tuệ, sự nghiêm cẩn học thuật và khát vọng vươn tới sự hoàn hảo; mặt kia lại là niềm thích thú trước cái phi lý. Ông từng liệt kê “cười” là sở thích hàng đầu của mình và rất thích nói rằng “hài hước chính là sự cao cả đảo ngược”.

Trong nhiều năm, Brendel đã đi biểu diễn trên khắp thế giới, có mối quan hệ chặt chẽ với những dàn nhạc danh giá nhất trên thế giới, đặc biệt là Berlin Philharmonic và Vienna Philharmonic. Brendel là một trong những nghệ sĩ piano hiếm hoi trở thành thành viên danh dự của Vienna Philharmonic. Ông cũng tham gia hòa tấu thính phòng cũng như người đệm đàn cho một số ca sĩ như Dietrich Fischer-Dieskau, Matthias Goerne hay con trai ông, nghệ sĩ cello Adrian Brendel.

Những năm sau này, sức khỏe của Brendel đã giảm sút. Ông gặp phải một số vấn đề ở lưng và cánh tay, điều đã ngăn cản Brendel biểu diễn một số tác phẩm lớn. Brendel giảng dạy nhiều hơn và truyền cảm hứng cho rất nhiều sinh viên. Paul Lewis, một trong những cái tên xuất sắc từng theo học với ông đã nói: “Alfred chưa bao giờ quan tâm đến piano chỉ vì nghệ thuật piano. Đối với ông, piano luôn chỉ là phương tiện để đạt được mục đích. Theo cách riêng của mình, ông là một giáo viên rất khắt khe, nhưng ông ấy không bao giờ quan tâm đến bất cứ điều gì mang tính kỹ thuật”. Năm 2007, Brendel thông báo sẽ nghỉ hưu và buổi biểu diễn cuối cùng của ông diễn ra vào ngày 18/12/2008 tại Musikverein trong piano concerto số 9 “Jeunehomme” của Mozart cùng Vienna Philharmonic và Charles Mackerras khép lại sự nghiệp vinh quang kéo dài hơn 60 năm. Ngày 17/6/2025, Brendel qua đời tại nhà riêng ở London, hưởng thọ 94 tuổi.

Brendel từng nói: “Nếu tôi thuộc về một truyền thống nào đó, thì đó là truyền thống khiến cho kiệt tác nói với người biểu diễn điều anh ta nên làm, chứ không phải để anh ta bảo bản nhạc nên như thế nào, hay chỉ cho nhà soạn nhạc phải sáng tác ra sao”. Đó chính là sự đúc kết lại toàn bộ triết lý nghệ thuật của Brendel. Trong một thế giới nơi ngày càng nhiều nghệ sĩ tìm cách tôn vinh cái tôi, nơi những màn trình diễn rực rỡ, hào nhoáng lấn át chính bản thân âm nhạc, Brendel lại lắng nghe, khiêm nhường và tôn vinh nhà soạn nhạc. Ông không đặt mình vào trung tâm mà nhường chỗ cho kiệt tác lên tiếng. Trên hết, ông tin vào một vẻ đẹp âm thầm nhưng bền vững, thứ chỉ hiện ra khi người nghệ sĩ đủ tinh tế và minh triết để không làm lu mờ nó và được mọi người ghi nhớ bằng sự tĩnh lặng chứ không phải phô trương.

Và chính vì thế, trong suốt hơn 60 năm biểu diễn, Brendel không chỉ là một nghệ sĩ lớn mà còn là một cá tính nghệ thuật độc đáo không thể nhầm lẫn với bất kỳ ai khác.□

Duy Quang

* Bài đã đăng Tia Sáng số 13/2025

Tác giả

(Visited 49 times, 4 visits today)